Kiên quyết đẩy lùi tham nhũng

14:30 | 15/12/2020
(LĐTĐ) Tham nhũng là một trong những hành động xấu xa góp phần làm nghèo đất nước, gây ra bất bình đẳng xã hội xét dưới góc độ thu nhập, làm tha hóa đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Vì vậy, việc Đảng, Nhà nước kiên quyết đẩy lùi vấn nạn tham nhũng, tạo những cơ chế để tham nhũng không còn đất sống và không thể tham nhũng được nhân dân hết sức tin tưởng.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách phòng, chống tham nhũng Hà Nội đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp để phòng, chống tham nhũng Tham nhũng có xu hướng giảm, kê khai tài sản vẫn hình thức
Kiên quyết đẩy lùi tham nhũng
Ảnh minh họa: baochinhphu.vn

Theo thống kê về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, bốn đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.

Điều này cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng rất quyết liệt. Công tác phòng, chống tham nhũng không có vùng cấm và ngày càng quyết liệt. Trong phát biểu kết luận Hội nghị cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu:

Một là, phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hai là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả tệ "tham nhũng vặt"; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Như chúng ta đã biết, tham nhũng là khuyết tật của xã hội loài người kể từ khi hình thành nhà nước hầu như thời nào cũng có.

Vấn đề có tính nguyên tắc đối với bất kỳ nhà nước nào là phải ban hành các cơ chế, chính sách, luật pháp để hạn chế tối đa và tiến tới không còn tham nhũng. Với nước ta, bên cạnh những kết quả trên mọi phương diện từ chính trị, kinh tế- xã hội, văn hóa, an ninh- quốc phòng qua hơn 3 thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới nền kinh tế từ nền kinh tế quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên những “khuyết tật” trong quản lý, vận hành nền kinh tế làm nảy sinh tham nhũng là điều khó tránh khỏi.

Quan trọng, Đảng, Nhà nước đã nhìn ra được những khuyết tật đó nên đã, đang và sẽ song hành hai nhiệm vụ vừa tiến hành chống tham nhũng, lãng phí không khoan nhượng vừa rà soát các cơ chế, chính sách để “bịt kín” lỗ hổng để không phát sinh tham nhũng.

Tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị thời gian tới chúng ta sẽ sớm khắc phục được những bất cập về mặt cơ chế, chính sách để tạo ra hành lang pháp lý “không thể tham nhũng” như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo.

H.Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này