Tiếp tục xây dựng chính sách để phát triển “tam nông” bền vững

19:58 | 12/11/2020
(LĐTĐ) Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) luôn được Đảng ta quan tâm, chăm lo và có nhiều chủ trương, chính sách lớn, xuyên suốt qua từng giai đoạn. Góp ý về Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới cho rằng, trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục xây dựng các chính sách để hiện thực hóa mục tiêu “nông dân khá giả, nông thôn mới văn minh”.
Đem lại hiệu quả cao từ tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp Phát huy ý tưởng sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ Cần giải pháp đồng bộ trong xử lý chất thải chăn nuôi

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, để phát triển nông nghiệp, Đảng và Nhà nước cần có chính sách phát triển kinh tế vùng. Ở Việt Nam, nếu nói về sản xuất nông nghiệp hiện có 7 vùng sinh thái khác nhau (Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc sông Hồng, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ), mỗi vùng sinh thái đều có sự sinh trưởng về vật nuôi, cây trồng, về canh tác, về chất lượng sản phẩm khác nhau.

Tiếp tục xây dựng chính sách để phát triển “tam nông” bền vững
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới

Mặt khác, ở từng vùng sinh thái có văn hóa, tập quán sản xuất tương đối giống nhau nên khi phát triển kinh tế vùng sẽ có rất nhiều lợi thế như: Hạn chế sự cạnh tranh, triệt tiêu nhau trên một ngành, một nông sản; phát huy thế mạnh của vùng… Ngoài ra, khi phát triển kinh tế vùng sẽ góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế biến và phát triển thế mạnh, sản phẩm chủ lực của từng địa phương.

Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách về đầu tư và phân bổ nguồn lực dựa trên lợi thế phát triển và tạo ra sản phẩm lớn, hướng vào trục nông sản quốc gia để trở thành cánh kéo cho nông sản vùng miền và nông sản của địa phương; có chính sách về khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là cuộc các mạng khoa học kỹ thuật về giống, về công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Đối với nông dân, Đảng và Nhà nước cần có chính sách đào tạo, huấn luyện người nông dân để nâng cao năng lực sử dụng đồng vốn và phát huy khả năng sáng tạo của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn, tiếp cận nguồn lực, chính sách an sinh… nhất là đối với người nông dân ở những vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu.

Về xây dựng nông thôn mới, theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, bên cạnh việc tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đối với những địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới thì Đảng và Nhà nước cần có chính sách đặc thù về đất đai, nguồn vốn, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng… cho những xã khó khăn để các xã này đạt chuẩn nông thôn mới, đảm bảo không địa phương nào bị bỏ lại phía sau trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Cạnh đó, Đảng và Nhà nước cần có chính sách để bảo đảm tính mạng và tài sản cho người nông dân, có công cụ, thiết bị cảnh báo về lũ, biến đổi khí hậu để người nông dân đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định hoạt động sản xuất; có chính sách bảo vệ môi trường cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó chú trọng vấn để xử lý rác thải; có chính sách để kinh tế nông thôn phát triển cân đối, hài hòa, tạo động lực để nông dân gắn bó với nông nghiệp.

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này