Giảm thiểu ô nhiễm môi sinh… nhờ trồng nấm!

10:38 | 08/12/2020
(LĐTĐ) Với mong muốn tận dụng những phế phẩm của làng nghề như mùn cưa, rơm rạ, gia đình bà Phạm Khánh Hương, thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình trồng nấm. Theo bà Hương, so với nghề trồng rau và cấy lúa, mô hình trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần, giúp gia đình bà ổn định cuộc sống.
Thăm mô hình trồng nấm đưa lại thu nhập cao tại huyện Đông Anh

Người phụ nữ dám nghĩ, dám làm!

Chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất nấm Vân Hương trong những ngày giữa tháng 11. Men theo con đường nhỏ, cơ sở sản xuất nấm Vân Hương nằm tại một khu đất bao quanh là những đồng lúa đang chín vàng. Cơ sở sản xuất nấm khác xa so với tưởng tưởng của chúng tôi. Xưởng sản xuất có diện tích rộng, có đầy đủ các trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ cho công việc sản xuất nấm.

Giảm thiểu ô nhiễm môi sinh… nhờ trồng nấm!
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng nấm, chị Phạm Thị Hương đã có nguồn thu ổn định cho gia đình. (Ảnh: Lương Hằng)

Chưa hết ngạc nhiên vì khu xưởng có diện tích lớn và hiện đại, chúng tôi gặp bà Phạm Khánh Hương đang cầm con dao nhỏ để rạch những bịch nấm hình trụ cao khoảng 20 cm. Đây chính là những bịch nấm mỡ đã được cấy giống, chuẩn bị cho lên giàn và đợi thu hoạch.Chia sẻ với chúng tôi, bà Hương cho biết, gia đình chị bắt đầu trồng nấm từ năm 2014, tuy nhiên, phải tới năm 2016, gia đình bà mới quyết định mở rộng quy mô sản xuất.

Dưới sự hỗ trợ của huyện Đông Anh, từ một xưởng sản xuất với trang thiết bị đơn giản, gia đình bà Hương đã được hỗ trợ đầu tư một số máy móc phục vụ công việc sản xuất nấm như cabin hấp, nồi hơi, máy đóng bịch… các loại máy móc được đầu tư đã phát huy hết thế mạnh của mình, giúp nấm sinh trưởng phát triển tốt và làm giảm thiệt hại trong quá trình nuôi trồng.

Có thể nói, nghề trồng nấm đến người phụ nữ này như một mối duyên định sẵn. Trong khi, mọi người còn băn khoăn việc việc dừng trồng lúa, bà Hương đã nhìn ra những ưu điểm từ việc nuôi trồng nấm, do đó, bà đã mạnh dạn đăng ký tham gia lớp tập huấn trồng nấm của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh. Ban đầu, bà Hương hoàn toàn không nắm được quy trình sản xuất nấm, những hiểu biết của bà về nuôi cấy nấm chỉ là con số không tròn chĩnh.Sau khi tham gia lớp tập huấn đào tạo nghề, được cầm tay chỉ việc, trực tiếp thực hành quy trình sản xuất nấm, bà Hương quyết tâm sẽ làm giàu trên chính mảnh đất của gia đình bằng nghề trồng nấm.

Bà Hương kể, quá trình khởi nghiệp từ nuôi trồng nấm của bà cũng gặp khá nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là vốn đầu tư sản xuất, để có được xưởng sản xuất khang trang, sạch đẹp như hiện tại, bà đã phải vay mượn người thân, bạn bè. Cùng đó, ban đầu mới bắt tay vào sản xuất, do chưa quen với kỹ thuật trồng nấm nên số lượng nấm bị hỏng cũng rất nhiều. Khó khăn chồng chất khó khăn, có những thời điểm bà dường như muốn bỏ cuộc, thế nhưng, dưới sự động viên của mọi người và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, bà Hương lại sốc lại tinh thần để tiếp tục con đường mà mình đã chọn.

Cũng nhờ sự quyết tâm, kiên trì và tình yêu với nghề trồng nấm, sau một thời gian trồng và chăm sóc nấm, bà Hương đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu cho mình. Những loại nấm bà trồng đều được đánh giá cao về chất lượng cũng như hình thức. Mô hình trồng nấm của gia đình bà Hương hiện cũng là một trong những xưởng sản xuất có quy mô lớn trong xã Liên Hà, được nhiều khách hàng biết tới.

Trong quá trình phát triển kinh tế từ cây nấm, việc chăm sóc để nấm không bị mốc, hỏng đòi hỏi người trồng phải đảm bảo các quy trình nghiêm ngặt. Nói về vấn đề này, bà Phạm Khánh Hương cho biết, mỗi loại nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau. Để có được sản phẩm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống sau đó là cách ủ nguyên liệu. Nguyên liệu phải được lựa chọn kỹ càng, loại bỏ hết các tạp chất, thanh trùng sạch sẽ. Đáng chú ý, bà Hương luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch đến vệ sinh khu trồng hằng ngày.

