Ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng ở một số ngành nghề

18:03 | 24/10/2020
(LĐTĐ) Trong quý 3/2020, Navigos Search ghi nhận sự sụt giảm về nhu cầu tuyển dụng ở các ngành nghề nói chung, trong khi vẫn tiếp tục ghi nhận nhu cầu tăng ở một số các ngành nghề về hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin, năng lượng hay bảo hiểm.
May thời trang là ngành có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất Năm 2021: Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung ở trình độ nào? Hỗ trợ nhóm ứng viên chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tìm việc làm mới

Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, công ty tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search vừa công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong Quý 3/2020.

Ghi nhận nhu cầu tuyển dụng tăng ở một số ngành nghề
Công nghệ thông tin nằm trong Top 3 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất theo ghi nhận từ Navigos Search. Ảnh: B.D

Theo đó, so với cùng kỳ năm ngoái, quý 3 năm 2020 khách hàng của Navigos Search đã giảm 23,5% nhu cầu tuyển dụng. Trong quý này, các ngành sản xuất, hàng tiêu dùng nhanh, công nghệ thông tin nằm trong Top 3 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất theo ghi nhận từ Navigos Search.

Về mức lương, mức lương cao nhất ghi nhận trong Quý 3/2020 là 280 triệu đồng/tháng đến từ ứng viên trong ngành ngân hàng.

Đáng chú ý, ngành hàng tiêu dùng nhanh và bán lẻ đang chứng kiến nhu cầu tuyển dụng cao lên đến 50% so với thời điểm trước tháng 7.

Theo quan sát của Navigos Search tại thị trường phía Nam, đây là ngành hàng ghi nhận sự tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng rất cao, khoảng 40%-50% so với thời điểm Covid-19 diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7 năm nay.

Lý do chính dẫn đến sự tăng đột biến là các khách hàng trong ngành này chuyển hướng mạnh sang kinh doanh trực tuyến dẫn đến nhu cầu tìm kiếm các ứng viên trong mảng thương mại điện tử, tiếp thị số, bán hàng online. Các ứng viên trong mảng này có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại cho các ứng viên người Việt là họ chưa có chuyên môn sâu về thương mại điện tử và digital (số hóa) dẫn đến việc các doanh nghiệp trong nước và các công ty nước ngoài phải mời những ứng viên là Việt Kiều hoặc người nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Điều này cũng làm tăng tính cạnh tranh chất xám trong ngành công nghệ tại thị trường việc làm.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này