Hà Nội ơi nhớ về mùa Thu tháng Mười...

21:36 | 13/10/2020
(LĐTĐ) Đặt chân đến Hà Nội, ai cũng có cảm giác tự hào về Thủ đô của Tổ quốc. Bởi Hà Nội không chỉ là trái tim của đất nước, mà còn là nguồn cội của sự kết nối giữa tấm lòng với tấm lòng, giữa trái tim với trái tim. Bởi Hà Nội là quê hương thân thương kiêu sa nhưng bình dị trong mỗi trái tim người dân đất Việt.
Phát huy giá trị khu phố cổ Hà Nội trong thời đại 4.0 Giá trị di sản của khu Phố cổ Hà Nội phục vụ phát triển du lịch

1. Ngót 30 năm trước, lần đầu tiên tôi đặt chân đến Hà Nội vào chiều cuối tuần của mùa Thu tháng Mười. Khi đó tôi học viên sĩ quan Trường sĩ quan Chính trị - Quân sự Bắc Ninh - Hà Bắc.

Sau khi bắt xe ca từ Thành nhà Hồ (nơi Trường sĩ quan Chính trị đóng quân) và hành trình hơn 1 tiếng đồng hồ, xe “thả” tôi ở phố Hàng Đậu. Hà Nội với tôi lúc đó xa lạ nhưng có cái gì đó man mác thân quen. Tôi hỏi bác bán bánh mì rong: “Cho cháu hỏi đường về quận Đống Đa ạ?". “Cháu đến bến tàu điện nhé. Họ sẽ đưa cháu đến Gò Đống Đa”. Theo hướng dẫn của bác bán bánh mì, tôi bước lên tàu điện vừa mừng vừa lo. Mừng vì sẽ đến được nhà người cậu ruột em mẹ, lo vì sợ bị “bắt nạt”.

Hà Nội ơi nhớ về mùa Thu tháng Mười...
Hồ Gươm trầm mặc sớm mùa Thu

Tàu điện dừng ở Gò Đống Đa. Theo địa chỉ ghi trong tờ giấy nhỏ, tôi tìm đến Ngõ 4 phố Tây Sơn. Lạ lẫm, hồi hộp và chút lo âu là cảm giác lúc đó. Tôi hỏi người bán hàng dưa muối đầu ngõ 4: “Bác ơi cháu hỏi số nhà 24B ạ”. “Cháu đi đến ngã ba, rẽ trái, rồi rẽ phải chừng 100 mét là đến số nhà 24B”- bác bán hàng dưa tận tình chỉ đường. Vừa đi, vừa dò số nhà, cuối cùng tôi cũng đến được căn nhà ấy. Chủ căn nhà là ông Nghiêm Quang Vinh- người cậu em ruột mẹ tôi quê gốc xứ Thanh. Sau 7 năm học ở Liên Xô, cậu tôi về Hà Nội mưu sinh và lập nghiệp. Căn nhà 16 mét vuông cậu mua 7.400 đồng Việt Nam đồng lúc đó.

Vật dụng gì cũng nhỏ, cũng bé nhưng gọn gàng; người nói năng lịch sự và ân cần, đó là cảm tình và ấn tượng đầu tiên với tôi về đất và người Hà Nội. Là trai tỉnh lẻ ra thị thành, nhìn phố phường tấp nập, những hàng cây xanh cao vút, mọi cái đều xinh xắn, tôi tự nhủ, bao giờ xứ Thanh mới được như Hà Nội.

Hà Nội ơi nhớ về mùa Thu tháng Mười...
Bà Lê Thị Tâm (Mười Đào) cùng cháu nội trên phố Phan Đình Phùng

Ngày hôm sau, người em con cậu chở tôi đến Hồ Gươm- nơi mà tôi chỉ biết qua ảnh nhỏ. Lần đầu tiên đứng trên cầu Thê Húc chụp tấm ảnh làm kỷ niệm, trong lòng tôi dâng lên niềm kiêu hãnh chen lẫn xúc động. Tôi bắt đầu cảm nhận về Hà Nội “sâu hơn” từ trái tim. Người em họ bảo: “Ai lần đầu đến Hồ Gươm đều có cảm xúc như vậy anh ạ. Anh cứ tự nhiên chụp ảnh nhé”.

Tháng 10 năm 1994 tôi ra trường và được điều đi Nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ. Những đêm gác nơi đầu sóng ngọn gió khiến nỗi nhớ đất liền cồn cào gan ruột. Trong miền nhớ miên man, tôi nhớ về Hà Nội, về cái lần đầu tiên đi xe tàu điện và ăn gói xôi khúc vội giữa trưa thu. Lật dở cuốn album tìm tấm ảnh ngày xưa, bao xúc động ùa về trong tiềm thức. Tấm ảnh ấy giờ đã ngót 30 năm.

Hà Nội ơi nhớ về mùa Thu tháng Mười...
Tác giả trên cầu Thê Húc mùa Thu năm 1992. Ảnh: Minh Long

2. Những ngày này Hà Nội tưng bừng rực rỡ cờ hoa chào mừng 1010 năm Thăng Long Hà Nội. Trên khắp nẻo đường góc phố miền quê, ở đâu cũng giấy lên hào khí Thăng Long ngàn năm vạn vật. Người Hà Nội kiên cường trong chiến đấu, thanh lịch trong thời bình; đất Hà Nội linh thiêng, trời Hà Nội thanh bình, cảnh Hà Nội an bình lãng mạn.

Còn chúng tôi - những người đến từ miền đất phương Nam quanh năm nắng gió thầm cảm ơn Hà Nội. Bởi đất và người nơi này là nguồn cội kết nối những tấm lòng và triệu trái tim trên mọi miền Tổ quốc. Dù thời gian có biến đổi thăng trầm, dù đất trời có xoay vần vạn vạt, Hà Nội vẫn mãi là quê hương chung của người dân đất Việt.

Hà Nội ơi nhớ về mùa Thu tháng Mười...
Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bài ảnh, Mai Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này