Kể từ khi đầu tư phát triển mô hình trồng nấm tới nay, mô hình trồng nấm đã đưa lại nguồn thu ổn định cho gia đình chị Hương. Được biết, gia đình bà Hương đang sản xuất và cung cấp cho thị trường 3 loại nấm chủ yếu bao gồm: Nấm rơm, nấm sò và nấm mỡ. Giá nấm trên thị trường cũng luôn giữ ổn định qua các năm, với nấm sò, chị bán với giá từ 30 – 50 nghìn đồng/kg; nấm rơm dao động trên 100 nghìn đồng/kg; nấm mỡ có giá khoảng 120 nghìn đồng/kg.

“So với việc trồng rau, trồng lúa thì lợi nhuận từ nấm cao hơn nhiều lần. Đặc biệt, công việc tại xưởng nấm đã giúp gia đình không phải làm thuê bên ngoài mà vẫn có thu nhập ổn định. Xưởng nấm cũng là nơi tạo công ăn việc làm thời vụ cho người lao động lúc nông nhàn với thu nhập từ 25 - 30 nghìn đồng/ giờ”- Bà Phạm Khánh Hương nói.

Góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Cùng với việc phát triển kinh tế từ nghề trồng nấm, gia đình bà Hương cũng đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. Nếu như trước đây qua mỗi vụ gặt người dân thường đốt rơm rạ thì nay tình trạng trên đã được cải thiện. Là một trong những xưởng sản xuất với quy mô lớn nên bà Hương phải thu mua rất nhiều rơm rạ của người dân. Thời điểm trong vụ gặt,gia đình bà Hương phải thuê người đi thu mua rơm rạ để dự trữ. Có gia đình sau khi thu hoạch còn chở rơm tới tận xưởng bán, do đó, trên địa bàn thôn không có người đốt rơm, tình trạng môi trường cũng được cải thiện rất nhiều.

Bà Hương cho biết, có được kết quả trên là nhờ vào đề án hỗ trợ phát triển nghề trồng nấm rơm do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đông Anh thực hiện. Theo đó, rất nhiều hộ gia đình tại huyện Đông Anh đã tham gia lớp tập huấn trồng nấm và tận dụng nguồn rơm rạ để làm nguyên liệu trồng nấm, tăng thu nhập khi mùa vụ kết thúc.

Không chỉ có tình trạng đốt rơm rạ làm ảnh hưởng tới môi trường, những năm qua, phế phẩm từ nghề mộc cũng đã ảnh hưởng rất nhiều tới đời sống người dân. Được biết, mùn cưa cũng là nguyên liệu tốt để trồng nấm, bà Hương đã sử dụng toàn bộ mùn của của gia đình để thử nghiệm sản xuất nấm và đã thành công. Kể từ đó, phế phẩm mùn cưa của thôn Châu Phong được tận dụng triệt để, dù bán với giá rẻ nhưng người dân đều rất vui vì giải quyết được một phần gánh nặng. Đáng chú ý, sau khi thu hoạch nấm, các giá thể còn được tận dụng để làm phân vi sinh bón cho cây trồng tạo độ tơi xốp.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Phạm Văn Nam (Cơ sở sản xuất đồ thờ Nam Lương, xã Liên Hà, huyện Đông Anh) cho biết: “Ở xã Liên Hà, hầu hết các gia đình đều sống bằng nghề làm mộc, do đó, lượng phế phẩm từ nghề mộc cũng rất nhiều. Nếu như trước đây, gia đình anhthường bị nhắc nhở bởi xử lý mùn cưa gây ảnh hưởng tới môi trường thì nay đã không còn tình trạng này. Được tận dụng làm nguyên liệu sản xuất nấm nên các xưởng nấm tới tận nơi thu mua, bên cạnh đó thỉnh thoảng cũng có các xe tải từ Hưng Yên về thu mua với giá 5 nghìn/bao mùn cưa nên chúng tôi cũng yên tâm vì phế phẩm nay đã được giải quyết.”

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang nghề nuôi cấy nấm, bà Phạm Khánh Hương đã đưa về cho gia đình nguồn thu ổn định và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Dù sản lượng chưa có nhiều để cung cấp cho siêu thị, thế nhưng, chợ dân sinh, nhà hàng vẫn đang là thị trường tiềm năng cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ như gia đình bà. Thời gian tới, bà Hương sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, chú trọng đầu tư công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm trước khi tới tay người tiêu dùng./.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này