Phải đặt an toàn lao động lên trên hết!

20:35 | 22/12/2020
(LĐTĐ) Thời gian qua, an toàn vệ sinh lao động luôn là vấn đề nóng và được các cấp, ngành quan tâm. Liên tiếp các vụ tai nạn lao động xảy ra đã cướp đi tính mạng, hạnh phúc của biết bao gia đình. Thế nhưng, trái ngược với sự chủ động của các cấp, ngành, một bộ phận không nhỏ người sử dụng lao động và chính người lao động vẫn còn chủ quan, lơi là cảnh giác với những biện pháp đảm bảo an toàn khi làm việc.
Luôn đặt an toàn lao động lên hàng đầu An toàn lao động tại các làng nghề

Người lao động còn chủ quan, lơi là việc phòng bị an toàn

Nguy cơ mất an toàn lao động luôn hiện hữu ở khắp mọi nơi, có mặt ở tất cả các lĩnh vực. Tai nạn lao động đã cướp đi rất nhiều thứ, những đứa con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất đi chỗ nương tựa. Điều này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chúng ta cần nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa tai nạn cho chính mình và những người xung quanh.

Phải đặt an toàn lao động lên trên hết!
Nguy cơ mất an toàn lao động tiềm ẩn tại các làng nghề truyền thống. (Ảnh: Lương Hằng)

Theo ghi nhận của phóng viên, ở mọi ngành nghề, ta đều có thể thấy những nguy cơ tai nạn tiềm ẩn, chỉ một giây phút lơ là cũng có thể khiến người lao động gặp nguy hiểm. Những năm qua, trong lĩnh vực xây dựng đã xảy ra vô số các vụ tai nạn, sau mỗi vụ tai nạn, rất nhiều các biện pháp đảm bảo an toàn được gợi mở. Thế nhưng, thay vì chủ động sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho mình, phần lớn người lao động vẫn còn tâm lý chủ quan, mang tính mạng đánh cược với tử thần.

Những tai nạn xảy ra trong năm 2020 là những minh chứng rõ nét nhất để ta thấy được sự lơi là của chủ sử dụng lao động cũng như người lao động trong vấn đề đảm bảo an toàn lao động.Cụ thể, khoảng 10h30 sáng 3/8/2020 tại ngõ 2A phố Văn Cao, quận Ba Đình, trong lúc đang di chuyển bên trong ngõ, người đàn ông bị một chiếc xe rùa bất ngờ rơi từ tầng 5 một công trình đang thi công trúng người. Sau khi bị chiếc xe rùa rơi trúng, người đàn ông tự ngồi dậy nhưng khi tỉnh lại thì không nhớ được tên tuổi và địa chỉ nhà của mình.

Một ngày sau đó, khoảng 7h45 ngày 4/8, tại công trình xây dựng ở ngã tư Hàng Vôi - Lò Sũ, khi công nhân đang làm việc thì bất ngờ một thanh sắt từ tòa nhà này rơi đâm xuyên từ trên nóc qua kính chắn gió của chiếc xe ô tô Mitsubishi Xpander, tài xế may mắn thoát chết nhưng vụ việc đã khiến nhiều người bàng hoàng lo lắng.

Đáng báo động nhất là sự việc xảy ra vào tối 30/7/2020, vụ tai nạn lao động đã bất ngờ xảy ra tại công trình xây dựng số 16A, phố Nguyễn Công Trứ, đường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng khiến 3 người tử vong tại chỗ, 1 người đã tử vong một ngày sau khi được cấp cứu. Những thiệt hại về người là những thiệt hại không thể bù đắp, thế nhưng, theo quan sát thực tế, ta vẫn có thể dễ dàng bắt gặp những người thợ xây đứng trên những giàn giáo chênh vênh mà không có những biện pháp đảm bảo an toàn cho chính mình.

Không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động cũng đang khiến người lao động tại các làng nghề truyền thống phải đau đầu. Được biết đến với những sản phẩm gỗ mỹ nghệ cao cấp, làng nghề gỗ mỹ nghệ thôn Châu Phong xã Liên Hà (huyện Đông Anh) đã đưa lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Chia sẻ với phóng viên, anh Phạm Văn Nam (Cơ sở sản xuất đồ thờ Nam Lương) cho biết, anh gắn bó với nghề làm mộc đến nay đã được 12 năm. Trong quá trình gắn bó với nghề, anh Nam cũng đã từng chứng kiến nhiều trường hợp tai nạn lao động. Không nói đâu xa, 7 năm trước, chính anh cũng bị tai nạn khi đang làm việc khiến bàn tay trái bị thương nặng, thời điểm đó, anh Nam phải nghỉ làm nửa năm để chữa trị, thuốc thang.

