Từ 1/1/2021: Quyền của người lao động có nhiều thay đổi

09:08 | 05/01/2021
(LĐTĐ) Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Lao động sẽ bổ sung thêm đối tượng là người lao động làm việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản;lần đầu tiên, hành vi quấy rối tình dục được định nghĩa trong pháp luật lao động; tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình tăng dần; cơ chế giải quyết tranh chấp lao động được tinh giản… Đó là một số điểm mới nổi bật của Bộ luật Lao động 2019, chính thức có hiệu lực thi hành trong năm nay.
Bộ luật Lao động 2019: Mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động Trao giải Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Bộ luật Lao động năm 2019 Điều kiện và cách tính lương hưu cho người lao động

Những nội dung cải tiến then chốt

Bộ luật Lao động 2019 được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019, chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Với 17 chương và 220 điều, Bộ luật Lao động mới được áp dụng tới các đối tượng: Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động; người sử dụng lao động; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Theo nhận định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, thay đổi quan trọng đầu tiên là Bộ luật Lao động mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung thêm đối tượng là người lao động làm việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản. Như vậy, Bộ luật có một số nội dung được áp dụng cho toàn bộ khoảng 55 triệu người lao động, thay vì phạm vi điều chỉnh hiện tại chỉ khoảng 20 triệu người là những người lao động có quan hệ lao động như trước năm 2021.

Từ 1/1/2021: Quyền của người lao động có nhiều thay đổi
Bộ luật Lao động 2019 quy định: Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do, chỉ cần tuân thủ quy định báo trước về thời gian. Ảnh: B.D

Thứ hai, Bộ luật bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm đảm bảo nguyên tắc không phân biệt giới và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo đó, người sử dụng lao động được yêu cầu phải “đảm bảo trả công bình đẳng cho các công việc có giá trị ngang nhau, không phân biệt giới tính” và bảo vệ thai sản. Đồng thời, lần đầu tiên, hành vi quấy rối tình dục được định nghĩa trong pháp luật và người sử dụng lao động có nghĩa vụ phải ban hành nội quy lao động và thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng dần lên theo lộ trình kể từ năm nay. Theo đó, Điều 169 của Bộ luật quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với lao động nam; 4 tháng với lao động nữ. Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước tuổi, nhưng không sớm quá 5 năm.

Một điểm mới liên quan sát sườn đến quyền lợi của người lao động đó là Bộ luật đưa ra những quy định pháp lý cho phép người lao động và người sử dụng lao động tự quyết định mức lương và điều kiện lao động thông qua đối thoại và thương lượng, trong đó vai trò của Nhà nước chỉ giới hạn ở việc xác định những tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu như tiền lương tối thiểu và giới hạn thời gian làm thêm giờ.

Như vậy, người sử dụng lao động giờ đây không còn phải gửi thang lương, bảng lương đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, song vẫn phải tham khảo ý kiến của các tổ chức đại diện của người lao động. Nội dung này đã thể hiện đầy đủ những nguyên tắc chỉ đạo của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách tiền lương đã được thông qua năm 2018.

Theo Bộ luật mới, cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cũng đã được tinh giản. Nếu tranh chấp lao động không được hòa giải thành công, người lao động giờ đây có thể lựa chọn đình công hợp pháp hoặc yêu cầu trọng tài phán quyết. Trước đây, cần thêm nhiều bước khác để có thể đình công hợp pháp.

Giúp Việt Nam sớm gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập cao

Hoan nghênh những quyền mới của người lao động và người sử dụng lao động tại Việt Nam được đề cập đến trong Bộ luật Lao động 2019, Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định: “Bộ luật mới sẽ giúp Việt Nam tăng tốc trên con đường vì việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ”.

Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý do

Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần nêu lý do, nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng.

Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước, trong một số trường hợp sau: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc; đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, ông Chang-Hee Lee cũng nhấn mạnh: “Bộ luật Lao động mới có nhiều cải tiến có thể mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động, nhưng những nội dung cải tiến sẽ chỉ đi vào thực tiễn cuộc sống khi mọi người đều hiểu được mình có những quyền mới nào và chủ động sử dụng những quyền đó.”

Giám đốc ILO Việt Nam cũng cho rằng: Sự thay đổi này đưa pháp luật lao động và quan hệ lao động của Việt Nam tiệm cận hơn với Công ước số 98 của ILO về Quyền tổ chức và Thương lượng tập thể mà Việt Nam đã gia nhập năm 2019, và cải tiến theo Công ước số 87 về Tự do Hiệp hội và Bảo vệ Quyền được tổ chức mà Chính phủ dự kiến sẽ phê chuẩn vào năm 2023. Tôn trọng và áp dụng đầy đủ Công ước số 87 và Công ước số 98 của ILO là yêu cầu trọng tâm đối với Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

“Quan trọng hơn cả, những thay đổi này tạo nền tảng vững chắc cho Chính phủ, các tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động tiến lên trên con đường bền vững hơn hướng tới thịnh vượng chung và tránh được bẫy thu nhập trung bình. Điều đó sẽ thúc đẩy tiến trình nâng cấp xã hội và kinh tế của Việt Nam”, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Tiến sĩ Lee cũng cho biết thêm: “Tôi cũng hy vọng rằng thực thi hiệu quả Bộ luật sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chính thức hóa nền kinh tế phi chính thức, nơi phần lớn người lao động Việt Nam đang làm việc. Phát triển công nghệ cũng khiến gia tăng nhanh chóng số lượng lao động trong nền kinh tế dựa trên nền tảng internet, như những tài xế xe công nghệ mà hiện chưa rõ có được pháp luật lao động điều chỉnh không. Chính phủ, tòa án, và các đối tác xã hội cần cùng nhau tìm ra những giải pháp mới để giải quyết những thách thức của thị trường lao động hiện đại.”./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này