Coi an sinh xã hội là một trong các mục tiêu phát triển bền vững

15:41 | 07/11/2020
(LĐTĐ) An sinh xã hội được xác định là đảm bảo vì con người và là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội thống nhất với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đều nhằm phát huy sức mạnh nhân tố con người.
Chung tay đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Quận Đống Đa: Chung tay thực hiện tốt nhiều hoạt động an sinh xã hội Góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô và cả nước
Coi an sinh xã hội là một trong các mục tiêu phát triển bền vững
Bà Hồ Thị Minh Tâm, Tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc

Góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bà Hồ Thị Minh Tâm (tổ dân phố số 7, phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm) cho biết:

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm, coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội, đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa và gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội.

Những năm qua, chúng ta được cộng đồng quốc tế ghi nhận về tiến bộ trong phát triển giáo dục, chăm lo sức khỏe cộng đồng, thực hiện bảo hiểm y tế cho người dân, khám, chữa bệnh cho người nghèo; quan tâm tới vấn đề chăm sóc bà mẹ và trẻ em, nỗ lực giải quyết việc làm, cải thiện mức sống, chế độ tiền lương, điều kiện sống cho dân cư, cứu trợ xã hội và thực hiện phúc lợi xã hội; quan tâm tới các đối tượng yếu thế với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo tôi, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội vẫn còn hạn chế như: tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, công tác dạy nghề cho người nghèo, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đầy đủ. Chính sách xã hội đối với người lao động còn chưa được chú trọng đúng mức.

Tại nhiều địa phương, nguồn lực bảo đảm chính sách an sinh xã hội chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia. Một bộ phận cán bộ, đảng viên nhận thức chưa đầy đủ, chưa thật sự gắn nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, tôi cho rằng, trong thời gian tới, cần xác định nhiệm vụ quan tâm toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội là một trong các mục tiêu của sự phát triển bền vững.

Theo đó, tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách xã hội, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Cần tập trung vào các nhóm chính sách cơ bản nhất như: ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách việc làm, dạy nghề; chính sách giảm nghèo; chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Đặc biệt, huy động các nguồn lực của toàn xã hội để nâng cao an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm mở rộng sự tham gia của mọi chủ thể vào cung cấp ngày càng nhiều hơn với chất lượng tốt hơn các dịch vụ công cộng; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân đề cao trách nhiệm, nâng cao năng lực và tham gia thiết thực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

Trong đó, chú trọng hơn nữa việc khuyến khích phát triển các mô hình an sinh xã hội tự nguyện ở cộng đồng; đẩy mạnh các cuộc vận động xã hội như: ngày vì người nghèo, phong trào tương thân tương ái, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết dân tộc...

(K.Tiến ghi)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này