Xử lý rác thải ở nông thôn: Cần những giải pháp triệt để hơn

20:54 | 03/11/2020
(LĐTĐ) Những năm gần đây, công tác bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường ngày càng được các địa phương chú trọng. Tuy nhiên bên cạnh những chuyển biến đáng ghi nhận, công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn vẫn còn một số tồn tại, nhất là việc xử lý rác thải, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc quyết liệt hơn từ người dân đến chính quyền các cấp.
Hà Nội: Chấm dứt việc bới, thu nhặt rác tại khu xử lý chất thải Sóc Sơn Gỡ nút thắt xử lý rác thải sinh hoạt Để thành phố thực sự văn minh!

Lượng rác thải sinh hoạt trên toàn địa bàn Thành phố là 6.500 tấn/ngày. Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận trung tâm Thành phố là 100%, tại các huyện ngoại thành là 88- 89%. Vấn đề xử lý rác thải ở nông thôn hiện nay đang còn một số tồn tại, khu vực nông thôn là nơi tiếp nhận toàn bộ rác thải sinh hoạt của khu vực nội thành.

phuc-lam-my-duc-ha-noi-rac-thai-boc-mui-hoi-thoi-tran-long-duong-4
Bãi rác thải ở một khu vực ngoại thành Hà Nội với đầy đủ các loại rác hữu cơ, vô cơ

Mặc dù Thành phố đã đầu tư nhiều khu xử lý chất thải sinh hoạt tập trung nhưng phương pháp xử lý chủ yếu vẫn là phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường và chưa hiệu quả, dẫn đến quá tải các khu xử lý rác thải tập trung lớn như khu xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn), khu xử lý chất thải Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây)..., kéo theo những nguy cơ, tác động lớn đến chất lượng môi trường nước, đất...

Trong khi đó, công tác đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý rác trên địa bàn còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ do khó khăn trong việc kêu gọi xã hội hóa, thiếu sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, còn để xảy ra các khiếu kiện của người dân sống gần các bãi chôn lấp.

Bên cạnh đó, trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, một số huyện đã đạt được thành tích và duy trì sau khi được công nhận như Gia Lâm, Đông Anh, thì tại một số huyện như Hoài Đức, Thanh Trì, Quốc Oai vẫn có một số nơi trên địa bàn các chỉ tiêu môi trường còn thiếu bền vững, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan, do đó cần có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, huy động sự tham gia vào cuộc của cộng đồng dân cư.

Mặt khác, tại khu vực nông thôn, công tác thu gom và vận chuyển chất thải đến nơi xử lý với khoảng cách xa, chưa hiệu quả. Các điểm trung chuyển chất thải chưa được quy hoạch phù hợp vẫn còn hiện tượng đốt một số loại rác thải tại khu vực này gây ô nhiễm và mất mỹ quan.

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường – Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là sự dịch chuyển của các ngành sản xuất từ các khu đô thị ra các vùng ngoại thành, hiện nay còn rất nhiều cơ sở sản xuất ở vùng ngoại thành do đó áp lực lên môi trường là rất lớn. Trong khi đó, không phải 100% các cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố có hệ thống xử lý nước thải tập trung, do đó việc quản lý các nguồn thải này phải đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, Hà Nội có rất nhiều làng nghề, các làng nghề phát triển song hành với đó là những áp lực lên môi trường.

Tuy vậy, khu vực xử lý rác thải hiện nay chưa có công nghệ đảm bảo an toàn cho sức khỏe, đời sống của người dân, cho ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần sớm có những giải pháp đầu tư bài bản và công nghệ xử lý rác hiện đại, tuy nhiên, để các công nghệ xử lý đạt hiệu quả thì việc phân loại rác thải rất quan trọng.

“Luật Bảo vệ Môi trường dự thảo mới nhất hiện nay đang trình Quốc hội thì việc phân loại chất thải là bắt buộc chứ không còn là khuyến khích như trước đây. Bởi nếu không phân loại tốt thì không có giải pháp công nghệ nào có thể xử lý an toàn được. Không thể nói giải pháp công nghệ nào là an toàn tuyệt đối đối với môi trường được mà phải từ cộng đồng, từ người dân, từ ý thức phân loại, chuyển giao, tập kết để rác không còn tồn đọng trong các kênh, mương, cống rãnh, ao hồ... điều này phụ thuộc vào chính quyền địa phương các cấp”, bà Ánh chia sẻ.

Từ những tồn tại đó, Phó Vụ trưởng Vụ quản lý chất lượng môi trường kiến nghị Thành phố cần sớm triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn đối với các huyện ngoại thành, rác hữu cơ có thể đưa về các nhà máy xử lý phân vi sinh thì chuyển từ rác thành tiền, rác vô cơ có thể thu hồi và đưa về các khu tái chế, rác đưa vào lò đốt khi đó còn số lượng nhất định, khoảng 30 - 40%, các huyện phải chi trả số tiền cho xử lý rác sẽ giảm đi.

Nguyễn Hoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này