Ngành văn hóa, thể thao và du lịch:

Phát huy sức mạnh phong trào thi đua yêu nước

09:03 | 16/01/2021
(LĐTĐ) Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021- 2025 tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; chào mừng Đại biểu đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động phong trào thi đua yêu nước với các nội dung bao trùm trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Phát huy hiệu quả phong trào thi đua yêu nước Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức lao động

Phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực thúc đẩy ngành văn hóa, thể thao và du lịch nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phát động phong trào với Tám nội dung cụ thể và thiết thực.

Phát huy sức mạnh phong trào thi đua yêu nước
Nghệ thuật biểu diễn giai đoạn 2021 – 2030 được ngành văn hóa chú trọng xây dựng

Một là, đẩy mạnh các phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hướng các phong trào thi đua vào việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn phong trào thi đua với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thi đua thực hiện cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi, phong cách quản lý nhà nước chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo với mục tiêu cao nhất là phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Hai là, thi đua xây dựng và phát triển văn hóa, xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng và thực hiện hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với phát huy ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa hướng về cơ sở; đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm văn hóa, các thiết chế văn hóa cơ sở và đội ngũ người làm công tác văn hóa cơ sở hoạt động có hiệu quả.

Ba là, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì sự phát triển bền vững; đẩy mạnh quản lý, tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, gắn với phát triển du lịch. Xây dựng Đề án phát triển công nghiệp văn hóa. Chủ động, thích ứng, đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại, đa dạng các hình thức hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Tích cực tham gia Triển lãm Expo - Dubai – 2021.

Bốn là, củng cố, tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật nhiếp ảnh, xây dựng Đề án đầu tư sáng tạo, quảng bá các loại hình nghệ thuật biểu diễn giai đoạn 2021 - 2030. Xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Triển khai thực hiện Luật Thư viện, đẩy mạnh “Văn hóa đọc” gắn với phong trào học tập suốt đời.

Năm là, triển khai công tác xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học nghệ thuật; xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể theo đúng kế hoạch đề ra.

Sáu là, xây dựng Hồ sơ Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản, chương trình về công tác gia đình trong giai đoạn mới; phòng, chống bạo lực gia đình; đảm bảo quyền của trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình; bình đẳng giới, công tác trẻ em, người cao tuổi trong gia đình…

Bảy là, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về lĩnh vực thể dục thể thao, đặc biệt là các chế độ, chính sách cho vận động viên, huấn luyện viên nhằm tạo môi trường pháp lý thúc đẩy thể thao phát triển. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục, thể thao cho mọi người, trong đó tập trung đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với việc tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp và Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao Olympic nhằm nâng cao thành tích của Thể thao Việt Nam; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ huấn luyện và tổ chức các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế. Phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (ASEAN Para Games 11) năm 2021 tại Việt Nam.

Tám là, tập trung triển khai “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trong chương trình kích cầu du lịch nội địa. Tăng cường công tác truyền thông với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Phát triển du lịch thông minh, du lịch đêm, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số. Năm 2021, ngành Du lịch xây dựng phương án, chủ động đón khách du lịch quốc tế trở lại sau khi dịch Covid- 19 được kiểm soát; phục vụ 80 triệu lượt khách du lịch nội địa. Bên cạnh đó, bảo đảm mục tiêu kép “Vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phục hồi du lịch”. Tổ chức thành công Năm Du lịch quốc gia Ninh Bình - 2021. Trao Giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2021.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua do Trung ương phát động như Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm (2016-2020). Hằng năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước phù hợp với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị chung và phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa của đất nước.

Phong trào thi đua yêu nước đã trở thành động lực thúc đẩy ngành văn hóa, thể thao và du lịch nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao. Sự nghiệp văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch đã có những bước phát triển vững chắc, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên, khẳng định vai trò “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội”. Trong 5 năm qua Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng chục Huân chương các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho tập thể, cá nhân có thành tích hoạt động xuất sắc trong các lĩnh vực. Chủ tịch nước trao tặng 18 Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; 95 Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật; 186 Nghệ sỹ Nhân dân; 687 Nghệ sỹ Ưu tú; 66 Nghệ nhân Nhân dân; 1187 Nghệ nhân Ưu tú; 11 Nhà giáo Nhân dân và 15 Nhà giáo Ưu tú.

Từ thực tiễn phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của ngành. Đối với ngành thể thao đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Thể thao thành tích cao gặt hái được những thành tích to lớn, quốc kỳ Việt Nam phấp phới được kéo lên trên đấu trường quốc tế.

Du lịch Việt Nam cũng đã có những bước nhảy vọt, năm sau cao hơn năm trước, 80 triệu lượt khách trong nước và 18,3 triệu lượt khách quốc tế năm 2019 là một dấu mốc của du lịch Việt Nam thời gian qua. Trước những khó khăn của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã kịp thời thích ứng và đưa ra nhiều kịch bản phát triển du lịch, khẳng địnhViệt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn và an toàn cho du khách quốc tế./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này