Xây dựng đô thị văn minh hiện đại

Kỳ II: Kiến tạo đô thị thông minh

20:14 | 09/10/2020
(LĐTĐ) Quá trình, đô thị hóa của Hà Nội những năm gần đây đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng để lại không ít thách thức, trong bối cảnh như vậy, việc xây dựng một thành phố thông minh đảm bảo các yếu tố bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một yêu cầu cấp thiết.
Kỳ I: Những đột phá về kết cấu hạ tầng của Thủ đô Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển Thủ đô Hướng đi nào cho những tuyến phố “kiểu mẫu”?

Thành phố tiên phong

Có thể nói Hà Nội là một trong những thành phố tiên phong trong việc cụ thể hóa đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, thành phố Hà Nội đã phê duyệt, kèm theo cơ chế đặc thù để phát triển thành phố thông minh dọc hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đường Võ Nguyên Giáp).

Sau khi có quy hoạch, nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào phát triển khu vực này với các dự án tầm cỡ khu vực. Điển hình như dự án Công viên giải trí Kim Quy (Tập đoàn Sun Group), Trung tâm hội chợ - triển lãm quốc gia (Tập đoàn Vingroup), Tổ hợp y tế TH (Tập đoàn TH Group).

Đặc biệt, dự án Thành phố thông minh do Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation (Nhật Bản) thực hiện đã động thổ vào tháng 10/2019. Dự án có tổng mức đầu tư gần 4,2 tỷ USD, trên tổng diện tích 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Toàn bộ dự án sẽ được triển khai theo 5 giai đoạn, giai đoạn cuối dự kiến hoàn thành vào năm 2028.

Kỳ II: Kiến tạo đô thị thông minh
Hà Nội là một trong những thành phố tiên phong trong việc xây dựng đề án đô thị thông minh. (Ảnh: Minh Phương)

Để thúc đẩy dự án Thành phố thông minh sớm thành hiện thực, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lần thứ 23 vừa được tổ chức, thành phố Hà Nội cũng đã thông qua chủ trương điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại khu vực giai đoạn 1 và một phần giai đoạn 2 của dự án thuộc xã Hải Bối, huyện Đông Anh. Hiện các cơ quan liên quan đang khẩn trương hoàn thiện các nội dung tiếp theo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm tạo dựng một không gian đô thị hiện đại mới, khu vực đặc thù nơi cửa ngõ phía Bắc Thủ đô là rất cần thiết. Hơn nữa đây là một dự án trọng điểm phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng thì nên có chính sách ưu đãi và có điều chỉnh quy hoạch.

Thách thức từ các vấn đề cố hữu

Một trong những chủ đề được quan tâm trong đề án “Đô thị thông minh” đó là việc giảm áp lực ùn tắc giao thông, áp dụng khoa học công nghệ với các nền tảng số để hỗ trợ cho phát triển đô thị.

Để làm được điều này, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án giao thông thông minh trong tổng thể Đề án thành phố thông minh. Những tiền đề cho việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh đã được triển khai, gồm: Lắp đặt hơn 400 camera giám sát tại 200 nút giao thông; lắp thiết bị giám sát hành trình cho các phương tiện vận tải hành khách công cộng, xe hợp đồng; ứng dụng hệ thống điểm đỗ xe, thu tiền dịch vụ qua thiết bị di động (iParking)…

Kỳ II: Kiến tạo đô thị thông minh
Hà Nội vẫn đang đối diện nhiều thách thức để xây dựng được đề án giao thông thông minh. (Ảnh: Minh Phương)

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết, đơn cử như sớm xây dựng khung kiến trúc và hệ thống văn bản pháp quy đầy đủ, đồng bộ để định hướng đầu tư, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc,Thủ đô Hà Nội đã tạo lập được một số không gian cảnh quan tiêu biểu, được đánh giá rất cao như Không gian Hoàng thành Thăng Long, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận... Với lợi thế của Thủ đô có quỹ di sản đô thị phong phú và việc tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Hà Nội sẽ rất thuận lợi để thực hiện yêu cầu này.

Do đó, từ thực tế này, nhiều chuyên gia nhất trí cho rằng, để xây dựng một đô thị thông minh cần rất nhiều yếu tố, ở đó không chỉ là việc tạo dựng môi trường sống hiện đại, tiện ích cho người dân, môi trường làm việc cởi mở, thân thiện; áp dụng các công nghệ khoa học vào hoạt động quản lý mà còn cần phải giải quyết nhiều vấn đề cố hữu đang tồn tại tại các đô thị như: Ùn tắc giao thông, khói bụi…

(Còn nữa)

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này