Phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội

20:50 | 08/10/2020
(LĐTĐ) Sáng 8/10 tại Hà Nội, Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội di sản văn hoá Thăng Long và Hội quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội tổ chức Hội thảo “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu phố cổ Hà Nội trong tiến trình phát triển Thăng Long - Hà Nội”
Tết Trung thu truyền thống trong không gian Phố cổ Hà Nội Nhiều cửa hàng ở phố cổ Hà Nội treo biển “giảm giá, trả mặt bằng” Đón "Tết phố" đặc sắc ngay tại Phố cổ Hà Nội

Khu Phố cổ Hà Nội có vị trí đặc biệt trong nội đô lịch sử và cả Thủ đô Hà Nội, là một Di sản đô thị có kiến trúc độc đáo, với các phố nghề thủ công truyền thống, phố chuyên kinh doanh, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc gắn liền với lịch sử của vùng đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu Phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của các thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền với nguồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng và đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2004.

Phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội
Ong Dương Đức Tuấn -Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Đức Tuấn -Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, giá trị của Di sản được thể hiện trong tổng hòa cả kinh tế, văn hóa, xã hội và nhất là cấu trúc không gian đô thị và công trình kiến trúc có giá trị.

Trong quá trình xây dựng và phát triển của Thủ đô, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm luôn coi trọng và xác định việc gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội. Coi đây nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả cộng đồng mang tầm quốc gia, quốc tế nhằm giải quyết hài hòa giữa bảo tồn giá trị truyền thống và phát triển kinh tế, xã hội.

“Các dự án nghiên cứu và các hoạt động quản lý di sản đôi thị triển khai trong thời gian qua đều thực hiện trên tinh thần vừa gìn giữ, bảo tồn giá trị truyền thống, vừa tiếp thu chon lọc để phát triển những giá trị về kinh tế, văn hóa, xã hội hướng tới cải thiện điều kiện sống cho người dân trong khu Phố cổ Hà Nội”, ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

Phát huy giá trị di sản khu Phố cổ Hà Nội
Hội thảo đã tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động về bảo tồn, phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội

Tại hội thảo, Bản quản lý phố cổ, các cơ quan chức năng đã tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động về bảo tồn, phát huy giá trị khu Phố cổ Hà Nội, trong đó tập trung vào giai đoạn 25 năm qua; đổi mới nhận diện về giá trị di sản của khu Phố cổ, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Đồng thời tuyên truyền, quảng bá tới các tổ chức, cá nhân những giá trị di sản tiêu biểu của khu Phố cổ Hà Nội.

Nói về việc quy hoạch phố cổ với quy hoạch Thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 có định hướng đối với khu vực nội đô lịch sử đặc biệt là khu Phố cổ cần cải tạo chỉnh trang để gìn giữ phát huy các giá trị đô thị lịch sử, bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.

Đặc biệt, không phát triển công trình cao tầng, giảm mật độ xây dựng và mật độ cư trú; bảo tồn đặc trưng, cấu trúc đô thị cũ và bảo vệ phát huy giá trị cảnh quan các công trình kiến trúc có giá trị văn hoá, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc đặc trưng qua các thời kỳ phát triển xây dựng Thủ đô.

"Các di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc, tôn giáo tín ngưỡng có giá trị cần được khoanh vùng bảo vệ và có quy định kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động bảo tồn, xây dựng hoặc các hoạt động khác có liên quan”, ông Nguyễn Trúc Anh cho biết.

Khu Phố cổ Hà Nội đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể (121 di tích, gồm 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng và 8 di tích khác; hiện có 25 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo, miếu, am...cũng như các giá trị phi vật thể đa dạng, hấp dẫn đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này