Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi): Đề xuất ba nhóm chính sách khắc phục bất cập, hạn chế

15:52 | 02/11/2020
(LĐTĐ) Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Đó là ba nhóm chính sách của dự án Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) được đề xuất và các đại biểu Quốc hội tham gia cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Cần có chế tài mạnh đối với người nghiện tránh các "thảm họa" Tận cùng của tội ác vì ma túy Hai bố con mua bán trái phép chất ma túy

Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập: Một số quy định của Luật hiện hành không thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành… do vậy đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó, do sự thay đổi tình hình, một số quan hệ xã hội mới xuất hiện liên quan đến công tác phòng, chống ma túy nhưng chưa có quy định của luật để điều chỉnh.

Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi): Đề xuất ba nhóm chính sách khắc phục bất cập, hạn chế
Đại biểu Quốc hội cho ý kiến về Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi) ngày 02/11/2020

Thực tiễn cho thấy một số bất cập, hạn chế nổi bật như quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)...

Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự. Sự phát triển bùng nổ của các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, nhà hàng… đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng tổ chức sử dụng ma túy tổng hợp…

Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) và cụ thể hóa ba nhóm chính sách được Chính phủ thông qua trong đề nghị xây dựng dự án Luật.

Cụ thể, ba chính sách của dự án Luật được đề xuất gồm: Quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện; Xây dựng quy định về phòng, chống ma túy bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đánh giá tác động của chính sách quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cho thấy quy định này góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong phòng, chống ma túy và phòng ngừa tội phạm, tệ nạn ma túy thông qua công tác quản lý người sử dụng ma túy; tăng cường một bước cơ chế hữu hiệu phòng, chống ma túy và phòng ngừa tệ nạn ma túy...

Đối với chính sách bảo đảm hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc và khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện, về tác động xã hội, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc, đảm bảo cho người nghiện được áp dụng các biện pháp cai nghiện tốt nhất, góp phần giảm người nghiện ngoài xã hội, mang lại hiệu quả cao cho xã hội.

Đồng thời, Luật khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện sẽ huy động được nguồn lực của xã hội trong công tác cai nghiện, giảm chi ngân sách cho công tác này; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ để thực hiện công tác cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc. Người nghiện ma túy có nhiều lựa chọn hơn, chế độ, chính sách tốt hơn trong việc cai nghiện để trở thành người có ích cho xã hội, tái hòa nhập lại cuộc sống xã hội.

Dự Luật cũng có chính sách xây dựng quy định về phòng, chống ma túy đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật quy định về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan; về kiểm tra, thanh tra trong quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy...

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này