Khai thác chuỗi di sản Thăng Long - Hà Nội

11:32 | 20/10/2020
(LĐTĐ) Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu, bứt phá trong kích cầu du lịch, trong đó du lịch di sản đóng một vai trò quan trọng. Đặc biệt, chuỗi di sản 1010 năm Thăng Long của Thủ đô Hà Nội là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào để khai thác thành điểm đến du lịch đặc thù.
Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội Giá trị di sản của khu Phố cổ Hà Nội phục vụ phát triển du lịch

Du lịch di sản - thế mạnh của Hà Nội

Hà Nội sở hữu gần 6.000 di tích, hệ thống di tích này đã góp phần làm phong phú thêm bức tranh di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào để khai thác, đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến với Thủ đô. Có thể nói, Hà Nội là thành phố của di sản, nổi bật với giá trị khảo cổ học, các công trình kiến trúc cổ kính cùng dấu tích lịch sử, cách mạng.

Khai thác chuỗi di sản Thăng Long - Hà Nội
Ảnh minh họa: Bảo Thoa

Coi phát triển du lịch là cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong thời gian qua, nhiều di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều sản phẩm du lịch di sản như “Tuyến du lịch vàng Hà Nội” kết nối các điểm đến như hồ Hoàn Kiếm, khu phố cổ, di tích nhà tù Hỏa Lò, chùa Một Cột, các tour đi bộ “Đi tìm dấu ấn phố nghề Thăng Long”, “Hà Nội bộ hành”… gắn với các điểm đến thú vị như đình Đồng Lạc, cầu Long Biên, tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội… và nhiều tour du lịch khác.

Khu di sản Hoàng thành Thăng Long có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Những năm gần đây, tiềm năng này được “đánh thức” thông qua một số tour, tuyến du lịch di sản, chương trình trải nghiệm giá trị văn hóa kiến trúc, lịch sử. Tour tham quan tổng thể di sản Hoàng thành Thăng Long, tour du lịch tâm linh, tham quan thềm điện Kính Thiên, Hậu Lâu và Bắc Môn, dâng hương tưởng nhớ 52 vị vua các triều đại… dành cho người trung niên, cao tuổi, qua đó có cái nhìn tổng thể về di sản.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn có tour khám phá Hoàng thành về đêm kết hợp thưởng thức chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc biệt tại di chỉ khảo cổ 18 Hoàng Diệu; tour du lịch ngoài giờ cùng các hoạt động văn hóa, lễ hội chuyên đề hằng tháng, hằng quý và vào dịp lễ, Tết… Những tour khám phá văn hóa, lịch sử độc đáo không nằm ngoài mục đích làm tăng sức quyến rũ của một trong những điểm du lịch di sản giàu tiềm năng. Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi có hơn 3 triệu lượt du khách tới tham quan mỗi năm.

Nhiều nhà quản lý du lịch Hà Nội cho rằng, yếu tố cốt lõi để đưa di sản tới gần hơn với du khách là các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng. Quá trình khai thác du lịch cần được gắn kết với bảo tồn giá trị truyền thống, xây dựng chương trình phù hợp với từng đối tượng khách.

Thực tế minh chứng di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn vô cùng tận cho điểm đến du lịch. Di sản văn hóa là động cơ, là duyên cớ thôi thúc chuyến đi, là môi trường tương tác và là những trải nghiệm đáng giá cho du khách, qua đó trở thành tài nguyên, nguồn lực chiến lược cho phát triển du lịch. Điều đó mang lại không chỉ những kết quả tăng trưởng lan tỏa nhiều mặt về kinh tế - xã hội, mà còn bảo tồn chính di sản văn hóa.

Phát huy thế mạnh chuỗi di sản 1010 năm Thăng Long

Có thể thấy, khu di sản Thăng Long gắn với quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đang khẳng định là chuỗi sản phẩm quan trọng của Hà Nội.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long xưa. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích của Việt Nam. Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 – 1945).

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: ”Để thực hiện mục tiêu vừa kích cầu du lịch, vừa bảo vệ di sản, ở góc độ du lịch, thành phố Hà Nội cần chú trọng công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và giữ gìn giá trị nguyên bản đối với chuỗi di sản 1010 năm Thăng Long. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư đồng bộ để mỗi di sản trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn gồm hạ tầng - dịch vụ - tổ chức dịch vụ - quản lý điểm đến đảm bảo an ninh, an toàn; đồng thời phải tạo sự nhận thức đúng của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư để người dân hiểu được giá trị của văn hóa, trực tiếp tham gia vào quá trình bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, bởi bản thân người dân cũng là người được hưởng lợi từ các di sản đó. Ngoài ra, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng rất quan trọng, do đó phải có sự kết nối để tạo ra sức mạnh tổng hợp và sự lan tỏa trong việc coi phát triển du lịch là cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tăng sự hưởng lợi của cộng đồng, doanh nghiệp từ du lịch, từ đó mang lại sức sống cho di sản, thúc đẩy du lịch phát triển”.

Việc phát lộ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long năm 2002 (tại 18 Hoàng Diệu – Ba Đình, nay được gọi là Khu Di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu) đã hiện ra diện mạo rõ nét và vẹn nguyên của Hoàng thành Thăng Long nằm ẩn sâu trong lòng đất. Ở đó có đầy đủ các tầng văn hóa – kiến trúc đúng như lịch sử đã ghi lại. Đây thực sự là một di sản kiến trúc quý báu – dẫu chỉ là phế tích, nhưng lại có ý nghĩa nhất của 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trước đó, có những kiến trúc có tuổi hơn tuổi kinh thành Thăng Long, đa phần là đình, chùa, đền, miếu. Cổ xưa nhất và còn hiện hữu tới giờ là chùa Trấn Quốc, được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544-548), chùa Một Cột (thời Lý thế kỷ 11), chùa Láng và chùa Kim Liên (thời Lý thế kỷ 12)…

Thành Thăng Long không còn, nhưng Thăng Long Tứ Trấn vẫn đang là những ngôi đền linh thiêng của Thủ đô, trấn giữ bốn phía, đó là Đền Bạch Mã ở phía Đông, Đền Voi Phục ở phía Tây, Đền Kim Liên ở phía Nam và Đền Quán Thánh ở phía Bắc. Trong những kiến trúc và quần thể kiến trúc đình, chùa, đền, miếu còn lại của Thăng Long – Hà Nội thì Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những quần thể có giá trị nhất và vẹn toàn nhất, dù cũng bị phá hủy bởi chiến tranh và được tu sửa qua nhiều lần.

Chia sẻ với báo Lao động Thủ đô, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định: Hà Nội là thủ đô có lịch sử phát triển lâu đời với 1010 năm tuổi, truyền thống văn hóa đa dạng và giàu bản sắc. Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, nhất là với sản phẩm du lịch văn hóa. Do đó, chuỗi di sản 1010 năm Thăng Long của Thủ đô Hà Nội có giá trị quan trọng về lịch sử, cách mạng, nổi bật về văn hóa, gắn với quá trình xây dựng kinh đô Thăng Long và công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước của cha ông ta, là nguồn tài nguyên du lịch dồi dào để khai thác trở thành điểm đến du lịch đặc thù thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thủ đô.

Chủ trương phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã được thể hiện trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch văn hóa vì vậy là một dòng sản phẩm chủ đạo của du lịch Việt Nam, như tham quan di tích lịch sử văn hóa, hệ thống bảo tàng, các công trình văn hóa, hoạt động nghệ thuật...

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này