Đê điều trong mùa mưa bão: Tuyệt đối không được chủ quan!

17:23 | 29/09/2020
(LĐTĐ) Với đặc điểm địa lý, khí hậu cộng thêm diễn biến ngày càng khắc nghiệt do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, một số huyện ngoại thành như Mỹ Đức, Chương Mỹ… vốn được xem là “tâm điểm” của nguy cơ xảy ra thiên tai bão lụt ở Hà Nội. Việc tính toán các biện pháp ứng phó - “chạy” trước mưa bão, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và của khi mưa bão xảy ra… luôn là nỗ lực không bao giờ thừa.
Nguy cơ úng ngập từ các công trình xây dựng Hoàn thiện phương án ứng phó với các tình huống thiên tai trong năm 2020 Chú trọng đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão

Từ sự cố sụt lún nghiêm trọng cống qua đê Đáy…

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sụt, sập cống xả trạm bơm tiêu Tảo Khê qua đê hữu Đáy, thuộc địa bàn xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức). Theo đó, do ảnh hưởng của các trận mưa lớn kéo dài dịp cuối tháng 8/2020, cống xả của trạm bơm tiêu Tảo Khê đã bị sụt, sập.

Sau khi sự cố xảy ra, có mặt tại xã Bột Xuyên trong những ngày cuối tháng 9, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tuyến đường qua cống xả của trạm bơm tiêu Tảo Khê đã được trám lấp, gia cố lại, không còn những hố sụt lún. Tuy nhiên, vùng đất, những tuyến đường xung quanh vẫn còn dấu vết của sự sụt lún.

Đê điều trong mùa mưa bão: Tuyệt đối không được chủ quan!
Sự cố sạt lở nghiêm trọng tại trạm bơm tiêu Tảo Khê đã được trám lấp tuy nhiên nỗi lo sạt lở vẫn hiện hữu (Ảnh: Minh Phương)

Người dân cho biết, chưa năm nào bờ sông sạt lở mạnh như năm nay, nhất là từ ngày cuối tháng 8 đến nay, đất đá bị sạt lở, kéo tuột xuống kênh mương trước mặt. Chỉ tay ra hàng cây, bụi tre giờ đã nằm giữa kênh nước, anh Kim Đại Nghĩa (người dân sống gần đây) cho biết, hàng cây này trước đó còn nằm trên bờ nay đã bị mưa lớn, nước cuốn tận ra ngoài đó. Anh Nghĩa thở dài lo lắng: “Không biết nó còn sụt lở đến bao giờ nữa đây”.

Cũng là người đầu tiên phát hiện ra sự cố sập cống trạm bơm Tảo Khê, anh Nghĩa cho biết, ngay sau khi cơn mưa lớn gần tạnh, khoảng 17h ngày 19/8/2020, vừa đi qua đoạn đường quanh cống đê Đáy thuộc khu vực trạm bơm tiêu Tảo Khê, anh giật mình khi nghe thấy tiếng động lớn. Bất ngờ quay người lại, trước mắt anh Nghĩa cống xả của trạm bơm tiêu Tảo Khê đã bị sập, tạo thành hố sâugây sụt mặt đê, thân đê phía trên cống. Ngay lập tức, anh Nghĩa báo lên các cấp chính quyền để xử lý.

Nhận được tin báo của người dân, ông Kim Mỹ Linh – Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp xã Bột Xuyên cùng cơ quan chức năng lập tức có mặt tại hiện trường để xem xét, khắc phục sự cố. Ông Kim Mỹ Linh cho biết, sau đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 17-19/8, cống qua đê Đáy trạm bơm tiêu Tảo Khê xuất hiện sự cố sụt phía thượng lưu cống dẫn đến sạt mặt đê Hữu Đáy. Ban đầu, sự cố sụt lún chỉ sâu khoảng 2 m, sau đó, tiếp tục lan rộng sâu 5m. Đến 5h ngày 20/8, kích thước vị trí sụt mở rộng khoảng 8m, dài 10m, rộng 9m, gây sụt toàn bộ mặt đê, thân đê phía trên cống, sập đổ hoàn toàn cống qua đê.

Về việc sụt, lún cống tiêu Tảo Khê, ông Linh cho rằng đây là một trong những sự việc nghiêm trọng xảy ra tại địa phương. Bởi cống qua đê Hữu Đáy được xây dựng từ năm 1986, có khẩu độ rộng 1,8m, cao 2m. Cống có nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khoảng 250ha sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp của xã Bột Xuyên và hơn 1.000 nhân khẩu ở thôn Lai Tảo (xã Bột Xuyên). Cống có kết cấu xây bằng đá hộc, trần bằng tấm bê tông cốt thép. Qua nhiều năm khai thác, sử dụng, cống bị xuống cấp, xảy ra sự cố.

