Cùng nhau đưa đất nước phát triển thịnh cường

21:07 | 20/12/2020
(LĐTĐ) Để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cộng đồng doanh nghiệp…
Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống Thi đua thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp

Có lần con một người bạn du học ở nước ngoài về kể, trong hội luận của trường với sự tham gia của sinh viên nhiều quốc gia trên thế giới có chủ đề: “Bạn hãy nói về những đóng góp của đất nước bạn đối với hòa bình và thịnh vượng của nhân loại?”. Sau khi các sinh viên Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel… “say sưa” trình bày về những thành tựu khoa học, công nghệ góp phần làm thay đổi thế giới đương đại, đến lượt cô sinh viên Việt Nam trình bày. Vì am hiểu lịch sử nước nhà nên thay vì nói chủ đề hiện đại, cô sinh viên Việt Nam lại xoáy sâu vào chủ đề lịch sử để góp phần giúp các bạn sinh viên quốc tế hiểu rõ hơn những đóng góp của cha ông đối với nhân loại ra sao. Trên tinh thần đó, cô sinh viên đã trình bày đại ý:

Cùng nhau đưa đất nước phát triển thịnh cường
Cha ông ta xưa đã làm nên những chiến công hiển hách làm rạng danh non sông (ảnh minh họa quân dân nhà Trần đánh bại quân Nguyên Mông).

“Từ xa xưa khi vó ngựa của đế quốc Nguyên Mông giày xéo khắp các lục địa Âu- Á, đi đến đâu thắng như “chẻ tre” đến đó, nhưng khi xâm nhập bờ cõi Đại Việt đã bị quân, dân nhà Trần đánh bại. Đại Việt (Việt Nam) là quốc gia duy nhất 03 lần đánh thắng quân Nguyên Mông, góp phần cáo chung đế quốc hùng mạnh và rất đỗi nguy hiểm với nhân loại lúc bấy giờ. Tiếp đó, Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên đập tan chế độ thực dân Pháp góp phần cỗ võ tinh thần đứng lên giành độc lập của các quốc gia châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh… để dẫn tới sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu. Không bao lâu, cũng chính Việt Nam là quốc gia duy nhất đánh thắng sự xâm lược của đế quốc Mỹ, điển hình nhất là trận “Điện Biên Phủ trên không” ở bầu trời Hà Nội mùa Đông năm 1972, quân và dân Việt Nam đã bắn rụng rất nhiều máy bay B52- một loại khí tài được quân đội Mỹ xếp vào loại “pháo đài bay bất khẳ xâm phạm” mà chưa từng quân đội quốc gia nào hạ gục lúc bấy giờ…”.

Cả hội trường vỗ tay, đông đảo thầy cô và sinh viên đều thán phục. Bỗng một bạn sinh viên đứng lên hỏi: “Vậy xin bạn cho biết những đóng góp của Việt Nam hiện tại đối với thế giới ra sao?”. Cô sinh viên nọ kể rằng đây là câu hỏi “rất hóc búa”, nên đành phải “sử dụng” hết tư duy để trả lời rằng: Mỗi quốc gia đều có vai trò, vị trí quan trọng đối với hòa bình và thịnh vượng chung của toàn nhân loại. Và mỗi một quốc gia đều có những đóng góp theo cách của riêng mình, đóng góp dựa trên nền tảng lợi thế so sánh quốc gia. Ví như Nhật, Hàn… họ đóng góp góp cho nhân loại bằng những sản phẩm khoa học, công nghệ hiện đại thì Việt Nam đóng góp cho nhân loại bằng chính những sản phẩm “đi thẳng” vào dạ giày. Cụ thể, hơn 1 thập kỷ qua Việt Nam luôn dẫn Tốp đầu (đứng thứ 2) về xuất khẩu gạo, cà phê và các sản phẩm nông sản góp phần quan trọng vào ổn định an ninh lương thực thế giới. Tổ tiên người Việt Nam có câu: “có thực mới vực được đạo”. Đây chính là những đóng góp góp lớn nhất của người dân Việt Nam đối với nhân loại. Cả hội trường lại vỗ tay!

Cùng nhau đưa đất nước phát triển thịnh cường
Thế hệ chúng ta phải có bổn phận bảo vệ và xây dựng đất nước thịnh cường (ảnh một góc Hà Nội về đêm- TTXVN)

Nói là thế, nhưng cô sinh viên rất trăn trở: Cha ông ta xưa đã làm nên những kỳ tích khiến cả thế giới phải kính nể, còn thế hệ trẻ bây giờ nếu nghiêm túc nhìn nhận còn phải cố gắng nhiều. Khi kinh tế phát triển, nhiều bạn trẻ, trong đó có cả sinh viên đang theo học tại các trường đại học, học viện đều sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng để sắm những chiếc điện thoại thông minh của các hãng nước ngoài. Ừ thì đấy là quyền của người tiêu dùng, là thành quả chung của khoa học công nghệ thế giới, song đã bao giờ các bạn ý nghĩ, tại sao người Mỹ, người Nhật, Hàn, Trung Quốc họ nghiên cứu, sản xuất ra được những sảm phẩm khoa học công nghệ hiện đại có tính ứng dụng cao, đi kèm đó là giá trị gia tăng cũng cao mà người Việt Nam chưa làm được? Rồi cô sinh viên tự trả lời: “Khi và chi khi các bạn trẻ, cộng đồng doanh nghiệp trăn trở, suy nghĩ nghiêm túc về điều này thì khi đó chúng ta mới có thể có những thứ để tự hào. Để nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc và thực sự đóng góp cho sự thịnh vượng chung của toàn nhân loại”!

