Kiềm chế tai nạn giao thông: Bắt đầu từ ý thức

20:58 | 29/09/2020
(LĐTĐ) Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông cũng như thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra có nhiều diễn biến phức tạp. Một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn giao thông được xác định là do ý thức và văn hóa giao thông của một bộ phận người dân chưa cao. Hơn lúc nào hết, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông là việc làm thiết thực góp phần giảm tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng.
Phải xử nghiêm, phạt nặng! Tử vong do TNGT dịp nghỉ lễ chưa giảm sâu: Nhìn từ ý thức giao thông Chất lượng đường càng cao, ý thức lại càng giảm?

Nhiều cải thiện song vẫn nan giải

Thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã đạt được không ít kết quả rõ rệt. Tai nạn giao thông liên tục giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong khi ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn cũng từng bước được khắc phục.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình tai nạn giao thông từ ngày 15/8 đến 14/9, trên địa bàn cả nước có nhiều chuyển biến. Cụ thể, cả nước xảy ra 1.184 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 708 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 476 vụ va chạm giao thông, làm 534 người chết, 377 người bị thương và 505 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 9 giảm 11,9% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 1,4% và số vụ va chạm giao thông giảm 26,3%); số người chết giảm 5,2%; số người bị thương giảm 3,6% và số người bị thương nhẹ giảm 21,2%.

Kiềm chế tai nạn giao thông: Bắt đầu từ ý thức
Đường chỉ cho phép đi một chiều nhưng tại nút giao Trần Hưng Đạo - Yết Kiêu, nhiều phương tiện vẫn cố rẽ trái về đường Trần Hưng Đạo để ra Lê Duẩn, gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Giang Nam

Đáng chú ý, tình hình tai nạn giao thông trong 9 tháng giảm trên cả 3 tiêu chí được xác định do hiệu quả của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt và ảnh hưởng của giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Theo tính toán, trong 9 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 10.354 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 5.980 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 4.374 vụ va chạm giao thông, làm 4.876 người chết, 3.127 người bị thương và 4.482 người bị thương nhẹ.

So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 9 tháng giảm 18,3% (số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 11%; số vụ va chạm giao thông giảm 26,6%); số người chết giảm 13,8%; số người bị thương giảm 13,9% và số người bị thương nhẹ giảm 25,1%. Bình quân 1 ngày trong 9 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 38 vụ tai nạn giao thông, gồm 22 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 16 vụ va chạm giao thông, làm 18 người chết, 11 người bị thương và 16 người bị thương nhẹ.

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ví dụ như hạ tầng giao thông yếu kém, phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn kỹ thuật, thời tiết xấu… Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng vẫn là do lỗi chủ quan xuất phát từ ý thức tham gia giao thông và chấp hành luật giao thông của những người điều khiển phương tiện.

Minh chứng dễ thấy, trong các khu dân cư nội thành đặc biệt nổi cộm ở ngoại thành là tình trạng người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều, vuợt đèn đỏ, chạy xe quá tốc độ… Nghiêm trọng hơn, dù các ngành chức năng ráo riết và quyết liệt ngăn chặn song người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia thậm chí sử dụng ma túy vẫn còn tồn tại.

Bắt đầu từ ý thức của mỗi người

Khách quan nhìn nhận, Hà Nội là một đô thị đông dân cư với mật độ dân số lớn tại các địa phương trung tâm. Bởi vậy, nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, ngay tại Thủ đô, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân vẫn chưa cao. Tình trạng “leo vỉa hè”, vượt đèn đỏ… vẫn diễn ra phổ biến.

Trên nhiều trục giao thông của Thủ đô, vào thời điểm tan tầm, các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy đổ ra đường, diện tích mặt đường có hạn, dẫn đến nhiều xe máy đi lên vỉa hè – không gian chỉ dành riêng cho người đi bộ. Đáng nói, theo nhiều chuyên gia giao thông, hành vi leo xe lên vỉa hè, lấn làn, vượt đèn đỏ… đôi khi còn là hiệu ứng đám đông theo kiểu “anh đi được, tôi cũng đi được”.

Kiềm chế tai nạn giao thông: Bắt đầu từ ý thức
Hội thi Lái xe mô tô giỏi, an toàn do Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Nội tổ chức thường niên góp phần nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho công nhân viên chức lao động. Ảnh: Giang Nam

Nói cách khác, nhiều người tham gia giao thông theo tâm thế bị động, chịu tác động của hiệu ứng đám đông. Họ không hiểu được rằng, nếu đi đúng làn đường, đúng chỉ dẫn của cảnh sát giao thông thì vấn đề tắc đường sẽ được giải quyết nhanh hơn so với hành vi lấn làn, luồn lách, leo vỉa hè...

Trở lại câu chuyện kiềm chế tai nạn giao thông, chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để đảm bảo an toàn giao thông?” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp tổ chức, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, có rất nhiều giải pháp giúp đảm bảo an toàn giao thông. Trước tiên, cần làm tốt các chính sách pháp luật và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật có tính chất then chốt.

Bên cạnh việc nâng mức xử phạt tạo sự răn đe thì nên tham khảo hình thức xử phạt ở một số nước như lao động công ích, phạt tù ngắn hạn đối với một số hành vi. Ví dụ như điều khiển ô tô nguy cơ gây chết nhiều người, điều khiển xe quá tải trọng từ 100% trở lên gây ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông.

Rõ ràng, xã hội ngày càng phát triển, một trong những hành động nhỏ bé góp phần gìn giữ và đóng góp cho sự phát triển đó đôi khi chỉ đơn giản là việc mỗi cá nhân hãy có ý thức khi tham gia giao thông. Hơn hết, bản thân mỗi người cần xác định xây dựng văn hóa giao thông chỉ đơn giản là tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông như một chuẩn mực đạo đức và là biểu hiện văn minh của con người khi tham gia giao thông.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này