Trung thu nghe kể chuyện về ông Tiến sĩ giấy và hai ông Múa gậy trông trăng

18:29 | 27/09/2020
(LĐTĐ) Tết Trung thu cổ truyền không thể thiếu những đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, đèn lồng… đặc biệt là ông Tiến sĩ giấy và hai ông mua gậy trông trăng. Đây cũng là những món đồ chơi dân gian được lưu truyền từ xưa cho đến nay, tạo ra một nét văn hóa đặc sắc trong dịp Tết Trung thu của người Việt.
Tết Trung thu truyền thống trong không gian Phố cổ Hà Nội Hà Nội phân luồng giao thông phục vụ lễ hội Trung thu phố cổ

Có mặt tại Ngôi nhà di sản (Mã Mây, phố Cổ Hà Nội) từ rất sớm, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), đã được các em nhỏ vây quanh để học làm đồ chơi trung thu dân gian bằng giấy bồi.

Vừa cắt giấy, dán giấy, tạo ra những món đồ chơi như ông Tiến sĩ giấy, ông Múa gậy trông trăng, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vừa thuyết trình cho các em nhỏ về ý nghĩa của những món đồ chơi này.

Trung thu nghe kể chuyện về ông Tiến sĩ giấy và hai ông Múa gậy trông trăng
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đang dạy các em nhỏ làm ông Múa gậy trông trăng bằng giấy

Cầm một ông Tiến sĩ giấy trong tay, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho biết, đây là biểu tượng của sự giỏi giang, công danh thành đạt. Ngày xưa, ông Tiến sĩ giấy chính là đồ chơi Tết Trung Thu ý nghĩa nhất đối với các em nhỏ, đặc biệt là các bé đã đến tuổi đi học, nó là món quà trân quý nhất mà người lớn trong nhà gửi gắm cho con cháu mình với mong muốn các em học hành chăm chỉ, đỗ đạt thành tài. Đây cũng là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc ta ẩn chưa trong món đồ chơi Trung thu nhỏ xinh cho các bé.

Ông Tiến sĩ giấy thường được làm bằng giấy màu đỏ, màu vàng, có hoa cài mũ, thẻ bài cầm tay, mão trạng nguyên và áo bào sặc sỡ, dưới chân áo được trang trí cờ quạt, họa tiết ông hổ giản dị nhẹ nhàng. Khuôn mặt ông tiến sĩ được trang trí tươi tắn, hiền hậu, có hồn thích hợp để làm đồ chơi cho trẻ em.

Trung thu nghe kể chuyện về ông Tiến sĩ giấy và hai ông Múa gậy trông trăng
Khi được nghe kể về ông Múa gậy trông trăng, các em thích thú hơn với món đồ chơi này

Trong mâm cỗ trung thu, ông Tiến sĩ giấy được đặt trang trọng nhất, xung quanh là ngũ quả và bánh trung thu cùng các món đồ chơi khác như đèn ông sao, tò he. Sau khi phá cỗ, các bé sẽ rước ông tiến sĩ đi quanh làng quanh xóm cùng với đoàn rước đèn đầy màu sắc lung linh. Sau đó ông tiến sĩ sẽ được trưng bày tại bàn học để các em luôn được nhắc nhớ về việc học hành.

Bên cạnh ông Tiến sĩ giấy, không thể thiếu hai ông Múa gậy trông trăng. Hai ông múa gậy có ý nghĩa tượng trưng khi con cháu thành đạt sẽ có người bảo vệ, che chở. Khi kết hợp hai ông múa gậy với một ông tiến sĩ sẽ thành một bộ hoàn chỉnh tượng trưng cho "quan" và "lính".

Trung thu nghe kể chuyện về ông Tiến sĩ giấy và hai ông Múa gậy trông trăng
Ông Tiến sĩ giấy được bày trên mâm cỗ Tết Trung thu

Vào thời bình, ông múa gậy trông trăng chỉ cầm gậy múa chứ không cầm gươm đao đi đánh giặc. Trước đây, theo truyền thống, mặt của ông múa gậy được làm bằng đất sét, sau đó phơi khô và vẽ màu lên. Còn hiện nay, ông múa gậy được các thợ thủ công làm bằng giấy bồi, hai tay cầm gậy dâng lên cao. Phía trên đầu ông là ông trăng tròn được làm bằng giấy màu vàng, khi trẻ con cầm chơi sẽ lắc lắc tạo ra hình tượng ông múa gậy trông trăng rất sinh động.

Ngoài ra, hai bên hông ông múa gậy còn đeo hai chiếc túi, một bên đựng gạo, một bên đựng nước, đó vẫn là hình tượng từ xa xưa khi các ông ra trận. Sau khi cúng rằm, hai ông Múa gậy trông trăng được treo ở gần cửa sổ hoặc nơi có gió.

Trung thu nghe kể chuyện về ông Tiến sĩ giấy và hai ông Múa gậy trông trăng
Ông Múa gậy chơi trăng thường được treo ở nơi có gió

“Tết Trung thu cũng là lúc trẻ bắt đầu cắp sách tới trường, các bậc cha mẹ đã gửi gắm vào các món đồ chơi dân gian này với mong muốn con em mình học hành giỏi giang, sau này lớn lên sẽ thành đạt, làm những việc có ích cho xã hội”, nghệ nhân Tuyến cho biết.

Bài và ảnh: Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này