Phát huy ý tưởng sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ

20:01 | 06/11/2020
(LĐTĐ) Nhằm phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và tạo động lực cho các nghề, làng nghề phát huy được giá trị, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động và tổ chức “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020”.
Kết nối chuỗi giá trị để phát triển sản phẩm làng nghề Việt Chương trình OCOP: Tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho các nhà sản xuất Tạo nguồn lực phát triển kinh tế

Theo thông tin từ Ban Tổ chức Hội thi, sau gần 2 tháng phát động, đã có 174 nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ trên phạm vi cả nước ở nhiều nhóm ngành hàng khác nhau đăng ký và gửi 339 sản phẩm tham gia Hội thi.

Trong đó: Nhóm đan lát có 31 nghệ nhân, với 51 sản phẩm; nhóm gốm sứ có 16 nghệ nhân, với 35 sản phẩm; nhóm thêu dệt có 45 nghệ nhân, với 103 sản phẩm; nhóm sơn mài, khảm trai có 12 nghệ nhân, với 26 sản phẩm; nhóm trạm khắc gỗ có 31 nghệ nhân, với 56 sản phẩm; các nhóm khác như tò te, da sừng, kim khí… có 39 nghệ nhân, với 68 sản phẩm.

Phát huy ý tưởng sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 thu hút 339 sản phẩm dự thi. (Ảnh: Mạnh Quân)

Kết quả Hội đồng chấm thi đã lựa chọn được các tác phẩm có tính sáng tạo, tinh hoa nhất, mang đậm giá trị truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam để trao 42 giải thưởng gồm: 5 giải Nhất, 5 giải Nhì, 5 giải Ba và 27 giải Khuyến khích.

Phát biểu tại Lễ trao giải “Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Hội thi được tổ chức nhằm động viên, khuyến khích, tôn vinh, phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam; tạo môi trường để các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm; kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần vào việc bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Việt Nam tự hào là một trong những chiếc nôi của nghề thủ công truyền thống trên thế giới với rất nhiều nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, mang trong mình những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và đa dạng. Tên của những làng nghề, nghề thủ công, nghệ nhân và thợ giỏi, những doanh nghiệp từ khắp mọi miền của đất nước đã trở thành niềm tự hào của ngành thủ công Việt Nam trên trường quốc tế.

Phát huy ý tưởng sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Ông Cao Đức Phát, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương (ngoài cùng bên phải) và ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trao giải Nhất cho các nghệ nhân có sản phẩm đạt giải.

Ngành nghề thủ công ở nông thôn hiện nay đang có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cả về vùng nguyên liệu, sử dụng lao động nông nhàn ở nông thôn và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Đến nay, tổng doanh thu và kim ngạch xuất khẩu của khu vực này đã đạt trên 236.000 tỷ đồng và kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 2,35 tỷ đô la. Trong bối cảnh của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2020 vẫn đạt trên 10%.

Khu vực ngành nghề thủ công nông thôn đang thu hút hơn 9.450 doanh nghiệp; 3.382 hợp tác xã; 6.553 tổ hợp tác và trên 797.600 hộ gia đình tham gia sản xuất với trên 2,3 triệu lao động, trong đó, chủ yếu người cao tuổi, lao động nông nhàn, lao động từ các khu công nghiệp trở về và những lao động tại địa phương. Thu nhập bình quân của lao động đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn gấp 2 lần lao động thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực có ngành nghề thấp hơn nhiều so với tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước.

Việc phát triển ngành nghề thủ công đã góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm, tăng giá trị sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn. Ngoài ra, phát triển ngành nghề thủ công còn kéo theo sự phát triển của các ngành nghề kinh tế khác như sản xuất mây tre đan, tơ dệt, khai khoáng, trồng rừng lấy gỗ, chăn nuôi lấy da làm nguyên liệu, phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển đa dạng kinh tế ở nông thôn.

Mạnh Quân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này