Xa lộ thị trường rộng mở… vấn đề nằm ở cách lái

10:37 | 17/12/2020
(LĐTĐ) Trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải chủ động thích ứng hơn nữa, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu có năng lực cao và khả năng chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu.
Mất 81 triệu việc làm do Covid-19 gây xáo trộn thị trường lao động Cơ hội nào cho Việt Nam từ thị trường thực phẩm Halal?

Xúc tiến thương mại “bệ đỡ” cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thông tin tại “Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2020”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2020, với tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19, là một năm đầy khó khăn đối với mọi lĩnh vực của nền kinh tế trong đó có xuất khẩu nói chung và xúc tiến xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, có thể nói hoạt động ngoại thương của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng tự hào.

Xa lộ thị trường rộng mở… vấn đề nằm ở cách lái
Lãnh đạo Bộ Công Thương thăm các gian hàng nông sản Việt Nam

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết tháng 11 năm 2020 đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng ước tính đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3%; nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%. Trong 11 tháng đầu năm, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ước tính năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm trước đó; thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD. “Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Có thể nói, với việc Việt Nam ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại (FTA) quan trọng như EVFTA, CPTPP hay Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Bên cạnh đó, với hàng loạt chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới đã tạo tiền đề thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, tìm đường đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính như: Châu Âu, Mỹ, Nhật…nhờ những cam kết giảm thuế quan, hỗ trợ xuất khẩu từ các Hiệp định Thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vấn đề bảo hộ, rào cản thương mại; gián đoạn thị trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19…khiến việc kết nối giao thương của các doanh nghiệp gặp khó.

Trước những khó khăn đó, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp trong việc kết nối giao thương, khắc phục tình trạng gián đoạn thị trường bởi Covid-19, theo đại diện Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hoạt động xúc tiến thương mại đã thực hiện thí điểm hoạt động trên các ứng dụng trực tuyến giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu, hay giữa các doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh.

Trong đó, nổi bật là việc Cục Xúc tiến thương mại đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài tại châu Âu, Mỹ, Trung Quốc, Singapore, Hà Lan,...hoạt động này đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối giao thương, duy trì quan hệ với các đối tác nước ngoài, qua đó vượt qua giai đoạn khủng hoảng và ổn định xuất khẩu trong trạng thái bình thường mới…

Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu có năng lực

Song song với hoạt động xúc tiến thương mại, một trong những vấn đề được doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm đó chính là việc quảng bá, truyền thông tại các nước bản địa sao cho có hiệu quả nhất. Qua đó, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cũng được người tiêu dùng địa phương tiếp cận nhanh, hiệu quả nhất.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong quá trình xuất khẩu, đặc biệt là hoạt động quảng bá hình ảnh, truyền thông sản phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường nước ngoài, bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, để đạt hiệu quả quảng bá hình ảnh, các doanh nghiệp nên chọn đối tác quảng bá ngay tại nước bản địa của thị trường xuất khẩu, để có thể tiếp cận tốt với văn hóa, nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng.

Chia sẻ về câu chuyện năm 2017, bà Tô Tường Lan cho biết, thời điểm đó VASEP đã gặp một sự cố liên quan đến vấn đề truyền thông với sản phẩm cá tra tại Tây Ban Nha; khi đó có một siêu thị rút mặt hàng cá tra ra khỏi hệ thống dẫn tới thông tin lan truyền, gây ảnh hưởng tâm lý tới người tiêu dùng. Trước lo ngại sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay, VASEP cùng doanh nghiệp đã phải thay đổi cách tiếp thị sản phẩm, từ hình thức kết nối truyền thông tới đối tác (B2B) đã chuyển sang làm truyền thông tới người tiêu dùng (B2C). Chương trình được thực hiện từ năm 2019 đến các thị trường như Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Bỉ, Ý… bằng nhiều hình thức kết nối và quảng bá qua website, Google, Facebook, Pinterest, Instagram, YouTube…

Có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực của Bộ Công Thương và Cục xúc tiến thương mại thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại đã giúp các doanh nghiệp Việt vượt khó, ổn định và mở rộng thị trường; đặc biệt, vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Như chia sẻ của các chuyên gia, việc doanh nghiệp có phát triển bền vững hay không cần phải có sự chủ động của các doanh nghiệp trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn nuôi trồng, chế biến,…đặc biệt là sự đồng lòng trong việc triển khai các chương trình quảng bá, bảo đảm liên tục, mới mẻ và hấp dẫn, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu một cách bền vững nhất.

Đề cập vấn đề xúc tiến thương mại, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại cũng nhìn nhận, dù đạt được nhiều kết quả nổi bật song Chương trình Xúc tiến thương mại cấp quốc gia mới chỉ có Đề án cho từng năm trong khi số lượng các Đề án mang tính trung hạn 3-5 năm còn ít; chưa kể quy mô các hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn nhỏ so với các nước trong khu vực.

Cùng đó, năng lực tổ chức và nguồn lực của các hiệp hội cũng như năng lực của chính các doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu của thị trường thế giới và của các nghiệp vụ xúc tiến thương mại. Đặc biệt, chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại với các nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành có liên quan…

“Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Về kế hoạch này, 11 ngành hàng có tiềm năng phát triển xuất khẩu sẽ được Bộ Công Thương tập trung các hoạt động xúc tiến xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, trong đó có nhóm nông sản thực phẩm (thủy sản, trái cây, chè, cà phê); nhóm công nghiệp chế biến (dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ); nhóm ngành phần mềm...”, ông Vũ Bá Phú cho hay./.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này