Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố mới

18:49 | 27/10/2020
(LĐTĐ) Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều 26/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát hiện vi phạm trong lĩnh vực tham nhũng chưa sát với thực tế Sớm ban hành quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ Đề nghị không chuyển thẩm quyền đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Tại Phiên thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số nội dung: Có nên tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh để thực hiện ngay từ ngày 01/7/2021 hay không? Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; Tên gọi, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường...

Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố mới
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lễ Vĩnh Tân trình bày Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đại biểu Dương Minh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu Dương Minh Tuấn có ý kiến là để nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một trung tâm tài chính, kinh tế, công nghệ cao của cả nước và khu vực, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị thì việc Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết.

Về vấn đề thí điểm và tên gọi. Về thí điểm, đại biểu Dương Minh Tuấn tán thành với đề nghị của Chính phủ, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Chí Minh là vấn đề quan trọng và cấp bách nên triển khai thực hiện ngay, không cần phải tổ chức thí điểm vì 2 lý do. Thứ nhất là, phù hợp với quy định của Hiến pháp, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Lý do thứ hai, về thực tiễn, thành phố Hồ Chí Minh đã có 7 năm thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện và phường, khi thực hiện Nghị quyết số 26 Quốc hội khóa XII. Qua báo cáo tổng kết, đánh giá của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy việc không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường tại thành phố Hồ Chí Minh không làm ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương. Hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước thành phố và các quận, huyện, phường vẫn ổn định và thông suốt.

Về tên gọi, đại biểu Dương Minh Tuấn thống nhất với tên gọi của Nghị quyết, đó là Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh…Về thời gian thực hiện, nội dung đề án và dự thảo nghị quyết được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu nên việc thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua tại kỳ họp này, thực hiện ngay từ ngày 01/7/2021 để thành phố Hồ Chí Minh kịp chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết.

Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố mới
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ngoài những vấn đề trên, đại biểu Dương Minh Tuấn còn có băn khoăn, đó là vấn đề đảm bảo quyền đại diện, quyền dân chủ của người dân, vì các nhiệm vụ khác của Hội đồng nhân dân cấp quận, phường như thu, chi ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản thực chất đã được Hội đồng nhân dân cấp trên quyết định trước đó. Do vậy, đề nghị cần quan tâm hơn nữa và nâng cao vai trò giám sát của cấp ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội nhằm đảm bảo các quyền của người dân.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Thành Chung - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, cho rằng: Thành phố Hồ Chí Minh được xem là một đại đô thị của nước ta, với hơn 10 triệu người cư trú và khách vãng lai, đây là một thành phố hết sức năng động. Với mong muốn thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển xứng tầm với vai trò và vị thế mà thành phố Hồ Chí Minh đã có sẵn trong nội lực của mình, nên việc có Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh là cần thiết…

Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Thành Chung cũng kiến nghị thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy cơ chế đặc thù mà đã được Quốc hội thông qua. Cùng với việc tiếp tục đề xuất các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách trong giai đoạn 2021-2025 với trọng tâm là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, quan tâm đến đầu tư hạ tầng kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm.

Đặc biệt, sau khi được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố mới trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thuận lợi nhất, để cho thành phố mới cất cánh cũng giống như đây là một mô hình thí điểm tiếp theo của các thành phố vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này