Để nghệ thuật công cộng tạo điểm nhấn cho du lịch

17:26 | 24/11/2020
(LĐTĐ) Nghệ thuật công cộng trong những năm gần đây bắt đầu được quan tâm và nói đến nhiều hơn, tuy nhiên để hiểu và thực sự có những đánh giá đúng đắn về giá trị và vai trò của chúng trong đời sống xã hội, đặc biệt là vai trò du lịch, thì vẫn còn rất nhiều vấn đề.
Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch Độc đáo không gian nghệ thuật ven sông Hồng

Thạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) nhận định rằng, việc đặt ra vấn đề kết nối giữa nghệ thuật công cộng với việc kiến tạo điểm đến du lịch là một yêu cầu chính đáng và thiết thực với định hướng phát triển và kích thích nền kinh tế du lịch hậu đại dịch nói riêng cũng như một xu hướng tất yếu của nền kinh tế Việt Nam những năm tới khi tập trung vào kinh tế du lịch và phát triển văn hóa.

Để nghệ thuật công cộng tạo điểm nhấn cho du lịch
Phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, nơi tập trung nhiều dự án nghệ thuật công cộng của Hà Nội (ảnh: B.T)

Tuy nhiên, nên nhìn nhận du lịch chỉ là một hệ quả đi theo sau của một chính sách phát triển tốt khi hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của các dự án nghệ thuật công cộng. Vấn đề chất lượng đồng bộ của các dự án nghệ thuật công cộng từ chất lượng nghệ thuật đến các vấn đề xung quanh như môi trường, cảnh quan tổng thể, ý thức văn hóa của cộng đồng xung quanh nó… mới quyết định được khả năng thu hút khách du lịch của những địa điểm đó.

Trong nhiều năm, thậm chí cho đến hiện tại, rất nhiều người vẫn gộp chung và đánh đồng những công trình tượng đài đậm tính tuyên truyền một chiều là những tác phẩm nghệ thuật công cộng. Trong khi đó, bản chất của nghệ thuật công cộng là hướng tới tính cộng đồng, khả năng tương tác với ngữ cảnh, tương tác với cộng đồng, với người xem. Các tác phẩm nghệ thuật công cộng nhấn mạnh khả năng tương tác, tham dự cũng như sự sáng tạo tiếp từ công chúng. Chính vì thế nó mới có khả năng thu hút số đông công chúng, tạo ra những hiệu ứng lan tỏa thu hút du lịch cũng như chất lượng của một điểm đến văn hóa.

Có thể thấy, không chỉ là một địa bàn thu hút phần lớn khách du lịch quốc tế, khách du lịch trong nước, khu vực quận Hoàn Kiếm – Hà Nội là một điểm thu hút trải nghiệm và tham quan nhiều nhất. Và thực tế cho thấy mấy năm trở lại đây, nhờ có sự xuất hiện của một loạt các dự án nghệ thuật công cộng trong khu vực phố cổ cùng với chính sách phát triển mở rộng khu phố đi bộ, quận Hoàn Kiếm đã trở thành một địa bàn cho thấy rõ được hiệu quả của việc gắn kết nghệ thuật công cộng với phát triển thu hút du lịch hay nói cách khác là cho thấy được vai trò của nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị.

Trong những năm gần đây, các dự án nghệ thuật công cộng đã xuất hiện ngày một nhiều hơn không những ở những thành phố lớn mà còn ở những vùng nông thôn, thị xã xa xôi. Chưa bàn nhiều đến chất lượng các dự án nhưng có thể thấy rõ ràng nhu cầu thưởng thức hay tối thiểu là nhu cầu xuất hiện của những dự án nghệ thuật công cộng trong những không gian công cộng là một xu thế của đời sống xã hội đương đại lan tỏa từ văn hóa toàn cầu và làn sóng đô thị hóa trên toàn thế giới.

