Giảm thiểu tai nạn lao động: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp

08:37 | 29/12/2020
(LĐTĐ) Thời gian qua, việc liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông báo động về điều kiện thiếu an toàn, nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động ở nước ta hiện nay. Theo các chuyên gia, để sớm chấm dứt tình trạng trên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng còn cần đến sự chung tay của cả chủ sử dụng lao động và người lao động.
Luôn đặt an toàn lao động lên hàng đầu Để giảm thiểu tai nạn lao động: Cần nêu cao công tác đánh giá rủi ro

Gia tăng tình trạng mất an toàn lao động

Năm 2020, tình hình mất an toàn lao động đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Tại thành phố Hà Nội, vụ tai nạn lao động sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16, phố Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng), xảy ra tối 30/7/2020, làm 4 người chết khiến người dân không khỏi bàng hoàng. Nguyên nhân của vụ tai nạn được cơ quan chức năng xác định là do gãy thiết bị sàn treo nâng người khiến cả 4 người và vật liệu xây dựng rơi từ tầng 6 xuống đất. Hầu hết các nạn nhân là lao động phổ thông, hợp đồng lao động thời vụ dưới một tháng và không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Giảm thiểu tai nạn lao động: Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tình trạng mất an toàn lao động đang diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn cả nước. (Ảnh: Lê Thắm)

Cũng trong tháng 7/2020, 5 công nhân Công ty Quảng Phong, Cụm công nghiệp Ngũ Hùng, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện (Hải Dương) bị nhiễm độc thiếc với nồng độ rất cao gây tổn thương não, trong đó có một ca tử vong tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cả 5 công nhân này đều làm việc tại bộ phận nghiền nhựa của công ty. Qua xét nghiệm cho thấy nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu của các công nhân đều rất cao, có trường hợp cao gấp hàng trăm lần mức cho phép. Kết quả khảo sát thực địa ở Công ty Quảng Phong của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cũng cho thấy, nồng độ bụi cao, đặc biệt là khu vực tạo hạt; mẫu nguyên liệu, sản phẩm tại xưởng nguyên liệu có nhiều kim loại như: Chì, kẽm, thiếc, asen; không khí môi trường lao động có một số hợp chất hữu cơ bay hơi…

Mới đây nhất, ngày 12/11/2020, tại công trình xây dựng căn nhà 6 tầng trên đường Cống Lở (phường 15, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh), khi 3 công nhân đang đứng thi công cách mặt đất khoảng hơn 5m thì dây cáp tải vật liệu đứt khiến giàn giáo đổ sập làm 3 công nhân rơi xuống đất và phải đi cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương.

Trước đó, nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra trên cả nước đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ tai nạn lao động xảy ra tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) ngày 25/5/2020 khiến 6 công nhân gặp nạn (3 người chết, 3 người bị thương); vụ tai nạn lao động tại Nhà máy Chế biến gỗ xuất khẩu Kiều Thi, thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiều Thi Junma, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) ngày 10/6/2020 làm 23 người thương vong (3 người chết, 20 người bị thương); vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng phải nhắc đến là vụ tai nạn xảy ra ngày 14/5 tại công trình xây dựng nhà máy của Công ty Cổ phần AV Healthcare - Khu Công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai làm 24 công nhân của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hà Hải Nga thương vong...

Điều thương tâm ở đây là, hầu hết nạn nhân trong các vụ tai nạn đều có hoàn cảnh khó khăn, thường là trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Ví như, vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng số 16, phố Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Theo tìm hiểu của phóng viên, cả 4 nạn nhân đều là lao động chính, trụ cột trong gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn. Nạn nhân Nguyễn Thế Bồng (sinh năm 1956, trú tại thôn Bài Trượng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) có 4 người con. Trong đó con trai cả bị bại liệt bẩm sinh, sức khỏe yếu, mọi sinh hoạt hằng ngày đều cần có người giúp đỡ, con trai út đang học lớp 12. Vợ ông cũng là lao động tự do, thu nhập không ổn định, mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình và tiền chạy chữa cho con đều do ông Bồng gánh vác. Tai nạn ập đến, cả gia đình ông mất đi trụ cột. Vụ tai nạn lao động đã cướp đi sinh mạng của ông Bồng và gián tiếp gây nên những khó khăn chồng chất trong cuộc sống cho vợ con ông sau này.

Tương tự, hoàn cảnh của hai mẹ con nạn nhân Cao Thị Thúy (sinh năm 1968) và con trai Đặng Đình Thắng (sinh năm 1992, ở xã Vân La, huyện Chương Mỹ) cũng rất thương tâm. Cuộc sống khó khăn, 2 mẹ con bà Thúy phải lên thành phố làm thuê, kiếm tiền nuôi gia đình. Tai nạn lao động xảy ra, bà Thúy mất đi để lại bố mẹ già yếu, còn anh Thắng để lại vợ và 2 con nhỏ, một cháu hơn 3 tuổi và một cháu 6 tháng tuổi...

Cần kết hợp đồng bộ các giải pháp

Có thể thấy, những năm gần đây, tình trạng mất an toàn lao động đang diễn ra ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tính mạng của người lao động. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động chủ yếu vẫn là do vi phạm các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật, quy trình về an toàn lao động, một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chỉ tập trung về vấn đề sản xuất kinh doanh, chạy theo lợi nhuận trước mắt mà chưa quan tâm, tập trung về công tác an toàn vệ sinh lao động đối với người lao động. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không đạt tiêu chuẩn về nhiệt, tiếng ồn, khí hơi độc do sử dụng các thiết bị, máy móc cũ, lạc hậu, không đảm bảo an toàn, các phương tiện bảo hộ lao động còn mang tính hình thức, đối phó; không được doanh nghiệp quan tâm vì sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, nhận thức của một bộ phận người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn hạn chế, chưa đầy đủ hoặc thiếu kiến thức về an toàn vệ sinh lao động cũng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Hậu quả của tai nạn lao động là không đo, đếm hết được. Về phía chủ sử dụng lao động, thiệt hại là không nhỏ khi phải đứng trước các khoản chi phí y tế, bồi thường, trợ cấp cho người lao động. Mặc khác, uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh có thể bị gián đoạn. Song thiệt thòi về phía người lao động vẫn nặng nề. Không chỉ bị tổn hại về tính mạng, sức khỏe, khả năng làm việc, cuộc sống gia đình người lao động bị đảo lộn, tài chính kiệt quệ, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần vì chi phí điều trị tai nạn và bệnh tật do tai nạn lao động gây ra không phải số tiền nhỏ, có thể rơi vào tình trạng đói nghèo.

Dưới góc độ chuyên gia, theo ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, để giảm thiểu tai nạn lao động, các doanh nghiệp phải tăng cường công tác tập huấn an toàn cho người lao động, bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn phù hợp. Nếu có đơn vị nào cố tình móc nối với doanh nghiệp để hợp thức hóa sẽ rút giấy phép, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, phải tăng cường kiểm tra giám sát các lỗi vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Và một vấn đề cốt lõi nữa là, các cơ quan chức năng cần yêu cầu và có biện pháp thanh kiểm tra buộc các doanh nghiệp quan tâm, chỉ đạo để người lao động tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như: Quy trình an toàn điện, an toàn lao động trong mọi công tác; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng, vận hành các thiết bị, vật tư.

“Chỉ khi nào việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trở thành thói quen, kỹ năng làm việc, hành vi văn hóa trong doanh nghiệp thì khi đó công tác an toàn lao động mới được bảo đảm”- ông Tạ Văn Dưỡng chia sẻ./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này