Văn hóa kinh doanh: Sức mạnh mềm giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch

10:36 | 31/10/2020
(LĐTĐ) Vấn đề văn hóa trong các doanh nghiệp hiện nay vô cùng cấp thiết, nhất là trước những tác động của bối cảnh đại dịch Covid-19. Văn hóa kinh doanh chính là sức mạnh mềm giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch và ứng phó hiệu quả với trạng thái bình thường mới.
Canada đồng ý phút chót, TPP đạt đồng thuận và đổi tên mới Thủ tướng tiếp Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản

Thời gian qua, đại dịch Covid-19, thiên tai đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã chung sức, đồng lòng quyết liệt phòng chống dịch, thiên tai. Đến nay Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, bước dầu ngăn chặn thành công không để lây nhiễm mới trong cộng đồng và được cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.

Covid-19 đã làm thay đổi tư duy, phương thức quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, trong cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô, đặt ra trạng thái mới, bối cảnh mới cho các khuôn khổ hợp tác toàn càu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy hoạt động của Chính phủ điện tử, chuyển đổi hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp, thay đổi triết lý kinh doanh, triết lý sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, phương thức giao tiếp, trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử với môi trường… Đây vừa là thách thức nhưng cũng đồng thời là cơ hội để thay đổi, bứt phá, cần được nhận thức và hành động phù hợp. Theo đó Văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò vừa là yếu tố phát triển bền vững, vừa là động lực của sự thay đổi đó.

Văn hóa kinh doanh: Sức mạnh mềm giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Họp báo thông tin về diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh; tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động".

Phó giáo sư, tiến sĩ Dương Thị Liễu, Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết, một số vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt, đó là vấn đề công ăn việc làm của người lao động, vấn đề giảm lợi nhuận, vấn đề giảm doanh thu, vấn đề huy động nguồn vốn… Tác động của Covid -19 đối với nền kinh tế và doanh nghiệp theo rất nhiều các chiều hướng đã đặt ra một vấn đề, đó là phải có những giải pháp để khắc phục, tái thiết kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe, chia sẻ và chỉ đạo quyết liệt việc tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp điều hành nền kinh tế nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Dịch Covid-19 đã đưa ra một bối cảnh mới ảnh hưởng đến cách thức vận hành nền kinh tế xã hội. Chúng ta đã quen với những thuật ngữ như Chính phủ điện, kinh tế mới, doanh nghiệp làm việc với cách thức từ xa, cách thức về mua hàng online, tiêu dùng online… đây là những phương án linh động với những thay đổi này. Covid làm thay đổi tư duy trong cách thức vận hành và quản trị doanh nghiệp. Ví dụ, trước đây các doanh nghiệp ít nhắc đến “quản trị rủi ro” nhưng hiện giờ chắc chắn các doanh nghiệp sẽ quan tâm đến khía cạnh này trong quản trị doanh nghiệp”, tiến sĩ Dương Thị Liễu nhận định.

Những tác động từ đại dịch là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi, bứt phá. Trong đó, văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp vừa là yếu tố phát triển bền vững, vừa là động lực của sự thay đổi.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần chung tay với cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch, thúc đẩy việc chuyển đổi triết lý, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện mới, phát triển bền vững, động viên, khích lệ các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, Ban Tổ chức triển khai “Cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” phối hợp cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương, VCCI, Trung ương Đoàn Thành niên cộng sản Hồ Chí Minh... sẽ tổ chức diễn đàn "Tái thiết kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh và tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam", diễn ra ngày 8/11 tới đây tại Hà Nội.

Mục đích của việc tổ chức diễn đàn nhằm đem lại một góc nhìn mới về những thách thức và cơ hội từ Covid-19 và hậu Covid-19: Góc nhìn từ văn hóa kinh doanh, từ đó góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh sau Covid-19. Tại diễn đàn này, một nội dung quan trọng là tôn vinh các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt bậc trong xây dựng, củng cố văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp của Việt Nam, từng bước khắc phục tác động do đại dịch Covid-19.

Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho biết, trong số hàng loạt giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn do Covid-19, chưa có giải pháp nào được đưa ra từ góc độ văn hóa kinh doanh. Đây cũng là diễn đàn quy mô Quốc gia đầu tiên được tổ chức để “hiến kế” cùng các doanh nghiệp bằng các giải pháp về văn hóa.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương - Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich), góc độ văn hóa kinh doanh ở đây gồm nhiều nội dung, theo đó nội dung phổ biến cần nhìn từ vấn đề đạo đức kinh doanh, cung cách ứng xử văn hóa của các doanh nghiệp, ứng xử với người lao động, với các đối tác và trách nhiệm chung tay gánh vác khó khăn với cộng đồng.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này