Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế “đầu tàu”

15:27 | 11/01/2021
(LĐTĐ) Năm học 2019 - 2020, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô vẫn bảo đảm tiến độ, chất lượng giáo dục, duy trì vững chắc vị thế “đầu tàu” của cả nước. Kết quả này là nền tảng để Hà Nội tự tin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020 - 2021.
Học sinh Hà Nội được nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 9 ngày Triển khai chương trình "Điều ước cho em" Hà Nội: Tuyển dụng 3.960 giáo viên, nhân viên

Nhiều kết quả toàn diện

Năm học 2019 - 2020, Hà Nội tiếp tục là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2.800 trường học và gần 2,1 triệu học sinh. Mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, cơ bản từng bước được kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

Năm học này cũng là một năm học có nhiều đổi mới tích cực trong công tác giáo dục; đồng thời toàn Ngành cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức mới. Cùng với cả nước, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Mặc dù có một thời gian học sinh phải tạm nghỉ học do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, toàn ngành vẫn bảo đảm tiến độ và duy trì vững chắc chất lượng giáo dục, hoàn thành tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và bảo đảm an toàn cho học sinh.

Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế “đầu tàu”
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Hà Nội có số điểm 10 nhiều nhất cả nước. (Ảnh minh họa)

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế với 144 giải quốc gia, 338 giải và huy chương quốc tế.

Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Hà Nội có số điểm 10 nhiều nhất cả nước với 416 điểm 10, số lượng điểm 9 trở lên các môn thi là 28.550 điểm. Không tính thí sinh tự do, tỷ lệ tốt nghiệp toàn thành phố là 99,17% (trong đó đối với thí sinh Trung học phổ thông là 99,52% và đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên là 96,19%); tăng 2,99% so với năm 2019.

Đáng nói, Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tính đến năm 2020, tỷ lệ trường học công lập đạt chuẩn quốc gia của toàn Thành phố đạt 75%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 là có từ 65% đến 70% số trường công lập đạt chuẩn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục được nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục.

Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin

Năm học 2019 - 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học, quản lý; cải cách thủ tục hành chính và công tác thanh tra.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thí điểm áp dụng sách điện tử các môn Âm nhạc, Thủ công, Tin học, Tiếng Anh với các trường Tiểu học, Trung học cơ sở đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quá trình học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên; đồng thời thí điểm triển khai trường học điện tử cho 3 cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở tại 3 Phòng Giáo dục và Đào tạo (quận Long Biên 16 trường, quận Thanh Xuân 4 trường và quận Bắc Từ Liêm 14 trường).

Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị thế “đầu tàu”
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức ghi hình và phát sóng chương trình "Học trên truyền hình" các môn học năm học 2019 - 2020 dành cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12.

Cũng trong năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục triển khai "Trường học kết nối" trong tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn qua mạng tới tất cả các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Các trường đã tiến hành tập huấn và cấp tài khoản cho các giáo viên và học sinh.

Đến hiện tại, việc khai thác, sử dụng “Trường học kết nối” ở các trường đã dần đi vào nền nếp và có tác dụng tốt. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các trường thường xuyên đưa bài lên trang web, xây dựng nguồn học liệu mở, góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong trường học hiện nay.

Đặc biệt, do diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19, có thời gian học sinh phải tạm nghỉ học tập trung tại trường để phòng chống dịch bệnh. Với tinh thần "Tạm dừng đến trường, không dừng việc học", thầy trò ngành Giáo dục và Đào tào Hà Nội đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong dạy, học, hoàn thành "mục tiêu kép": Bảo đảm an toàn cho học sinh và duy trì vững chắc chất lượng.

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình. Các chương trình dạy học trên truyền hình của Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao, được Sở Giáo dục và Đào tạo của 12 tỉnh/thành phố đề nghị tiếp sóng, góp phần cùng các trường học trên cả nước duy trì vững chắc chất lượng giáo dục đại trà.

Trong tháng 5 - 6/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng học sinh cho 74.000 học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study. Kết quả, trên 99,5% học sinh tham gia làm bài và nộp bài thành công. Cũng trong tháng 6/2020, Sở tiếp tục triển khai khảo sát Tiếng Anh cho 104.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn toàn Thành phố.

Có thể khẳng định, kết quả năm học 2019 - 2020 đã tạo động lực, niềm tin cho thầy trò ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô thêm nỗ lực để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020 - 2021.

Toàn ngành sẽ tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, trách nhiệm công dân đối với xã hội cho học sinh... từ đó góp phần đưa giáo dục Thủ đô tiếp tục giữ vững vị thế “đầu tàu” trong những năm tới.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này