Phải tạo dựng nơi đến mang đặc trưng tương tự như Phố cổ hiện tại

17:13 | 20/10/2020
(LĐTĐ) Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Thị Toàn – Nguyên Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội, Nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội khóa X, XI cho rằng, để thuyết phục người dân di dời khỏi khu phố cổ, Hà Nội phải tạo dựng nơi đến phải là đô thị mang đặc trưng cho sinh hoạt, làm việc, buôn bán năng động tương tự như phố cổ hiện tại. Đồng thời, ở đó phải có môi trường sống chất lượng cao, duy trì nếp sống văn hóa lâu đời của khu phố cổ Hà Nội.
Khu Phố cổ - mang "hồn cốt" của Thủ đô Hà Nội Phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội trong thời đại 4.0 Giá trị di sản của khu Phố cổ Hà Nội phục vụ phát triển du lịch
Phải tạo dựng nơi đến mang đặc trưng tương tự như Phố cổ hiện tại
Bà Tô Thị Toàn – Nguyên Phó trưởng Ban quản lý phố cổ Hà Nội (Ảnh:K.Tiến)

Theo Tiến sĩ Tô Thị Toàn, khu Phố cổ Hà Nội đang đứng trước nhiều biến động to lớn và phức tạp của sự thích ứng với đời sống xã hội phát triển. Quá trình đô thị hóa của Hà Nội đã tác động một cách “tích cực” để Phố cổ Hà Nội bị biến dạng và xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát triển, nâng cao điều kiện sống người dân khu Phố cổ Hà Nội, để khu Phố cổ Hà Nội mãi là niềm tự hào về một di sản kiến trúc quý báu mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa của dân tộc và xứng đáng tượng trưng cho cốt cách, linh hồn của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trong những năm qua, khu Phố cổ Hà Nội đã được Thành phố cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước đã được đầu tư đồng bộ và đạt chỉ tiêu kỹ thuật ở mức độ cao của khu vực Thành phố Hà Nội. Người dân khu Phố cổ Hà Nội không còn cảnh thiếu nước, thiếu điện, sử dụng xí thùng...

Đường xá không mở rộng, không thay đổi nhưng được lát vỉa hè, trồng cây xanh. Hạ tầng xã hội như trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan cấp quận, phường, được đầu tư cải tạo đồng bộ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tiến sĩ Tô Thị Toàn, hiệu quả đạt được còn rất thấp, do quá tải về dân số (66.600 người), số dân sống trong di tích 562 hộ, các trường học 39 hộ, các công sở là 148 hộ (Số liệu Quận Hoàn Kiếm 2010).

Phải tạo dựng nơi đến mang đặc trưng tương tự như Phố cổ hiện tại
Phải tạo dựng nơi đến mang đặc trưng tương tự như Phố cổ hiện tại (Ảnh:K.Tiến)

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 thì mật độ dân số khu Phố cổ Hà Nội 500 người/ ha(2020). “Giảm dân số cùng với việc giãn dân đang là yêu cầu tất yếu để đảm bảo tốt nhất cho công tác Bảo tồn, tôn tạo, nâng cao chất lượng sống và cải thiện môi trường, cơ sở hạ tầng chất lượng đô thị và tạo động lực phát triển đô thị bền vững.

Không những thế việc giảm mật độ dân số khu Phố cổ Hà Nội sẽ đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị, góp phần bảo tồn duy trì được nếp sống văn hóa truyền thống lâu dài của Thủ đô Hà Nội”, Tiến sĩ Tô Thị Toàn nhấn mạnh.

Cũng theo bà Toàn, mục tiêu chung giãn dân khu Phố cổ Hà Nội là nâng cao chất lượng sống và cải thiện môi trường, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đô thị và tạo động lực đô thị phát triển bền vũng.

Tuy nhiên việc giãn dân di dời nơi ở khác được ít người dân ủng hộ bởi giá trị thương hiệu của khu Phố cổ Hà Nội là quá lớn, cho dù tạo điều kiện tốt hơn như: Giá đền bù cao, xây dựng khu mới tốt hơn nơi đang ở, người dân vẫn muốn bám trụ lại vì là vị trí đắc địa, kinh doanh thuận lợi, dịch vụ việc làm đa dạng. Ngoài ra các giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và truyền thống cũng là những yếu tố níu chân nhiều người dân.

Để phục vụ việc giãn dân khu Phố cổ, Thành phố đã dành khu đất Việt Hưng (Gia Lâm – Hà Nội) và đã có một số cơ chế, chính sách. Trong các dự án đã thực hiện, đã di dời chủ yếu một số lượng hộ dân sống trong di tích, đình, đền, chùa, trường học, cơ quan, khoảng 100 hộ là quá ít.

Do vậy, để bảo tồn tôn tạo, phát triển khu Phố cổ Hà Nội nhằm nâng cao điều kiện sống người dân Phố cổ, theo Tiến sĩ Tô Thị Toàn cần có những chính sách hỗ trợ trong quá trình thực hiện dự án để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong quá trình tham gia bảo tồn, tôn tạo phát triển khu Phố cổ Hà Nội; cần tuyên truyền, vận động người dân trong cộng đồng khu Phố cổ Hà Nội tham gia tích cực ủng hộ dự án giãn dân khu Phố cổ Hà Nội, thuyết phục, tuyên truyền giáo dục, thậm chí cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhằm giảm quá tải về nhà ở, dân số, tạo một mô hình chuẩn mực về thể chế chính sách như chính sách bán nhà, thuê nhà, đền bù, hỗ trợ việc làm, người tự nguyện di dời…thì cũng cần tổ chức quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới, phục vụ riêng cho việc giãn dân khu Phố cổ Hà Nội.

Đồng thời, tạo dựng mô hình phát triển kinh tế mới đa dạng, ổn định nhằm nâng cao mức sống của người dân khu Phố cổ Hà Nội. Tạo dựng một môi trường sống mới có chất lượng cao về đời sống văn hóa tinh thần, duy trì nếp sống văn hóa lâu đời của khu Phố cổ Hà Nội.

“Về quan điểm giãn dân tái định cư là phải phù hợp với nguyện vọng và đối tượng xã hội mà vẫn duy trì được tính truyền thống và năng động của khu Phố cổ Hà Nội. Việc giãn dân tái định cư khu Phố cổ Hà Nội là của Thành phố kết hợp tổng hòa các biện pháp kinh tế - hành chính và giá trị truyền thống”, bà Toàn nhấn mạnh../

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này