Cũng theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, người có kinh nghiệm từng tham gia và thực hiện một số dự án nghệ thuật công cộng tại Mỹ và châu Âu, cũng như từng trực tiếp tham quan và tìm hiểu các dự án nghệ thuật công cộng ở các thành phố như Seoul, Bangkok, Singapore, Venice… và nhiều thành phố khác; họa sĩ nhận thấy sự gắn bó mật thiết của việc phát triển các dự án và tác phẩm nghệ thuật công cộng mang tính quốc tế với việc thúc đẩy sự quan tâm thu hút du lịch. Nhiều thành phố đã trở thành thương hiệu quốc tế về du lịch nghệ thuật trên thế giới như Venice Biennale, Bangkok Biennale, Singapore Biennale. Cứ hai năm một lần, các thành phố trên đã gắn bó sự kiện quảng bá du lịch nghệ thuật văn hóa với sự kiện triển lãm nghệ thuật trong tất cả các không gian trong thành phố, trong nhà lẫn ngoài trời.

Ở Đức, các sự kiện nghệ thuật, các dự án nghệ thuật không nằm tập trung ở các thành phố lớn, thành phố trung tâm mà được tính toán trải đều xen kẽ một cách khoa học hợp lý để kéo du khách đến với những thành phố nhỏ ít nổi tiếng hơn. Ví dụ như sự kiện nghệ thuật Kassel Documental được tổ chức năm năm một lần trở thành sự kiện nghệ thuật đương đại uy tín bậc nhất thế giới…

Để nghệ thuật công cộng tạo điểm nhấn cho du lịch
Những bức bích hoạ với phong cách hoài cổ trên phố Phùng Hưng thu hút khách thăm quan.

Từ kinh nghiệm thực tế, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đề xuất nên kết nối các dự án nghệ thuật công cộng và những không gian nghệ thuật đương đại mới thành một bản đồ khám phá nghệ thuật trong thành phố, trở thành những sản phẩm du lịch khám phá văn hóa trải nghiệm cho du khách quốc tế cũng như địa phương. Điều này không chỉ nhằm thu hút khách du lịch mà còn có thể nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân cũng như nâng cao ý thức về giá trị cảnh quan, giá trị nghệ thuật đối với mỗi không gian trong thành phố. Trong thời gian gần đây, sự vận động mạnh mẽ của các không gian nghệ thuật như Manzi, VCCA, hay Flamingo Đại Lải… đã khiến cho đời sống nghệ thuật và văn hóa của Hà Nội trở nên sôi động hơn trước. Ngoài ra còn một số dự án và không gian sáng tạo khác có thể bổ sung làm giàu thêm sức hấp dẫn của thành phố.

“Hà Nội trong cam kết trở thành một thành phố trong chuỗi các thành phố sáng tạo trên thế giới sẽ cần một cú hích cần thiết để xây dựng một chiến lược đồng bộ cho việc thúc đẩy các không gian văn hóa sáng tạo mà ở đó nghệ thuật công cộng trở thành một kết nối khả dĩ”, họa sĩ Trần Thế Sơn nhấn mạnh.

Một dự án nghệ thuật công cộng khi được thực hiện thành công sẽ tạo nên các hiệu quả cộng hưởng đi kèm sau đó, không chỉ nâng cao thẩm mỹ văn hóa chung cho cộng đồng mà còn nâng cao ý thức tôn trọng các tác phẩm nghệ thuật, giúp ích cho việc giáo dục nghệ thuật.

Đi cùng với sự phát triển của các không gian nghệ thuật rất cần sự mở rộng của các không gian sáng tạo. Bài học từ những thành phố ở các nước phát triển trên thế giới đều chứng minh nhu cầu cấp thiết của những không gian sáng tạo trong giới trẻ chính là một nguồn năng lượng tươi mới của thành phố, đồng thời giải quyết nhu cầu cấp thiết của cộng đồng.

Bởi vậy, Hà Nội trong hướng đi tiếp theo cũng cần hướng tới mục tiêu trở thành thành phố thông minh, nơi thúc đẩy các không gian sáng tạo để phù hợp với xu thế phát triển trong tình hình mới. Các không gian nghệ thuật, các dự án nghệ thuật công cộng và các không gian sáng tạo của thành phố sẽ trở thành một chuỗi liên kết giá trị thu hút hấp dẫn khách du lịch cũng như của những cá nhân, tổ chức sáng tạo, tạo nên hiệu quả không chỉ ở văn hóa, giáo dục mà còn là một hướng đi mới trong gia tăng phát triển kinh tế./.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này