Đề xuất bổ sung một số trường hợp được xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính

21:48 | 22/10/2020
(LĐTĐ) Đề nghị Quốc hội xem xét trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản ghi vi phạm hành chính phải có thêm chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ. Trường hợp không có cha mẹ hoặc người giám hộ thì phải có chứng kiến của chính quyền địa phương-nơi phát hiện người có hành vi vi phạm hành chính…Đó là ý kiến của đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn đại biểu Tuyên Quang.
Phạt hành chính tới 20 triệu đồng nếu đăng tin sai sự thật Chỉ xử phạt doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ năm 2019 trở về trước Công an Thành phố Hà Nội: Đảm bảo công tác xử lý vi phạm hành chính

Thực hiện Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 22/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và tập trung thảo luận vào một số nội dung như: xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy; việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên; xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định; cơ quan xử lý trường hợp vi phạm hành chính...

Đề xuất bổ sung một số trường hợp được xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính
Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy - Đoàn đại biểu tỉnh Tuyên Quang

Đóng góp ý kiến vào việc xử phạt đối với đối tượng vi phạm hành chính chưa thành niên, đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, nêu quan điểm: Khoản 4 Điều 58 đề nghị Quốc hội xem xét trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản ghi vi phạm hành chính phải có thêm chữ ký của cha mẹ hoặc người giám hộ. Trường hợp không có cha mẹ hoặc người giám hộ thì phải có chứng kiến của chính quyền địa phương-nơi phát hiện người có hành vi vi phạm hành chính.

Về trường hợp người vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản phải được chuyển trong thời hạn không quá 24 giờ làm việc kể từ khi lập biên bản. Bởi vì trên thực tế có một số trường hợp lập biên bản vi phạm hành chính vào cuối giờ làm việc của ngày cuối tuần hoặc các ngày nghỉ lễ, tết sẽ không đảm bảo thời gian chuyển biên bản theo quy định.

Ngoài ra, đại biểu Ma Thị Thúy còn đề xuất bổ sung một số trường hợp được xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính như cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thất nghiệp hoặc không có thu nhập ổn định. Ví dụ như mức tiền xử lý vi phạm hành chính đối với lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng là khá cao nhưng đối tượng vi phạm lại thuộc diện trên.

Đại biểu Vương Ngọc Hà – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, nêu ý kiến về việc xử lý vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm ở cấp huyện này nhưng lại cư trú ở địa bàn khác và thuộc phạm vi ở một tỉnh miền núi, hải đảo, vùng xa xôi hẻo lánh, việc đi lại gặp khó khăn nên các cá nhân, tổ chức không có điều kiện chấp hành xử phạt tại nơi bị xử phạt. Do vậy, việc xử phạt được chuyển đến cơ quan xử phạt cùng cấp – nơi có cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để thực hiện thi hành xử phạt.

Tuy nhiên, theo đại biểu Vương Ngọc Hà, trên thực tế, đối với các tỉnh biên giới, lực lượng biên phòng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh cư trú và đi lại theo Điều 17 của Nghị định 167. Tuy nhiên, người vi phạm hành chính không có điều kiện chấp hành vi phạm tại nơi xử phạt nên các đồn biên phòng đã gửi quyết định xử phạt đến Ủy ban Nhân dân cấp huyện – nơi cư trú của người vi phạm để đề nghị thi hành.

Tuy nhiên, hiệu quả thi hành chưa cao vì không quy định rõ trách nhiệm cho Ủy ban Nhân dân tại nơi đó nhưng đến nay cũng không có cách giải quyết nào khác. Bởi vì tại địa phương cư trú của cá nhân vi phạm không có cơ quan cùng cấp (tức là không có đồn biên phòng). Vì vậy, Ban soạn thảo dự thảo Luật cần bổ sung tại Khoản 2 Điều 71 của Luật hiện hành thay cụm từ “cơ quan cùng cấp” bằng từ “Ủy ban Nhân dân cấp huyện” để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đề xuất bổ sung một số trường hợp được xem xét tạm hoãn xử phạt hành chính
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp Quốc hội sáng ngày 22/10

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu Quốc hội còn cho ý kiến về việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính đối với môi trường, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, kết thúc phiên thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có 23 đại biểu đóng góp, 9 đại biểu tham gia tranh luận và một số ý kiến đóng góp khác. Nhìn chung, các đại biểu tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu đối với Dự án Luật. Bên cạnh đó, còn một số còn nội dung ý kiến khác nhau đã được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật giải trình, làm rõ.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, cơ quan soạn thảo và thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cần bảo đảm thời gian Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định liên quan quan đến Dự thảo Luật và đảm bảo triển khai Luật đúng thời điểm thi hành luật. Hiện còn một số nội dung khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này