Theo khảo sát, không chỉ ở làng mộc Liên Hà, mà ở hầu hết các làng nghề trên địa bàn Thành phố Hà Nội đều tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động. Người dân làm nghề vẫn chưa có nhiều kiến thức để đảm bảo an toàn lao động cho bản thân, các chủ cơ sở sản xuất vẫn còn coi nhẹ vấn đề an toàn lao động. Những kinh nghiệm đều được người lao động rút ra sau khi gặp tai nạn và chưa có nhiều biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc.

Nhiều chương trình về An toàn lao động được tổ chức

Nhận biết được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, trong những năm qua, vấn đề trên luôn được các cấp ngành quan tâm. Một trong những chương trình thể hiện sự quan tâm đó phải kể đến Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động được Bộ Lao động – Thương binh và xã hội triển khai trong các năm. Theo đó, tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm nay được phát động từ ngày 01 đến ngày 31/5/2020. Tháng hành động đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Lễ Phát động Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2020 được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức vào sáng ngày 8/5.

Sau lễ phát động, Ban chỉ đạo đã tổ chức 03 đoàn thăm 16 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động. Các Bộ, ngành đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động. Trong đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo trong quý II năm 2020, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật An toàn vệ sinh lao động đối với 17 đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến các cơ quan báo, đài về chủ đề, nội dung của Tháng hành động; Phối hợp với cơ quan báo, đài, tạp chí xây dựng hàng chục chuyên trang, chuyên mục An toàn vệ sinh lao động để tuyên truyền đến đông đảo người lao động.

Là tổ chức đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành 06 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng và chuyên môn xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động gắn với việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về An toàn vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng, các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho doanh nghiệp và người lao động; hơn 7.200 bản tin, phóng sự, tọa đàm, phỏng vấn về An toàn vệ sinh lao động được đăng tải, phát sóng trên các báo, tạp chí, truyền hình của Trung ương và địa phương…

Các địa phương cũng tích cực hưởng ứng Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động. Theo báo cáo của các địa phương, hoạt động thông tin tuyên truyền về An toàn vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng tăng hơn 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương đã liên tục phát gần 33.600 tin, bài, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tuyên truyền trên các đài quận, huyện, xã phường; gần 1.322.000 tờ rơi, tranh áp phích và các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về An toàn vệ sinh lao động được in, phát miễn phí tới doanh nghiệp. Trong quý II năm 2020, cả nước đã có hơn 390.000 lượt người huấn luyện An toàn vệ sinh lao động; gần 3.300 cuộc thanh, kiểm tra An toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp.

Trong tháng hành động cũng có gần 12.800 cuộc tự kiểm tra, trong đó có gần 30.700 nguy cơ rủi ro về An toàn vệ sinh lao động được phát hiện và có hơn 10.800 nội quy, quy trình làm việc an toàn đã được các doanh nghiệp ban hành. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 44 cuộc thi an toàn, vệ sinh viên giỏi, thu hút gần 14.000 lượt người lao động và quần chúng nhân dân tham gia, nhiều cuộc thi tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên hơn 4.560 nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Việc tổ chức Tháng An toàn vệ sinh An toàn lao động đã đưa lại hiệu quả trông thấy trong vấn đề nâng cao ý thức đảm bảo an toàn của các chủ sử dụng lao động và người lao động. Thế nhưng, để giảm thiểu tai nạn lao động ở mức thấp nhất, công tác tuyên truyền, kiểm tra an toàn lao động phải được chú trọng triển khai trong cả năm. Tại hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm tổ chức Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2020 và triển khai kế hoạch Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã nhấn mạnh, Tháng hành động chỉ là điểm nhấn để tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền huấn luyện, thanh tra, kiểm tra công tác An toàn vệ sinh lao động, còn quan trọng hơn cả là công tác đảm bảo An toàn vệ sinh lao động phải được thực hiện xuyên suốt trong cả năm để đảm bảo phòng ngừa rủi ro, tai nạn lao động và phải làm sao để đảm bảo đời sống, quyền lợi cho người lao động./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này