Những “pháo đài thép” trên Thềm lục địa:

Kỳ 2: Người khai sinh ra pháo đài canh biển

14:23 | 17/12/2020
(LĐTĐ) Người khơi nguồn xây dựng nhà giàn DK1 trên các bãi đá ngầm trong vùng biển Thềm lục địa phía Nam của Việt Nam là thượng tướng Giáp Văn Cương- vị Đô đốc thao tài chiến lược về biển đảo. Việc xây dựng nhà giàn ấy, không chỉ có ý nghĩa chính trị sâu sắc về phát triển nguồn kinh tế từ biển, đảo, mà còn là tầm nhìn chiến lược về quốc phòng an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Cho đến bây giờ, sau hơn ba thập kỷ ra đời tồn tại và phát triển, nhà giàn DK1 vẫn là bằng chứng sinh động về sự sáng tạo quyết chí của một vị tướng tài ba.
Những “pháo đài thép” trên Thềm lục địa

Tầm nhìn chiến lược

Khi nói về việc thành lập nhà giàn DK1, Đại tá Trần Văn Giáo, nguyên cán bộ Cục Kỹ Thuật Hải quân, cho hay: “Nhà giàn DK1 được khai sinh là do Tư lệnh Giáp Văn Cương. Với tầm nhìn chiến lược của vị Tư lệnh, ông Cương đã nhìn rất sắc sảo về vùng biển thềm lục địa trong tương lai gần, và kế sách phòng thủ biển để phát triển kinh tế lâu dài. Có thể nói quyết sách ông Cương đề nghị với Bộ Chính trị xúc tiến việc xây dựng các nhà giàn trên vùng biển thềm lục địa là một sáng tạo. Bên cạnh khẳng định chủ quyền vùng biển của Việt Nam, nhà giàn DK1 là bằng chứng sinh động về tầm nhìn của vị Tư lệnh thao tài về biển, đảo”.

Đô Đốc Giáp Văn Cương (thứ 2 bên trái) thăm chiến sĩ nhà giàn Ba Kè A năm 1989, hơn một năm sau, nhà giàn này bị đánh sập - Ảnh tư liệu lữ đoàn 171.
Đô Đốc Giáp Văn Cương (thứ 2 bên trái) thăm chiến sĩ nhà giàn Ba Kè A năm 1989, hơn một năm sau, nhà giàn này bị đánh sập - Ảnh tư liệu lữ đoàn 171.

Ông Cương nhận thấy, các giàn khoan dầu khí hoạt động, nhất thiết phải có lực lượng bảo vệ vòng ngoài, lực lượng này nhất thiết phải sử dụng bộ đội Hải quân, đủ sức mạnh, am hiểu về biển đảo. Việc triển khai lực lượng ra trấn giữ theo “vòng cung” từ hướng biển trên phần thềm lục địa của Tổ quốc, là đỉnh cao “chiến lược phòng thủ biển”; vừa bảo vệ an toàn cho các giàn khoan dầu khí hoạt động, khai thác và phát triển kinh tế biển trong tương lai, vừa có tầm chiến lược lâu dài, bảo vệ đất nước từ hướng biển.

Ngay từ năm 1985, ông Cương đã dự báo có 2 lý do để xây dựng các nhà giàn DK1. Thứ nhất: Trong tương lai gần, vùng biển khu vực Trường Sa không được bình yên và sẽ là chiến trường chính của Hải quân Việt Nam, vì thế việc xây dựng các nhà giàn DK1 trên các bãi san hô ngầm là một tất yếu. Lý do thứ 2 ông Cương cho xây dựng nhà giàn là xuất phát từ thực tiễn tổng kết lịch sử trong chiến tranh vệ quốc của Việt Nam.