Vào thời điểm xảy ra sự cố, lúa, hoa màu của người dân trên địa bàn vẫn chưa thu hoạch, do vậy, sự việc xảy ra khiến ai nấy đều lo lắng. Theo ông Linh, trạm bơm Tảo Khê vẫn là hệ thống tiêu chính của xã Bột Xuyên, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Nếu cống ở đây không tiêu được thì sẽ khiến nước ở trong các làng cũng không chảy được, ngập úng luôn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân bởi xã Bột Xuyên có diện tích đất nông nghiệp lớn, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, hoa màu, cây ăn quả.

“Sau khi sự cố sụt lún nghiêm trọng xảy ra tại cống xả của trạm bơm tiêu Tảo Khê, các cơ quan chức năng đã rất kịp thời xử lý, lấp đoạn sụt lún lại thì phải tiêu theo mương khác. Theo đó Ủy ban nhân dân xã, Hợp tác xã cùng với Xí nghiệp Thủy lợi đã nhanh chóng dọn, khơi thông, làm thành hệ thống tiêu qua trạm bơm An Mỹ. May mắn là các lực lượng chức năng tiêu nước rất kịp thời ngay trong đêm. Nếu thời điểm ấy tiêu không kịp thời thì lúa, hoa màu cũng như nhà của người dân trong xã rất có thể bị ngập”, ông Kim Mỹ Linh cho biết.

…Đến nỗ lực khắc phục sự cố

Theo ông Trần Xuân Hải – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bột Xuyên, khoảng 17h ngày 19/8, sau khi nhận được tin báo của người dân, Ủy ban nhân dân xã Bột Xuyên đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm, cấm các phương tiện đi lại, tổ chức lực lượng thường trực 24/24 để canh gác, theo dõi diễn biến sự cố và đảm bảo an ninh trật tự. Ủy ban nhân dân xã cũng đã huy động lực lượng an ninh khoảng 50 người để chặn chốt 2 đầu, xử lý đường dây điện chạy qua, phát quang bụi rậm đoạn đê xảy ra sự cố.

Đê điều trong mùa mưa bão: Tuyệt đối không được chủ quan!
Hình ảnh cống xả trạm bơm tiêu Tảo Khê (Ảnh: Minh Phương)

Còn ông Trương Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng phụ trách Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo của xã Bột Xuyên, Phòng Kinh tế đã báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tại báo cáo nhanh số 52/BC-KT ngày 19/8/2020; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã có báo cáo số 05.

Theo đó, 22h30 ngày 19/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phối hợp với Hạt quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức, Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Mỹ Đức và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân xã Bột Xuyên họp để chốt phương án xử lý sự cố giờ đầu. Sáng ngày 20/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã ban hành Văn bản số 05/BCH về việc ứng phó với sự cố sụt cống qua đê Đáy, trạm bơm tiêu Tảo Khê (xã Bột Xuyên).

Đến 6h30 ngày 20/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phối hợp với xã Bột Xuyên huy động lực lượng khoảng 100 người; vật tư huy động khoảng 100 mét khối cát, 300 mét khối đất đá, trên 2.000 bao tải, 30 rọ sắt, 2 máy xúc và 7 ô tô tải. Kết quả đến 18h ngày 20/8 đã xử lý, trám lấp được khoảng 60% hố sụt. Chiều 20/8, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Chi Cục đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội đã đi kiểm tra, cho ý kiến chỉ đạo, tiếp tục thực hiện xử lý vị trí sạt lở, tổ chức ứng trực phòng, chống thiên tai theo quy định.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sụt, sập cống xả Trạm bơm tiêu Tảo Khê qua đê Hữu Đáy, thuộc địa bàn xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức). Ủy ban nhân dân thành phố giao huyện Mỹ Đức thực hiện dự án xử lý cấp bách sự cố nêu trên bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu Uỷ ban nhân dân thành phố về nguồn vốn, cân đối bố trí vốn để thực hiện dự án này...

