Kiến tạo điểm đến du lịch qua những "bức tường lịch sử" ở Hà Nội

Kỳ cuối: Cần thúc đẩy 5 yếu tố cấu thành điểm đến

16:44 | 24/12/2020
(LĐTĐ) Với 5 thành tố cấu thành một điểm đến du lịch, đó là sự hấp dẫn khách du lịch; giao thông đi lại thuận tiện; có nơi ăn nghỉ; có tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ; có các hoạt động khác bổ sung, thì đa số những “bức tường” ở Hà Nội chưa đạt đủ 5 yếu tố, bởi sự thiếu hụt một hoặc nhiều tiêu chí đã dẫn đến trở ngại trong việc tạo dựng và thu hút khách du lịch trong lâu dài.
Kỳ 1: Những bức tường lịch sử

Nhìn từ các “bức tường” trên thế giới

Theo tham luận tại cuộc Hội thảo “Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến” của phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Thị Mỹ Hương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam), Bức tường Berlin (Đức) có độ cao 3,6 mét được chính quyền Đông Đức xây dựng dọc theo bờ sông Spree bắt đầu từ năm 1961 và được coi như một bức tường biên giới ngăn cách phía Tây và Đông Thủ đô Berlin.

Kỳ cuối: Cần thúc đẩy 5 yếu tố cấu thành điểm đến
Phố Bích họa Phùng Hưng đạt 4/5 tiêu chí điểm đến du lịch (ảnh: Mai Quý)

Nơi đây đã chứng kiến biết bao dấu ấn lịch sử về một giai đoạn chiến tranh lạnh, bởi đã từng là bức tường thành lịch sử ngăn cách người dân Thủ đô Berlin trong suốt một thời gian dài. Phòng trưng bày tập trung các tác phẩm được sáng tác trên mặt phía đông của Bức tường. Đây là một trong những bằng chứng cuối cùng về một giai đoạn lịch sử sau sự kiện bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Cũng chính dấu mốc lịch sử này mà phòng trưng bày phía Đông đã ra đời trên một đoạn tường dài 1,3km gần sông Spree, gắn liền là những bức tranh tường, graffiti đầy màu sắc. Ý tưởng biến đoạn tường còn sót lại thành phòng trưng bày lớn nhất thế giới thuộc về nghệ sĩ David Monty và Heike Stephan, sau này là Christine MacLean đảm nhận việc điều phối dự án “Phòng trưng bày phía Đông”.

Đây là dự án nghệ thuật công cộng được thành lập theo lệnh của Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa dân chủ Đức, trong đó, các nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới được mời tham gia, được tài trợ và phát triển các hình thức quảng cáo. Với những thông điệp của các nghệ sĩ, họ đã tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, có sức hút không thể bỏ qua đối với khách du lịch mỗi khi ghé thăm Thủ đô Berlin. Các tác phẩm vẽ trên tường thể hiện quan điểm của nghệ sĩ về khát vọng tự do, về niềm vui trước sự sụp đổ của Bức tường, về những hy vọng và cả nỗi sợ ngay cả khi đã có một cuộc sống hòa bình, tự do và dân chủ. Các tác phẩm nghệ thuật đã cứu bức tường khỏi bị phá hủy và trở thành một trong số chứng tích của biên giới phân chia kéo dài đến 28 năm.

Một dự án nghệ thuật công cộng nổi tiếng trên thế giới mà tiến sĩ Đoàn Thị Mỹ Hương đưa ra nữa, đó là dự án “Quai des Arts” tại Montreal (Canada). Dự án với những bức vẽ quy mô lớn, mang tính ngẫu hứng cao với màu đen và trắng, khởi đầu bằng việc muốn thay đổi hình thức bên ngoài của nhà hát và tránh hiện tượng vẽ bậy lên tường đang xảy ra thường xuyên. Các tác phẩm được tạo ra cùng nhau lớn hơn bất kỳ tác phẩm nào mà một người có thể tạo ra một mình, nuôi dưỡng việc mở rộng và củng cố các cộng đồng nghệ thuật ở mọi nơi mà nó đi qua, phục vụ các nghệ sĩ từ các nền tảng vô cùng đa dạng như tiểu thuyết đồ họa, graffiti, hình xăm, minh họa, thiết kế và mỹ thuật.

