Cần nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng sử dụng và ngược đãi lao động trẻ em

09:02 | 26/11/2020
(LĐTĐ) Liên quan đến tình trạng lao động trẻ em bị bóc lột sức lao động và bạo hành Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, đây là việc làm vi phạm nghiêm trọng đến Công ước quốc tế về lao động trẻ em. Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc chấn chỉnh để giữ hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè thế giới.
Nỗ lực ngăn chặn và xóa bỏ lao động trẻ em Tích cực tham gia phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em Hội nghị tập huấn phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em

Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Việt Nam đã ký các công ước quốc tế về lao động trẻ em, trong đó pháp luật Việt Nam không nghiêm cấm việc sử dụng lao động trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 15 tuổi. Tuy nhiên, trẻ em vẫn được phép lao động để giúp đỡ gia đình, bố mẹ trong thời gian rảnh rỗi.

Trên thực tế hiện nay, tình trạng lao động trẻ em vẫn còn tồn tại. Tình trạng trên xuất phát từ 3 nguyên nhân, thứ nhất trẻ phải tham gia lao động do gia đình không đủ điều kiện về kinh tế để nuôi dưỡng, chăm sóc và phải nghỉ học sớm. Những em này vì thế đã phải tham gia động, nhiều em còn trở thành lao động chính trong gia đình.

Thứ 2, đó là những trẻ em sinh ra trong gia đình không có nhận thức đầy đủ về lao động trẻ em, muốn con em mình tham gia lao động sớm để tạo nguồn thu nhập cho gia đình nên đã cho các em đi vào làm việc tại nhiều môi trường khác nhau. Cuối cùng, với đói nghèo và thiếu hiểu biết, lao động trẻ em còn xuất phát từ việc bị lừa làm việc trong những cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động ngoài vòng pháp luật…Tại đây các em thường xuyên bị bóc lột, hành hạ, buộc phải làm những công việc quá sức của mình.

Cần nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng sử dụng và ngược đãi lao động trẻ em
Trẻ em cần được đến trường, học hành tiếp thu tri thức để có tương lai tốt đẹp hơn. (Ảnh minh họa: Lê Thắm)

Nhìn chung, quan sát trong cuộc sống hằng ngày ở nhiều nơi, đặc biệt là tại các khu vực đô thị chúng ta có thể thấy có rất nhiều nhà hàng, quán ăn sử dụng lao động trẻ em. Những lao động này được sử dụng trong nhiều công việc và dưới nhiều hình thức khác nhau như con cháu trong gia đình đến giúp đỡ hay họ hàng lên làm thuê, hình thức nhận con nuôi phụ giúp gia đình…gây khó khăn cho công tác kiểm soát.

Riêng đối với vụ việc cháu bé 15 tuổi bị chủ cửa hàng bánh xèo tại Bắc Ninh bóc lột, hành hạ dã man, theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà có thể nhìn nhận được nhiều vấn đề qua sự việc này. Cụ thể, tình trạng đói nghèo ở vùng nông thôn vẫn đang là một câu chuyện nhức gây nhức nhối và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng lao động trẻ em.

Đối với trường hợp của cháu bé ở Bắc Ninh, rõ ràng hoàn cảnh gia đình của cháu bé quá khó khăn khi mẹ mất sớm, bố bị tâm thần khiến cháu gần như không có nơi nương tựa và buộc phải lao động để kiếm sống. Cùng với sự đói nghèo thì công tác quản lý thiếu chặt chẽ của địa phương đối các hộ nghèo, những gia đình có trẻ ở độ tuổi dưới 18 cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao động trẻ em gia tăng khi chính quyền không thể quản lý được việc trẻ em đã đi đâu, làm gì, rời khỏi nơi cư trú trong thời gian nào và rời đi bao lâu. Đây cũng chính là kẽ hở để những đối tượng xấu lợi dụng để bóc lột sức lao động của trẻ em.

Còn về phía chủ quán bánh xèo, việc tra tấn hành hạ cháu bé theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà là có chủ đích, và chủ đích đó chính là bóc lột sức lao động, tìm cách giữ người lao động lại để phục vụ vô điều kiện cho công việc của gia đình mình. Đây là hành vi vô nhân tính, vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức xã hội và cần phải xử lý nghiêm để làm gương cho những người đã và đang có ý định bóc lột sức lao động của trẻ em.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cho biết, đối với mỗi người, giai đoạn trẻ em hay trẻ vị thành niên là giai đoạn cần thiết để hoàn thiện về mặt thể chất và tâm lý. Nếu trẻ bị buộc lao động quá sớm sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển của trẻ. Về mặt thể chất, trẻ sẽ không thể có được sự phát triển phù hợp với lứa tuổi, dễ mắc các vấn đề cân nặng, chiều cao… Về mặt trí tuệ, do phải làm việc quá sớm, trẻ không có điều kiện học tập, tiếp thu tri thức dẫn đến việc đời sống trí tuệ nghèo nàn.

Về mặt tâm lý, trẻ em phải tham gia lao động sớm sẽ thường có cảm xúc tâm lý nghèo nàn và dễ gặp thất bại trong cuộc sống. Đồng thời những trẻ em này cũng dễ có tâm lý tự ti, dễ buông xuôi, chấp nhận số phận, không dám đứng lên chống lại sự bạo hành, bóc lột của chủ sử dụng lao động. Cháu bé trong vụ bạo hành ở Bắc Ninh chính là một ví dụ điển hình.

Cùng với tâm lý buông xuôi, có rất nhiều trẻ bị bóc lột, bạo hành trong quá trình tham gia lao động đã bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến lệch lạc trong suy nghĩ và dễ trở nên hung bạo, có hành vi lệch chuẩn xã hội…Ngoài hưởng ảnh đến bản thân trẻ, việc sử dụng, bóc lột sức lao động trẻ em còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế cũng như nguồn nhân lực của đất nước sau này.

“Việt Nam đã tham gia công ước quốc tế về lao động trẻ em, vậy việc trẻ em bị bóc lột sức lao động, bị bạo hành là vi phạm công ước quốc tế. Nếu không sớm xử lý dứt điểm tình trạng trên sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới. Cùng với đó, khi trẻ em phải lao động sớm, trẻ sẽ không có đủ điều kiện để tiếp xúc với các tri thưc cần thiết phục vụ cho công việc đòi hỏi lượng chất xám cao. Đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang trên đà hội nhập quốc tế như hiện nay”- Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà chia sẻ./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này