“Sáng 21/8, trên địa bàn xã Bột Xuyên lại tiếp tục xảy ra mưa lớn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Bột Xuyên đã tiếp tục huy động 10 người chốt chặn 2 đầu và theo dõi diễn biến sự cố. Đến chiều, tiếp tục huy động lực lượng 20 người, vật tư huy động khoảng 70 mét khối base, 1 máy xúc và 3 ô tô tải. Kết quả, đến 17h cùng ngày đã cơ bản hoàn thành công tác xử lý sự cố giờ đầu. Với tổng nhân lực khoảng 180 người, vật tư 100 mét khối cát, 300 mét khối đất đá, trên 2.000 bao tải, 30 rọ sắt, 70 mét khối base, 3 máy xúc và 10 ô tô tải”, ông Trương Anh Tuấn cho biết.

Sau khi sự cố xảy ra tại trạm bơm tiêu Tảo Khê, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức cũng đã đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho xử lý cấp bách dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống cống bơm tiêu Tảo Khê. Đề nghị Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy quan tâm, chỉ đạo Xí nghiệp Đầu tư phát triển Thủy lợi Mỹ Đức thực hiện các phương án đảm bảo tiêu thoát nước khi có tình huống mưa lớn tiếp tục xảy ra trên địa bàn, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân xã Bột Xuyên .

Nỗi lo vẫn rình rập

Mặc dù sự việc xảy ra được các cấp chính quyền nhanh chóng giải quyết, tuy nhiên nhiều người dân xã Bột Xuyên vẫn lo lắng bởi mùa mưa lũ đang cận kề. Theo chia sẻ của anh Kim Đại Nghĩa, khi mới bắt đầu xảy ra sự cố anh vô cùng lo lắng, bởi gia đình anh ngay ở gần trạm bơm tiêu Tảo Khê. Những năm qua, nhiều lần anh Nghĩa cũng đã chứng kiến việc sụt lún ở mức độ nhỏ của cống xả.

Đê điều trong mùa mưa bão: Tuyệt đối không được chủ quan!
Cống xả trạm bơm Tiêu Khê bị sụt lún ngày 19/8 (Ảnh: L.Thảo)

“Trước đây, chỗ tôi đang ở thuộc địa bàn xã, giao thông, đi lại cũng ít người quan tâm. Nếu trời mưa to, đêm tối xảy ra sự cố thì tôi cho rằng cũng sẽ gặp nhiều nguy hiểm cho những người xung quanh. Cách đây nhiều năm, vào mùa mưa lũ, quanh khu vực này nước sông cũng lên cao, vào đến vườn, các cơ quan chức năng và người dân cũng phải thường xuyên thực hiện đắp đê phòng lũ”, anh Nghĩa cho biết.

Từng bị nước lũ lên cao, nước đến tận vườn làm ngập các cây ăn quả, anh Nghĩa hiểu được giá trị của cống xả trạm bơm tiêu Tảo Khê đối với cuộc sống của người dân nơi đây. Do vậy, từ trước đến nay, anh Nghĩa cũng như nhiều người dân xung quanh đã chủ động trồng cây, trồng tre ven cống để giữ đất. “Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp tạm thời, tôi hi vọng trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng khắc phục sự cố, khơi thông lại trạm bơm tiêu Tảo Khê để đảm bảo an toàn cho đời sống nhân dân tại địa phương”, anh Nghĩa bày tỏ.

Cùng chung nỗi lo, ông Kim Mỹ Linh cũng cho biết, các cơ quan chức năng thông báo sẽ bắt đầu khơi thông lại cống xả trạm bơm tiêu Tảo Khê trong năm nay. Theo đó, thời điểm từ nay đến cuối năm hệ thống tưới tiêu chính của địa phương vẫn sẽ là tiêu qua trạm bơm An Mỹ. “Việc tiêu qua trạm bơm An Mỹ vốn là tiêu ngược, do vậy tốc độ tiêu sẽ chậm hơn. Việc tiêu chậm hơn cũng sẽ khiến cho nguy cơ ngập úng, sạt lở xảy ra cao hơn, nhất là thời điểm mùa mưa lũ sắp đến”, ông Linh nhận định.

Không chỉ riêng Mỹ Đức, mà trước đó, Hà Nội cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp với hàng loạt sự cố sạt lở tại các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai…Tình trạng sạt lở không chỉ gây thiệt hại về tài sản, mà còn đe dọa đến tính mạng hàng triệu người dân. Do vậy, việc tìm giải pháp để hạn chế những thiệt hại và rủi ro do sạt lở, sụt lún đất là một yêu cầu cấp bách cần đặt ra tại Hà Nội khi mùa mưa lũ đang đến gần./.

Kim Tiến – Minh Phương

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này