Vừa hòa giải vừa tuyên truyền pháp luật

15:42 | 30/11/2020
(LĐTĐ) Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1 xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho biết, ông cùng các thành viên tổ hòa giải thôn 1 luôn cảm thấy tự hòa, trân trọng công việc hòa giải sau mỗi lần hòa giải thành công.
Nhiệm vụ cấp bách, lâu dài và thường xuyên Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động Trên 19 ngàn công nhân viên chức lao động được tuyên truyền pháp luật

Ông Nguyễn Văn Khánh cho biết, năm 2014 khi ông đang làm Hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn 1 thì có tham gia công tác hòa giải. Đến năm 2018, ông được nhân dân bầu làm phó thôn 1 và từ đó ông giữ chức tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1 xã Song Phương.

Trong tổ hòa giải thôn 1 có 8 thành viên đều thuộc các đoàn thể tại địa phương như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... Các thành viên trong tổ hòa giải được rải đều ở các khu vực trong thôn, mỗi người nắm bắt thông tin, tình hình mâu thuẫn cần hòa giải ở tại khu vực mình sinh sống.

Vừa hòa giải vừa tuyên truyền pháp luật
Ông Nguyễn Văn Khánh, tổ trưởng tổ hòa giải thôn 1 xã Song Phương.

Mỗi khi ở địa bàn có vụ việc cần hòa giải, các hòa giải viên thông báo với các thành viên tổ hòa giải để các thành viên trong tổ chia sẻ, trao đổi và đưa ra cách hòa giải. Sau đó, người hòa giải viên ở địa bàn sẽ xuống nhà cần hòa giải cùng với một số thành viên khác trong tổ. Khi đến nhà cần hòa giải, các thành viên nói chuyện, phân tích về lý về tình, phân tích cái đúng, cái sai để cho mọi người nhận ra cũng như khuyên bảo các thành viên trong gia đình sống sao cho hợp lý, hài hòa, đoàn kết.

Trong hơn 6 năm làm công tác hòa giải, không chỉ ông Khánh mà hầu hết các thành viên trong tổ hòa giải đều gặp những khó khăn như gia đình cần được hòa giải không hợp tác, nhiều thành viên không nghe lời khuyên bảo, phân tích, mâu thuẫn âm thầm trong mỗi gia đình mà các thành viên không nắm bắt được, có những hòa giải viên rất tích cực nhưng vì trong gia đình có người vi phạm nên khi đi hòa giải gặp rất nhiều khó khăn, khuyên bảo người ta nhưng bị nói lại, nhà ông còn thế thì khuyên được ai…

Bằng nỗ lực, tinh thần giúp đỡ mọi người, cố gắng hòa giải các vụ mâu thuẫn để đem đến đoàn kết trong khu dân cư, tổ hòa giải thôn 1 đã có giải pháp như họp hòa giải thì các thành viên đều họp và đưa ra ý kiến nhưng đến khi đi hòa giải thì các hòa giải viên có uy tín, những người được nhân dân tín nhiệm sẽ làm công tác hòa giải, những người khác sẽ ở phía sau.

Bên cạnh đó, việc một số thành viên trong tổ công tác gặp phải sự không hài lòng từ gia đình, mọi người thường nói “ông vác tù và hàng tổng”… nhưng sau khi giải thích, phân tích cho người thân thì phần lớn người nhà không phản đối mà thường khuyên nên dành thời gian nghỉ dưỡng, nếu mệt thì nên nhường các lớp trẻ thực hiện thay. Tuy nhiên, công việc hòa giải nếu người trẻ làm thì rất khó khăn bởi muốn làm tốt công tác này thì đều phải là người gương mẫu, có uy tín tại khu dân cư.

Hiện tại, ông Khánh đang làm công việc bảo vệ cho một khu biệt thự cách nhà khoảng 2km, công việc của ông tuần làm ngày, tuần làm đêm nhưng được sự tín nhiệm của mọi người, ông Khánh vẫn tiếp tục công tác hòa giải. Mỗi lần có cuộc họp, có công việc đột xuất là ông sẵn sàng đổi ca về hỗ trợ mọi người.

“Tổ hòa giải lập ra để hòa giải các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư bằng cái tâm của những thành viên trong tổ. Khi hòa giải được một trường hợp, tư tưởng của các hòa giải viên rất thoải mái, cảm thấy rất tự hào. Càng hòa giải được nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư mọi người càng vui và nhân dân càng đặt niềm tin ở các thành viên trong tổ hòa giải”, ông Khánh nói.

H.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này