Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội: Một năm vượt khó nâng cao chất lượng sáng tác

17:28 | 28/12/2020
(LĐTĐ) Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội vừa tổng kết tình hình hoạt động nghệ thuật năm 2020 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Theo đó, Hội đã có nỗ lực rất lớn trong việc định hướng và tổ chức sáng tác cho hội viên.
Dấu ấn văn học nghệ thuật Thủ đô Dấu ấn văn học Hà Nội đương đại

Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội với vị trí của một Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp có quy mô hoạt động đa dạng, Hội luôn luôn giữ vững tính định hướng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, vươn tới các giá trị nhân văn chân chính trong hoạt động sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn chiến đấu và xây dựng Thủ đô đang lớn mạnh và đổi mới từng ngày.

Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cũng như Ban Chấp hành 9 Hội chuyên ngành đã nỗ lực rất lớn trong việc định hướng và tổ chức sáng tác cho hội viên, các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm học thuật, các chuyến đi thực tế được các Hội chuyên ngành tổ chức tạo được tiếng vang về học thuật và không khí phấn khởi sáng tác trong toàn thể anh chị em hội viên.

Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội: một năm vượt khó để nâng cao chất lượng sáng tác
Nhiều cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm được tổ chức nhằm nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật (ảnh: Bảo Thoa)

Cụ thể, về việc đầu tư và mở trại sáng tác: Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức cho 15 hội viên đi dự Trại sáng tác tại Tam Đảo thu được 02 tập truyện 02 tập thơ và nhiều sáng tác thơ, văn xuôi có chất lượng; Hội Mỹ thuật tổ chức Trại sáng tác cho 35 hội viên tại Nha Trang và Yên Bái thu được hơn 50 tác phẩm có chất lượng; Hội Sân khấu tổ trại sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải cho 15 hội viên, Hội Nghệ sĩ Múa tổ chức trại sáng tác tại Tam Đảo cho 30 hội viên trong thời gian 7 ngày thu được 30 kịch bản có chất lượng; Hội Âm nhạc tổ chức tại trại sáng tác Đại Lải cho 30 nhạc sĩ thu được 35 tác phẩm…

Các đợt đi thực tế, đi điền dã được các Hội chuyên ngành quan tâm tổ chức đều đặn và thu hút đông đảo hội viên tham gia, có phần huy động xã hội hóa, được hội viên sẵn sàng hưởng ứng: Hội Văn nghệ dân gian tổ chức cho hội viên đi điền dã thực tế tại chùa Đại Từ Ân và Khai Nguyên, thực tế tại Lai Châu nhằm tìm hiểu văn hóa các dân tộc người Tây Bắc, thực tế tại Hà Giang tìm hiểu nghiên cứu các dân tộc thiểu số; Hội Nhiếp ảnh tổ chức đi thực tế tại Cửa Lò cho 22 hội viên; Hội Điện ảnh tổ chức đi thực tế tại Cụm di tích lịch sử văn hóa làng Nôm – Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa và Quảng Ninh; Hội Nhà văn tổ chức đi thực tế sáng tác tại Thái Bình, Hòa Bình và Thái Nguyên cho 93 hội viên, Hội Nghệ sĩ Múa tổ chức 04 cuộc đi thực tế tại các địa phương thuộc Hà Nội…

Hoạt động triển lãm và liên hoan nghệ thuật cũng rất phong phú và đa dạng: Hội Nhiếp ảnh Hà Nội phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Việt Nam triển khai Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Hà Nội lần thứ VIII, triển lãm ảnh lần thứ 50 vời chủ đề “Hà Nội niềm tin và hy vọng” chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long và 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô; Hội Mỹ thuật Hà Nội gửi 4 tác phẩm của các em thiếu niên Hà Nội tham gia triển lãm quốc tế thiếu niên tại Tokyo - Nhật Bản, triển lãm Mỹ thuật Thủ đô năm 2020 nhân ngày Giải phóng Thủ đô cho 250 tác phẩm của 250 tác giả; Hội Âm nhạc tổ chức Chương trình ca nhạc Tình yêu Hà Nội lần thứ XIII với chủ đề” Chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và thanh âm trên mái phố” với 23 tác phẩm được biểu diễn…

Các cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm học thuật cũng được tiến hành sôi nổi: Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh với nghệ sĩ Sân khấu Thủ đô”, tọa đàm vở chèo “ Tình sử Thăng Long”; Hội Nhà văn tổ chức hội thảo thơ Hà Nội “ Sức sống mới sau 45 năm thống nhất đất nước”; Hội Điện ảnh tổ chức tọa đàm “Nghệ sĩ Điện ảnh Thủ đô sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh”, tọa đàm “Nghệ sĩ Điện ảnh Thủ đô sáng tác về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh” và “Điện ảnh Việt Nam với đề tài chiến tranh cách mạng”; Hội Văn nghệ dân gian tổ chức tọa đàm: Những biểu tượng văn hóa “bùa chú” của Việt Nam, Nguồn gốc người Việt, Đời sống và những con số thiêng, Những cây cầu cổ trong văn hóa Việt Nam; Hội Nghệ sĩ Múa tổ chức hội thảo “ Sưu tầm, phục dựng và phát triển múa cổ truyền Hà Nội trong thời đại mới”…

Tronh phương hướng và nhiệm vụ năm 2021, Hội tiếp tục tổ chức có hiệu quả các đợt sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm sáng tác, trao đổi về tác phẩm mới sáng tác của hội viên, đặc biệt chú trọng và đề cao trước nhất là chất lượng tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của tác phẩm với các xu hướng cách tân, khát vọng đổi mới cách thể hiện, hình thức hài hòa với nội dung, phù hợp với sự không ngừng nâng cao dân trí nhằm tương xứng với trình độ công chúng và yêu cầu của Thủ đô; tập trung đầu tư có trọng điểm, không dàn đều và mang tính bình quân chủ nghĩa. Xây dựng một thế đứng vững chắc cho Hội, để có thể tự chủ phần nào kinh phí hoạt động…

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này