Dấu ấn phát triển không gian văn hóa công cộng ở Thủ đô

13:07 | 27/09/2020
(LĐTĐ) Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội thì nhu cầu hưởng thụ tại các không gian công cộng của người dân Thủ đô ngày càng tăng cao. Trong đó, việc mở rộng các không gian công cộng ở nhiều nơi đã góp phần làm thay đổi “bộ mặt” của đô thị, hướng đến xây dựng Hà Nội trở thành nơi đáng sống.
Có một Hà Nội đang từng ngày đổi khác Bài 1: Khẳng định vai trò của các cấp ủy đảng trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy

Nỗ lực kiến tạo không gian công cộng

Là một trong hai thành phố lớn nhất của cả nước, Hà Nội đã và đang có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, hạ tầng và con người. Trong sự phát triển ấy, nhiều người nhận thấy Hà Nội ngày một chú trọng hơn trong việc phát triển không gian công cộng, tạo nên sự phát triển bền vững, gắn liền với môi trường sống của người dân.

Trong sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội, của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có thể thấy, Hà Nội đã luôn dành những quỹ đất “vàng” để đầu tư phát triển các địa điểm vui chơi công cộng.

Dấu ấn phát triển không gian văn hóa công cộng ở Thủ đô
Công viên Hòa Bình - một trong những điểm đến vui chơi, thư giãn của người dân Thủ đô.

Dạo một vòng quanh thành phố, không khó để người dân chiêm ngưỡng được những không gian công cộng hiện đại, xen lẫn cổ kính của Thủ đô như: Hồ Gươm; Hồ Tây; Công viên Bách Thảo; Công Thủ Lệ; Bán đảo Linh Đàm, Công viên Cầu Giấy; Công viên Hòa Bình...

"Điểm sáng" trong việc phát triển không gian công cộng thời gian qua tại Hà Nội phải kể đến phố đi bộ Hồ Gươm. Khởi động từ năm 2004, quận Hoàn Kiếm không ngừng phát triển mở rộng phố đi bộ. Nhiều hoạt động cộng đồng diễn ra trên phố như làm sân chơi cho trẻ em từ vật liệu tái chế, biểu diễn văn nghệ, không gian ẩm thực…

Đến nay, phố đi bộ đã được mở rộng gồm 16 tuyến phố xung quanh Hồ Gươm, thường cấm xe cộ lưu thông vào ba ngày cuối tuần, từ 19h thứ sáu đến 24h chủ nhật. Phố đi bộ đã mang lại hình ảnh mới cho Hồ Gươm và khu vực phụ cận với những dự án tôn tạo di sản đô thị, tăng cường giao lưu văn hóa

Hay mới đây, bãi tập kết rác ven sông Hồng, thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, dần được hồi sinh nhờ 16 tác phẩm nghệ thuật đương đại đến từ 16 nghệ sĩ trong và ngoài nước. Chỉ trong vài tháng, nơi đây đã trở thành điểm đến vô cùng độc đáo và thú vị với người dân Thủ đô.

Nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng cũng đã và đang được triển khai nhằm làm đẹp cho không gian công cộng ở Thủ đô. Trong đó, các phong trào phố bích họa, tranh bích họa tại nhiều nơi đã góp phần làm nên một diện mạo mới, đáp ứng nhu cầu cải thiện mỹ quan ở các không gian sống, không gian du lịch của Thủ đô.

Có thể thấy, việc tạo ra những không gian công cộng này cũng khẳng định sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành…trong việc kiên trì mục tiêu xây dựng thành phố Hà Nội trở thành một trong những đô thị “xanh, sạch, văn hiến, văn minh và hiện đại”, tạo ra môi trường sống tốt hơn, đáng sống hơn cho người dân Thủ đô...

Tạo ra những cơ hội để bứt phá

Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã và đang góp phần làm cho diện mạo Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng vẫn đang có sự thiếu hài hòa bởi không gian công cộng trong đô thị. Hình ảnh các công viên vui chơi trở thành nơi bán hàng trà nước, vỉa hè trở thành bãi đỗ xe, lòng đường là nơi họp chợ… không còn xa lạ với người dân Thủ đô.

Còn công viên, bờ hồ - các khoảng không gian quan trọng dành cho sinh hoạt cộng đồng – nơi lưu giữ những ký ức, cảm xúc Hà Nội vốn dĩ đã hiếm hoi nay đang dần có nguy cơ biến mất nếu không được chú ý và giữ gìn.

Dấu ấn phát triển không gian văn hóa công cộng ở Thủ đô
Phố đi bộ Hồ Gươm là một trong những "điểm sáng" trong việc phát triển không gian công cộng ở Thủ đô

Chia sẻ về điều này, Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải (Chuyên gia dự án thành phố Sống Tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho biết, hiện nay diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế. Theo tính toán, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người, thậm chí người dân sinh sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người. Trong khi tiêu chuẩn tối thiểu mà Tổ chức Y tế thế giới đưa ra con số này phải là 9m2/người.

Trên thực tế, nhu cầu thụ hưởng những tiện ích công cộng hiện đại, đa năng, quảng trường lớn, không gian mở như công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng kỹ thuật xã hội, dịch vụ đô thị… luôn là niềm mong mỏi của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, vì nhiều lí do, trong đó nguồn lợi kinh tế từ đất đai rất lớn nên nhiều khi người ta quên đi những lợi ích phục vụ cộng đồng.

Để tăng quỹ không gian xanh cho Hà Nội trong khi không thể có thêm diện tích tại nội đô, theo Phó Giáo sư Tiến sỹ Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng), đối với công viên, mặt nước, cây xanh sẵn có, Hà Nội cần phát huy, nâng cao khả năng phục vụ, lồng ghép các mục tiêu. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần sử dụng quỹ đất chuyển đổi từ những khu đất không sử dụng, ưu tiên cho cây xanh, mặt nước và không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt thể chất cũng như tinh thần của cộng đồng.

Còn kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư thành phố Hà Nội cũng cho rằng, Hà Nội đang đứng ở một giai đoạn phát triển mới. Phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì chúng ta không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải thành phố giàu nhất nhưng là thành phố vì con người nhiều nhất.

“Thay vì khẩu hiệu, chỉ tiêu, con số… mỗi ngày chúng ta thấy thêm được một sân chơi nhỏ, thêm được cây xanh, thêm được một nơi cho con trẻ đi lại, vui đùa an toàn thì chúng ta sẽ thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Để chất lượng sống của người dân đô thị được nâng cao thì bản thân cộng đồng dân cư cũng cần có trách nhiệm với môi trường sống xung quanh mình, tích cực tham gia vào hoạt động xã hội chung”, ông Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Thực tế, trong những năm gần đây, Hà Nội luôn chú trọng đến việc phát triển không gian công cộng cho Thủ đô. Cụ thể, từ năm 2014 Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù.

Với tinh thần đó, từ năm 2016 bên cạnh những không gian xanh hiện hữu, Hà Nội đã khởi công xây dựng hàng loạt công viên có quy mô lớn như: Công viên hồ điều hòa Nhân Chính, Công viên, hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch... Ngoài ra, Hà Nội cũng đẩy mạnh cải tạo các công viên hiện có như Công viên Đống Đa, Công viên Thống Nhất.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này