Xây dựng đô thị văn minh hiện đại:

Kỳ I: Những đột phá về kết cấu hạ tầng của Thủ đô

18:13 | 08/10/2020
(LĐTĐ) Những kết quả tích cực sau gần 5 năm thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020” đã tạo ra những chuyển biến rõ nét tại các quận, huyện. Đây là cơ sở quan trọng để các đơn vị tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Hướng đi nào cho những tuyến phố “kiểu mẫu”? Duy trì nề nếp các tuyến phố văn minh đô thị Chung tay xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại

Phát triển hạ tầng khung

Hạ tầng khung là hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị, gồm các trục giao thông, tuyến truyền dẫn cấp nước, thoát nước, viễn thông... Việc phát triển hạ tầng khung sẽ quyết định đến kết nối của một vùng, một địa phương. Do tính chất quan trọng như vậy nên trong những năm vừa qua, thành phố Hà Nội đã tập trung nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng khung, tạo bộ mặt đô thị đồng bộ, hiện đại giúp nâng cao đời sống của người dân Thủ đô.

Nổi bật là công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông đô thị trong những năm qua luôn được thành phố đặc biệt chú trọng. Thành phố xác định danh mục 55 dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành, như: Cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái; nút giao Cổ Linh; cầu vượt An Dương - đường Thanh Niên, mở rộng đường Phạm Văn Đồng...; 20 dự án đã hoàn thiện thủ tục, chuẩn bị triển khai.

Kỳ I: Những đột phá về kết cấu hạ tầng của Thủ đô

Trong Chương trình 06, Thành ủy Hà Nội xác định rõ những khâu cần đột phát trong kết cấu hạ tầng khung (ảnh: Minh Phương).

Thành phố cũng hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông khung của khu vực đô thị trung tâm; đồng thời, hoàn thành nhiều dự án giao thông phục vụ đối ngoại, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận. Tính đến hết tháng 6/2020, diện tích đất đô thị dành cho giao thông đạt tỷ lệ 9,89%, dự kiến hết năm 2020 đạt 10,03% (năm 2015, tỷ lệ này là 8,65%).

Cùng với đó, vận tải hành khách công cộng được quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến nay, toàn mạng lưới xe buýt có 127 tuyến (năm 2015 có 91 tuyến), trong đó có 103 tuyến trợ giá; bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã.

Hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn bằng đường sắt đô thị từng bước được đầu tư. Trong đó, 2 tuyến đường sắt đô thị hướng tâm: Tuyến số 02A Cát Linh - Hà Đông đang khẩn trương hoàn thành; tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và đoạn ngầm năm 2022.

Chuyển biến tích cực

Cùng với Chương trình số 06-CTr/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố đã kịp thời ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ khó, phức tạp như: Giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường; quản lý, vận hành nhà chung cư; bảo đảm trật tự văn minh đô thị... Qua đó huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, tạo chuyển biến tích cực trong nhiều lĩnh vực.

Để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thường xuyên đôn đốc tiến độ các dự án cấp nước đã được giao thực hiện. Đến nay, tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch đạt gần 100% với lượng cấp nước đạt khoảng 100-150 lít/người/ngày. Tại khu vực nông thôn, hệ thống mạng cấp nước đã hoàn thành có khả năng đấu nối cấp nước đạt trên 75% số hộ dân khu vực nông thôn.

Thành phố cũng quan tâm đã chỉ đạo kiểm tra công tác duy trì hệ thống thoát nước và các công trình cải tạo chống úng ngập cục bộ, các gói thầu duy trì thoát nước và vận hành nhà máy xử lý nước thải; đôn đốc Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác xử lý ô nhiễm môi trường nước các hồ, ao trên địa bàn quản lý theo phân cấp (xử lý ô nhiễm hồ, nạo vét hồ…). Đôn đốc các đơn vị thoát nước thực hiện công tác duy tu, duy trì hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn.

Kỳ I: Những đột phá về kết cấu hạ tầng của Thủ đô
Diện mạo Thủ đô đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. (ảnh: Minh Phương).

Đối với quản lý chất thải sinh hoạt, thành phố Hà Nội đã thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội làm cơ sở quản lý phân luồng, xây dựng các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt, các trạm trung chuyển, cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt có phát điện tại Nam Sơn (4000 tấn/ngày), Xuân Sơn.

Thành phố đã tập trung nguồn lực kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại: Châu Can, huyện Phú Xuyên (800 tấn/ ngày); Phù Đổng, huyện Giam Lâm (1200 tấn/ ngày) và Đồng Ké, huyện Chương Mỹ (1500 tấn/ ngày). Xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn xây dựng theo công nghệ hiện đại, phân loại, nghiền, tái chế sản phẩm sau xử lý tại các cửa ngõ Thủ đô. Xây dựng và thực hiện phương án phân loại rác thải sinh hoạt phù hợp với công nghệ xử lý. Áp dụng cơ giới hoá trong thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.

Nhằm góp phần nhân lên những lá phổi xanh trên địa bàn, thành phố đã hoàn thành trồng thêm 600.000 cây xanh trong năm 2020, nâng tổng số cây xanh được trồng mới trong thời gian vừa qua lên 1.600.000 cây góp phần cải tạo nâng cấp các công viên, vườn hoa, sân chơi. Ngoài ra, Thành phố cũng đã chỉ đạo các Sở, ngành tích cực, chủ động phối hợp với Tổng công ty Điện lực Hà Nội, các doanh nghiệp viễn thông và đơn vị liên quan triển khai hoàn thành hạ ngầm dây điện lực, dây thông tin. Kết quả 3 tháng đầu năm 2020 đã hoàn thành hạ tầng 10 tuyến (địa bàn quận Hai Bà Trưng); đã cắt dây hạ cột 7 tuyến; đang thi công 8 tuyến.

Về kết quả thực hiện các chỉ tiêu chương trình, theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong, đến nay, có 6/9 chỉ tiêu hoàn thành và cơ bản hoàn thành; trong đó 2 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức là chương trình trồng 1 triệu cây xanh về đích sớm 2 năm và chỉ tiêu cấp nước sạch nông thôn đạt 78% (vượt mức đề ra là 50%). Thành phố đang tập trung chỉ đạo hoàn thành 3 chỉ tiêu còn lại trong năm 2020 (tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng; diện tích đất dành cho giao thông; tỷ lệ cụm công nghiệp đã hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung), tạo tiền đề để Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại trong giai đoạn tới.

(Còn nữa)

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này