Trở lại câu chuyện và những trăn trở của cô con gái người bạn, nhớ lại Hàn Quốc, Nhật Bản những năm 60 của thế kỷ trước, từ các quốc gia nghèo nàn về tài nguyên lại bị chiến tranh tàn phá, nhưng chỉ mất khoảng 3 thập kỷ, cả 2 nước này nước này đã vươn lên thành con Rồng, con Hổ châu Á. Sở dĩ dẫn đến sự thành công chính là nhờ họ biết khơi dậy “tinh thần tự tôn dân tộc”. Cạnh đó, trên bình diện kỹ trị quốc gia, họ đã tạo ra những cơ chế, chính sách để phát hiện, phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh. Với mô hình “đàn sếu bay”, Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho ra đời những tập đoàn, kinh tế mang tính tiên phong để dẫn dắt cả nền kinh tế vượt qua phong ba, bão táp hình thành quốc gia hùng mạnh. Những tập đoàn, những hãng tên tuổi mà chúng ta qua quen thuộc, ngày nay vẫn là “trụ đỡ” của nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc!

Cùng nhau đưa đất nước phát triển thịnh cường
Tập đoàn Vin đã tiên phong sản xuất ô tô và tới đây sẽ đưa một số sản phẩm ô tô, điện thoại sang thị trường Mỹ góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam thông qua thương hiệu sản phẩm (ảnh VinGroup)

Với Việt Nam để đưa đất nước đi đến thịnh cường, cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2030, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối - cơ chế, chính sách để cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Vì thực tế doanh nghiệp chính là chủ thể cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, từ vị trí lấy doanh nghiệp Nhà nước là “xương sống của nền kinh tế”, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã xem kinh tế tư nhân (kinh tế dân doanh) là mắt xích quan trọng không thể thiếu của nền kinh tế. Cụ thể tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với Luật Doanh nghiệp, Nghị quyết số 10 của Trung ương vừa là động lực, vừa là chìa khóa để các tập đoàn kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.

Một số tập đoàn kinh tế tư nhân như VinGroup bên cạnh việc kinh doanh các lĩnh vực bất động sản, du lịch đã nhanh chóng chuyển mình thành tập đoàn đa lĩnh vực, “dám giẫm lên đôi chân người khổng lồ” để tiến thẳng chiếm lĩnh những đỉnh cao của trí tuệ. Ngoài thương hiệu về phân khúc nhà ở, nghĩ dưỡng… Tập đoàn VinGroup còn tiến hành nghiên cứu, sản xuất (chuỗi khép kín) các sản phẩm ô tô, xe máy, thiết bị y tế, điện thoại, sản phẩm điện tử và trí tuệ nhân tạo… (công nghệ). Đây là những thành tố rất quan trọng tạo nền cho bất kỳ quốc gia nào muốn thành quốc gia công nghiệp hiện đại. Và đặc biệt, dù “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng Vin đã mạnh dạn “mang chuông đi đánh xứ người”. Với phương châm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, tới đây những sản phẩm như điện thoại, xe ô tô (dòng xe chạy bằng xăng và điện)… sẽ được tập đoàn Vin “thử sức” ở thị trường khó tính nhất hành tinh: Hoa Kỳ! Vì theo người đứng đầu Tập đoàn, một khi đã được thị trường Hoa Kỳ chấp nhận, nghĩa là sản phẩm làm ra sẽ được toàn thế giới công nhận. Sản phẩm sữa Vinamilk đã có mặt tại Hoa Kỳ và được người tiêu dùng ưa chuộng, tin rằng những sản phẩm của Tập đoàn Vingroup cũng vậy.

Cùng nhau đưa đất nước phát triển thịnh cường
Lần đầu tiên Việt Nam có Quỹ về sáng tạo do tư nhân lập ra góp phần vào nghiên cứu những dự án khoa học có tính đóng góp lớn cho nhân loại (ảnh Vin)

Và mới đây nhất, chính người đứng đầu Tập đoàn Vingroup đã tiến hành lập giải thưởng khoa học - công nghệ toàn cầu mang tên Quỹ VinFuture có gì trị lên tới 4,5 triệu USD (gần 3.000 tỷ đồng) và tương lai sẽ còn lớn hơn với một hội đồng khoa học là các nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, trong đó có những nhà khoa học từng đạt giải Nobel. Giải thưởng VinFuture sẽ tôn vinh những trí tuệ xuất sắc không phân biệt quốc gia, giới tính, lứa tuổi - tác giả của các nghiên cứu khoa học, các phát minh, sáng chế đổi mới công nghệ nhằm giải quyết những thách thức chung của nhân loại như: nâng cao sức khỏe và chất lượng sống, xóa nghèo, chấm dứt nạn đói, tạo cơ hội cho mọi người được hưởng thụ nền giáo dục tiến bộ, nước sạch, năng lượng tái tạo, bình đẳng, công bằng, sản xuất và thương mại có trách nhiệm, ứng phó với biến đổi khí hậu... Đây rõ ràng là một bước tiến mới của Tập đoàn nói riêng và sâu xa hơn là sự đóng góp của Việt Nam vào sự thúc đẩy cho sự công bằng và thịnh vượng chung của toàn nhân loại. Hiện tại, Việt Nam đã có một số tập đoàn mang tầm quốc tế như Viettel, VinGroup, FPT, Vinamilk…

Tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành năng động của Chính phủ, sự thông thoáng của các hành lang pháp lý; bằng tình yêu và sự tự tôn dân tộc mãnh liệt chảy trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam, của mỗi cộng đồng doanh nghiệp, nhà khoa học…chúng ta quyết nối gót cha ông để làm nên những kỳ tích trên mặt trận xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và quan trọng hơn nữa có những đóng góp xứng đáng cho hòa bình, công bằng và thịnh vượng chung của toàn nhân loại!

H. Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này