Dành trọn tình thương cho trẻ khuyết tật

18:32 | 29/09/2020
(LĐTĐ) Từ nhiều năm nay, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn tại trường, cô giáo Lê Thị Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) còn nhiệt huyết với công việc truyền con chữ, mang ánh sáng tri thức và niềm hy vọng đến những trẻ em khuyết tật, không có khả năng học tập tại các lớp học bình thường.
Cô giáo người H’Mông giữ nghề truyền thống Những cô giáo một lòng hướng về đảo xa Cô giáo mầm non yêu trẻ bằng cả tấm lòng

Không có tiếng trống trường rộn rã, không có khuôn viên rực rỡ ngàn hoa, lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan đã duy trì như vậy trong bao năm qua, bình dị giữa xóm làng Đông Cựu (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).

Từ nơi này, nhiều trẻ em kém may mắn, khiếm khuyết không thể hòa nhập với cộng đồng đã biết đọc, biết viết, biết ca hát, biết vâng lời và nhiều phụ huynh đã rơi nước mắt khi chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của con em mình.

Dành trọn tình thương cho trẻ khuyết tật
Cô giáo Lê Thị Hòa hướng dẫn học trò viết chữ

“Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Bố mẹ tôi là trẻ mồ côi, không biết chữ. Khi nuôi dạy chúng tôi khôn lớn, bố mẹ tôi luôn nhắc nhở các con hãy làm tốt những gì có thể để giúp cho những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình” - cô giáo Lê Thị Hòa bắt đầu câu chuyện của mình như thế.

Cô Hòa kể, năm 1993, khi vừa ra trường, cô được phân công về công tác tại Trường Tiểu học Trường Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ). Tại đây, cô tham gia giảng dạy ở lớp học tình thương do trường mở cho 9 học sinh bị nhiễm chất độc da cam. Các em ở lứa tuổi từ 12 đến 17, không có khả năng theo học tại lớp học hòa nhập nhưng đều rất ham học và muốn được đi học như các bạn bè bình thường khác. Đến năm 1997, cô Hòa chuyển công tác về Trường Tiểu học Đông Sơn (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) và lớp học cũng theo cô chuyển về nhà tại thôn Quyết Hạ (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) với tổng số 14 em. Lớp học lúc này được tận dụng từ căn bếp trong nhà với diện tích 10m².

Dành trọn tình thương cho trẻ khuyết tật
Cô giáo Lê Thị Hòa (áo dài đỏ) “tại Hội nghị điển hình tiên tiến công nhân, viên chức, lao động Thủ đô giai đoạn 2020 - 2025”

“Tôi được các em quý mến, tin tưởng. Điều này làm tôi rất vui mừng nhưng cũng không khỏi lo lắng bởi phòng học chật chội, điều kiện thiếu thốn nhưng lại rất đông các em đang khao khát được đi học. May mắn thay, trong một lần đi lễ chùa tại chùa Hương Lan vào tháng 7/2007, thấy nhà chùa có phòng khách rộng, tôi ngỏ ý xin mượn để làm lớp dạy học. Được sự đồng thuận nhất trí của nhà chùa, lớp học khai giảng vào giữa tháng 9/2007 với 16 em là học sinh khuyết tật và 28 em là học sinh học kém của Trường Tiểu học Đông Sơn.

Qua một năm, 28 học sinh kém đã đọc thông viết thạo, còn 16 học sinh khuyết tật học tập cũng đã có nhiều tiến bộ. Một số em bị khuyết tật ở 9 xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ khi biết tin đã đến xin học, nâng tổng số học sinh khuyết tật của lớp lên 32” - cô Hòa bộc bạch.

“27 năm gắn bó với những số phận kém may mắn, cuộc sống của tôi ý nghĩa hơn rất nhiều. Vô hình các con đã trở thành động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn. Trong khoảng thời gian 27 năm này, tôi từng bị bệnh tim và ung thư, đó là những thời điểm thật sự tồi tệ. Tuy nhiên khi nhìn thấy các con tôi luôn không cho phép bản thân gục ngã và như có phép màu, bệnh tật cũng qua đi. Tôi nghĩ rằng phép màu đó chính là nhờ các con mang lại - đây là những điều chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến bởi khi đến với các con, tất cả đều từ tâm, không bao giờ tôi mong được nhận lại nhưng hóa ra tôi đã được nhận lại quá nhiều” - cô giáo Lê Thị Hòa chia sẻ.

Lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa tại chùa Hương Lan ra đời như thế và duy trì từ năm 2007 tới nay. Nhớ lại chặng đường đã đi qua, cô Hòa chia sẻ: “Có khoảng thời gian tôi tưởng chừng như không thể duy trì được lớp học bởi nhiều phụ huynh không giữ được sự bền bỉ, sinh ra nản. Các em lại hay đau ốm, thường xuyên phải đi bệnh viện. Sách vở cũng thiếu, đồ dùng học tập không có. Chính sự giúp đỡ của các phật tử, sinh viên tình nguyện, các nhà hảo tâm và đặc biệt là sự động viên hàng ngày, thường xuyên của sư thầy Thích Đàm Tiền cùng sự hiếu học, khao khát được học của những học sinh khuyết tật là nguồn động lực mạnh mẽ, thôi thúc tôi giữ lớp".

27 năm miệt mài dạy trẻ khuyết tật, cô Hòa không theo bất cứ một trang giáo án nào, bởi với cô, mỗi học trò, mỗi thời điểm lại đòi hỏi những cách thức khác nhau. Để thuộc một đoạn thơ, một bài hát, cô và trò có thể phải mất tới vài ba tháng, thậm chí nửa năm, thế nhưng không ai nản.

Hiện nay, lớp có 75 học sinh ở độ tuổi từ 6 đến 30, trong đó có những em đã theo học từ ngày đầu mở lớp, có em nhà ở huyện khác, cách lớp gần hàng chục km… nhưng vẫn đi học đều đặn vào các sáng thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần. Một số giáo viên của các trường học trên địa bàn cũng đến tham gia giúp cô Hòa trong các buổi học. Từ lớp học này, một số em đã “tốt nghiệp”, có thể hòa nhập cuộc sống và đi làm, như Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân (xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ). Các em khác đều đã biết đọc, biết viết, nhận thức tốt, ngoan, có ý thức học tập và yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Không chỉ tham gia giảng dạy ở lớp học tình thương, cô giáo Lê Thị Hòa còn tổ chức các hoạt động từ thiện như: Xây nhà tình nghĩa; quyên góp động viên giúp đỡ các bạn học sinh nghèo vượt khó vươn lên học tập...

Quá trình công tác và những việc làm của cô đã được địa phương, các đoàn thể, thành phố Hà Nội ghi nhận, vinh danh qua nhiều năm. Đặc biệt, ngày 28/9 vừa qua, cô Hòa vinh dự là 1 trong 10 điển hình tiên tiến của Thủ đô Hà Nội tham dự Đại hội thi đua yêu nước công nhân, viên chức, lao động toàn quốc lần thứ X (2020 - 2025) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức. Tại Đại hội này, cô Hòa đã vinh dự được bầu chọn là 1 trong 15 gương điển hình tiên tiến tiêu biểu trong công nhân, viên chức, lao động đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

P.T

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này