Đối phương đến xâm chiếm Việt Nam có 14 cuộc chúng tấn công nước ta từ đường biển, vì vậy bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển là “dĩ bất biến”, tức là “bất di bất dịch” không thể làm khác. Có bảo vệ Tổ quốc vững chãi từ hướng biển, mới bảo đảm cho nền hòa bình vững chắc, để phát triển đất nước từ nội lực. Kế hoạch bảo vệ chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa và Thềm lục địa trong 2 năm 1986 - 1987 mà ông Cương cho rằng phải triển khai là nhanh chóng dốc toàn lực, đặc biệt là công binh ra Trường Sa để tăng cường, củng cố tất cả đảo nổi, đảo chìm. Trong đó bố trí một lực lượng ra khảo sát, chốt giữ trên các bãi đá ngầm, vùng biển thềm lục địa phía Nam Việt Nam thuộc Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo.

Quyết định táo bạo

Nhận thấy tầm quan trọng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới từ hướng biển, Đô đốc Giáp Văn Cương đã mạnh dạn đề xuất với Bộ quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) khẩn trương khảo sát, xây dựng các nhà nổi kiểu boong tong trên các bãi san hô ngầm, dạng vành đai vòng ngoài từ Bãi cạn Ba Kè (giáp quần đảo Trường Sa) đến Bãi cạn Cà Mau (biển Cà Mau tỉnh Minh Hải, nay là tỉnh Cà Mau- vùng tiếp giáp với biển Malaixia và Philippine).

Chân dung Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương. ảnh tư liệu.
Chân dung Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Giáp Văn Cương. ảnh tư liệu.

Sau khi có quyết định của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lênh Công Binh thăm dò, khảo sát và tiến hành xây dựng các nhà giàn trên các bãi san hô ngầm.

Ngày 6/11/1988, biên đội tàu HQ-713 và HQ-668 do Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Hải quân, chỉ huy cùng đoàn khảo sát đã vượt sóng ra thềm lục địa. Sau gần 7 tháng khảo sát, ngày ngày 10/6/1989 nhà giàn đầu tiên mang phiên hiệu Phúc Tần trụ giữa biển Đông với tư cách là “cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển”. Lực lượng ra chốt giữ canh gác là cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn DK1, thuộc Lữ đoàn 171 Hải quân, nay thuộc Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân.

Giáp văn Cương kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Trường Sa, ảnh Tư liệu
Giáp văn Cương kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Trường Sa, ảnh Tư liệu

Nói về việc xây dựng nhà giàn DK1 ngày ấy, Thượng tá Nguyễn Văn Nam, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn DK1, cho rằng: “Nhà giàn DK1 được triển khai xây dựng rất đúng thời điểm, đây là tầm nhìn thông minh sáng suốt và tài ba của Tư lệnh Giáp Văn Cương. Nếu ngày ấy, Tư lệnh Cương không mạnh dạn cho xây dựng các nhà giàn trên các bãi đá ngầm thuộc thềm lục địa Việt Nam thì bây giờ trên các bãi ngầm ấy, chắc chắn sẽ không được trọn vẹn như bây giờ và rất phức tạp. Cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 chúng tôi nhớ mãi 31 năm trước, hình ảnh vị tướng già 68 tuổi chào cờ cùng anh em và mặc quần đùi đu dây lên nhà giàn năm 1989 để kiểm tra độ an toàn cho chiến sĩ nhà giàn Phúc Tần 3 - Nhà giàn đầu tiên trở thành cột mốc đặc biệt trên biển Đông Việt Nam”- cựu binh Nguyễn Văn Nam kể lại.

Con tàu đầu tiên mang phiên hiệu HQ-668 của Hải đội 811 Lữ đoàn 171 Hải quân chở 15 cán bộ chiến sĩ vượt sóng thềm lục địa, đánh dấu tọa độ, đo độ sâu, khảo sát các bãi san hô ngầm xúc tiến cho việc đóng nhà giàn đầu tiên. Câu chuyện về chuyến hải trình gian khổ giữa biển Đông được Trung tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên là thuyền trưởng tàu HQ-668 kể lại đầy xúc động và tươi mới.

Kỳ cuối: Tổ quốc phía ngàn khơi

Mai Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này