Bức tranh tường nghệ thuật rộng 1.500 mét vuông bởi 10 nghệ sĩ, mở đầu cho những buổi trình diễn mới vào năm 2011-2012 của nhà hát Espace go, theo đó đã làm mới hình ảnh lối vào của nhà hát bằng cách biến bức tường và trần của nhà hát thành màu đen và trắng. Dự án này cho phép khám phá mối liên hệ giữa các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, mở ra một cơ hội đặc biệt cho giới trẻ trong khi cung cấp một thiên chức mới cho một khu vực của nhà hát.

“Quai des Arts” đã thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, đồng thời thu hút nhiều đoàn làm phim, quay clip ca nhạc đến ghi hình, là điểm đến được đưa lên Instagram nhiều nhất kể từ khi dự án này được hoàn thành.

Cần thúc đẩy 5 yếu tố cấu thành điểm đến

Tiến sĩ Đoàn Thị Mỹ Hương đã đưa ra những phân tích chi tiết, nếu như các điểm đến Bức tường Berlin, Quai des Arts, Phố bích họa Phùng Hưng đạt 4/5 tiêu chí đó là hấp dẫn khách, giao thông thuận tiện, tiện nghi và dịch vụ hỗ trợ, hoạt động bổ sung (không đạt tiêu chí nơi ăn, nghỉ), thì các dự án khác như Con đường Gốm Sứ, Dự án Phúc Tân, Bích họa phố Phan Đình Phùng chỉ đạt từ 1 đến 3 tiêu chí.

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, Phố bích họa Phùng Hưng là một điểm đến hấp dẫn thỏa mãn nhiều tiêu chí nhất bởi con phố này được tác động bởi lịch hoạt động của Ban quản lý Phố Cổ Hà Nội với nhiều sự kiện diễn ra, hay nói cách khác, điểm đến này đã được “chăm sóc” kỹ lưỡng bằng các hoạt động văn hóa gắn liền với phố cổ Hà Nội cùng nhiều hoạt đông văn hóa, du lịch khác. Gần một năm sau khi mở thành công vòm cầu đầu tiên trên phố Phùng Hưng, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đang tiếp tục đục thông 5 vòm cầu liên tiếp. Đây cũng là bước đầu trong dự án cải tạo không gian vòm cầu dẫn lên cầu Long Biên, song song với đó là hoạt động thiết kế không gian bên trong vòm cầu nhằm tạo ra những không gian văn hóa mới tại Thủ đô.

Trong khi đó, không có một “lễ hội” nào liên quan đến các điểm còn lại như Con đường gốm sứ, dự án Phúc Tân… cùng một số “bức tường” khác. Điều đó cho thấy, du lịch điểm đến công cộng không chỉ hấp dẫn khách du lịch bởi vẻ đẹp và sự hoành tráng, đồ sộ của công trình, mà còn phụ thuộc vào việc giúp chúng đạt được đủ các tiêu chí để mang lại giá trị kinh tế du lịch bằng các hoạt động xúc tiến, quảng bá. Một điểm đến dù hấp dẫn đến đâu nhưng không được gắn với các tiêu chí, cũng giống như một bông hoa đẹp ở trong một khu rừng vắng, chỉ lác đác vài người đến xem rồi lãng quên.

Là một thành phố đẹp với nhiều di tích lịch sử, danh thắng và nền văn hóa lâu đời, Hà Nội ngày càng khẳng định mình với một vị thế du lịch hàng đầu đất nước. Những “bức tường” nghệ thuật đã góp phần không nhỏ cho bộ mặt du lịch Thủ đô, góp phần tạo dựng một nền nghệ thuật công cộng thành công và hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều điểm đến vẫn chưa thực sự hút khách, chưa tạo được dấu ấn khiến du khách muốn đến thăm và ghi lại khoảnh khắc của mình, vẫn chỉ đang dừng lại ở việc biến đổi một không gian cũ thành không gian mới, đẹp mắt, thu hút sự tò mò nhất thời của công chúng để rồi bị lãng quên, trở thành những công trình nghệ thuật trang trí đơn thuần làm đẹp cho một khu phố, một khu dân cư. Phải chăng cần có những tác động để nâng những “bức tường” này lên một tầm cao mới của nghệ thuật công cộng, mang lại giá trị du lịch đích thực cho Thủ đô!./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này