Mong được làm “công nhân”

10:29 | 06/10/2020
(LĐTĐ) Mặc dù nghị quyết Đại hội Khóa XII đề ra mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, hiện đại, tuy nhiên trong công tác giáo dục - đào tạo thời gian qua đang xảy ra nghịch lý: Học sinh tốt nghiệp cấp 3 “đổ xô” thi, xét tuyển vào đại học. Học trường nào, ngành nào cũng được miễn phải là đại học. Vì thế, chỉ trong vòng 30 năm, số lượng các trường đại học mọc lên rất nhiều, còn số các trường dạy nghề thì teo tóp. Nay dường như gió đang đổi chiều…
Tự hào là người công nhân vệ sinh môi trường Đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho công nhân dệt may
Mong được làm “công nhân”
Công nhân có trình độ tay nghề ngày càng được doanh nghiệp tuyển dụng (Ảnh minh họa).

Khi đất nước còn trong đêm đen nô lệ, chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh là một trong những người cổ vũ cho phong trào “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, nói nôm na là “chấn hưng dân khí, cải thiện dân sinh”. Đặc biệt, ông rất quan tâm đến việc học nghề. Vì vậy, trong tác phẩm Tỉnh hồn ca, ông viết: “Ngồi thử nghĩ càng đau tấc dạ/Hỡi những người chí cả thương quê/Mau mau đi học lấy nghề/Học rồi, ta sẽ đem về dạy nhau”.

Theo quan niệm của Phan Châu Trinh học nghề là nhằm tạo ra của cải hàng hóa, đem buôn bán và cạnh tranh với nước ngoài: “Nghề càng ngày càng đua càng tới/Vật càng ngày càng mới dễ coi/Chở chuyên đi bán nước ngoài/Lợi trong đã được, lợi ngoài lại thêm”. Quan niệm về khai dân trí gắn với đào tạo nghề nghiệp để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh là một trong những những quan điểm đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.

Tuy nhiên, hơn 30 năm qua cùng với công cuộc đổi mới nền kinh tế, mở cửa và hội nhập, trong nhận thức và tư duy của nhiều phụ huynh, học sinh trường đại học mới là cái đích đến để phát triển sự nghiệp, công danh sau này. Chính vì thế, chỉ trong vòng 3 thập kỷ, trên địa bàn cả nước có hàng chục trường đại học, cao đẳng lớn, nhỏ ra đời.

Mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn sinh viên theo học. Và do cung vượt quá cầu, cũng chính mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên ra trường không tìm được việc làm, hoặc làm trái nghề. Số sinh viên thuộc các ngành khoa học xã hội thường đào tạo vượt quá nhu cầu của xã hội. Trong khi đó, do môi trường đầu tư thông thoáng, cộng với việc Đảng, Nhà nước “xóa bỏ” rào cản doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp dân doanh bằng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để giúp cộng đồng doanh nghiệp phát triển.

Nhờ đó, hơn 1 thập kỷ qua, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày một nhiều, số lượng doanh nghiệp trong nước thành lập mới ngày càng đông… dẫn đến thiếu hụt lao động. Đặc biệt là lao động có tay nghề. Trong khi sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, thì những học viên, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề (có chất lượng), các tu nghiệp sinh học ở nước ngoài về…thì “đắt như tôm tươi”. Theo thống kê, mức lương của những lao động có tay nghề dao động từ 8-15 triệu đồng/tháng, thậm chí không ít công nhân lương, thu nhập còn cao hơn!

Chính vì do nhu cầu việc làm, từ chỗ học sinh tư duy kiểu gì cũng phải cho được tấm bằng đại học, đổi trạng thái sang tư duy học để dễ kiếm việc làm, do đó trong kỳ tuyển sinh 2020, có đến 257.000 học sinh không đăng ký xét tuyển đại học. Điều này đồng nghĩa, số học sinh nộp đơn học trường nghề gia tăng đột biến.

Trước đây, khi nói đến hai từ công nhân, nhiều người nghĩ ngay là những lao động làm việc chân tay, công việc nặng nhọc, lại thu nhập thấp. Muốn sang, muốn có thu nhập cao phải là kỹ sư, cử nhân “ngồi bàn giấy” làm trong cơ quan Nhà nước hoặc tập đoàn, doanh nghiệp. Nhưng thực ra, công nhân là một khái niệm rộng, công nhân chính là những người lao động làm việc trong các phân ngành kinh tế.

Còn đối với công nhân thời cách mạng công nghiệp 4.0; thời công nghệ thông tin, nếu không có kỹ năng, trình độ chuyên môn, thậm chí cả ngoại ngữ thì khó lòng đáp ứng được. Công nhân ngày nay là những người có trình độ, biết vận hành trên hệ thống máy móc hiện đại, biết làm chủ công nghệ và họ chính là một trong những lực lượng tạo ra của cải cho xã hội, làm ra sản phẩm, lợi nhuận cho doanh nghiệp và tất nhiên sức lao động bỏ ra luôn được trả lương xứng đáng.

“Gió đã đổi chiều”, trong lúc chúng ta đang tiến hành công nghiệp hóa- hiện đại hóa, trong lúc chúng ta đang đi tắt, đón đầu để bắt nhịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, rất cần những công nhân, người lao động có tay nghề cao thì nhiều học sinh đã lựa chọn cho mình con đường học nghề là tín hiệu vui.

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này