Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy: Những dấu ấn về văn hóa

09:41 | 09/10/2020
(LĐTĐ) Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là 1 trong 8 chương trình lớn của Thủ đô nhiệm kỳ XVI Đảng bộ Thành phố. Đây là chủ trương đúng đắn của Hà Nội để trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, xứng tầm với vị thế là Thủ đô của đất nước.
Nâng tầm lãnh đạo của Đảng: Nhìn từ Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Tiếp tục thực hiện hiệu qủa Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội

Chú trọng công tác phát triển văn hóa - xã hội

5 năm qua, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã được chỉ đạo thực hiện một cách tập trung, đồng bộ. Những chủ trương, chính sách của Trung ương và Thành phố về văn hóa và con người đã đi vào thực tiễn cuộc sống với những cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp, tạo động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy: Những dấu ấn về văn hóa
Điểm nhấn trong phát triển văn hóa, thể dục - thể thao trong nhiệm kỳ qua là tại các công viên, vườn hoa, nơi công cộng Thành phố đều trang bị hệ thống tập thể dục cho người dân.

Các chỉ tiêu của Chương trình đều đạt so với kế hoạch đề ra, cao hơn so với cùng kỳ của nhiệm kỳ trước (giai đoạn 2011 - 2015). Các chỉ tiêu của Chương trình đã về đích là chỉ tiêu về tỷ lệ xã có điểm luyện tập thể dục thể thao theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cuối kỳ; tỷ lệ trẻ em 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân dưới 8,5%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn mới.

Đáng chú ý, công tác văn hóa xã hội được chú trọng phát triển. Các thiết chế văn hóa từ Thành phố đến cơ sở được quan tâm đầu tư, đặc biệt là thiết chế văn hóa ở thôn, làng. Toàn Thành phố có 23 thiết chế văn hóa cấp Thành phố; 32 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện; 150/584 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn; 4.061/7.978 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng thôn, tổ dân phố. Công tác quản lý nhà nước về di sản ngày càng được tăng cường. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị trở thành những điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh. Hà Nội đã tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn thường niên, đặc trưng tại Thủ đô góp phần thúc đẩy du lịch phát triển, như: Lễ hội hoa Anh đào Nhật Bản; Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội; Chương trình hòa nhạc Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert; Liên hoan Múa rối Quốc tế lần thứ V tại Hà Nội;… Thành phố cũng đã tổ chức tốt phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, nay đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật được đưa vào phục vụ Nhân dân, du khách.

Song song với đó, công tác đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được coi trọng. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục và thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô đã có hướng đi mới, trong công tác dạy nghề thực hiện đào tạo gắn với doanh nghiệp của các trường dạy nghề công lập, xây dựng trường chất lượng cao, nghề trọng điểm trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Hà Nội cũng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức theo hướng trang bị kỹ năng, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ, mời giảng viên là các chuyên gia ngoài nước giảng dạy, kết hợp bồi dưỡng thực tế nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, từng bước đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử bài bản, rộng khắp

Đặc biệt, công tác xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh triển khai có trọng tâm, trọng điểm.Nhiều giải pháp cụ thể bước đầu đạt hiệu quả, với nhiều mô hình, sáng kiến hay như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội; ban hành và triển khai các quy tắc ứng xử; đưa vào giảng dạy bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh; thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh”...

Trong đó, việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử đã ngày càng bài bản, rộng khắp; xây dựng được nhiều mô hình trong thực hiện quy tắc ứng xử như giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ quan văn hoá, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư. Tinh thần, thái độ và phong cách phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức có chuyển biến rõ nét, cơ bản không có các vụ việc phản ánh trên thông tin đại chúng. Nội dung quy tắc ứng xử đã được cộng đồng đón nhận và tích cực triển khai. Đến nay, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội đã có ý thức hơn và tiếp tục duy trì việc chấp hành nghiêm quy định về thời gian làm việc, sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả…

Trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, các địa phương đã có nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả tích cực như: Mô hình chung cư văn hoá, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung; mô hình đoàn xe tuyên truyền lưu động về ứng xử văn hoá, vệ sinh môi trường, chấp hành giao thông; mô hình hướng dẫn nhân dân, tiểu thương khu phố cổ thân thiện với du khách, không chèo kéo, tăng giá, ép du khách sử dụng dịch vụ; mô hình tuyên truyền cho tiểu thương giao tiếp thân thiện khi mua, bán hàng hoá, niêm yết giá, nguồn gốc sản phẩm, không sử dụng hoá chất độc hại; mô hình hướng dẫn nhân dân chấp hành luật giao thông, thân thiện, nhường nhịn khi có va chạm trên đường; mô hình thôn, tổ dân phố không có tệ nạn xã hội, môi trường sạch đẹp,…

Đặc biệt, nổi bật trong tuyên truyền quy tắc ứng xử trong các cấp hội là việc triển khai hội thi tìm hiểu Quy tắc ứng xử nơi công cộng, đến nay, đã có 409/409 cơ sở Hội tổ chức hội thi, trong đó, hình thức sân khấu hoá có 126 cơ sở, chiếm 30,8% số cơ sở đã tổ chức. Các cấp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều mô hình thực hiện quy tắc ứng xử có hiệu quả như: Đoạn đường tự quản, Đường hoa tự quản, Biến điểm chân rác thành vườn hoa, Sạch đồng ruộng, Chống rác thải nhựa, Tổ ngành hàng nói không với túi nilon, Phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ,…

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cho biết, trong thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị cần nhìn nhận đầy đủ, khách quan và quan tâm khắc phục những mặt còn hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chương trình, như: Một số dự án chậm tiến độ và không có khả năng hoàn thành; công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực văn hóa, gồm hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hóa… còn hạn chế; một số dự án xây dựng trường học chưa đúng tiến độ; kết quả thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các địa phương chưa đồng đều, sự chuyển biến trong ứng xử của người dân tại nơi công cộng chưa thực sự rõ nét…

Trên cơ sở đó, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu 5 nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới. Một là, tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong duy trì thực hiện các nội dung của Chương trình. Hai là, gắn phát triển kinh tế – xã hội với phát triển văn hóa, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của Chương trình.Ba là, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cần được tăng cường; bảo đảm việc tổ chức các ngày lễ lớn đúng với yêu cầu của trung ương và thành phố. Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả các quy tắc ứng xử của thành phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Năm là, hệ thống thông tin tuyên truyền, nhất là các cơ quan thông tấn, báo chí của thành phố cần chủ động làm tốt hơn nữa công tác thông tin, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa trong thực hiện các nội dung của Chương trình./.

Bùi Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này