Tung clip đánh ghen trên mạng xã hội: Lợi bất cập hại

09:42 | 24/09/2020
(LĐTĐ) Thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ đánh ghen khiến dư luận xã hội xôn xao. Những vụ đánh ghen có thể khiến người trong cuộc lẫn người chứng kiến hả hê trong phút chốc. Tuy nhiên hệ lụy về sau của nó là rất lớn, gây ảnh hưởng tới chính con cái, gia đình họ hay thậm chí bị xử phạt vì vi phạm pháp luật.
Hiểm họa từ các video, clip bạo lực trên mạng
Đối phó với “nạn” tống tiền bằng “clip nóng”
Rất đáng lo ngại!

Liên tiếp các vụ đánh ghen trên mạng xã hội

Gần đây, nhiều vụ đánh ghen liên tiếp được phát tán rộng khắp trên mạng xã hội. Những vụ việc một phần do người trong cuộc tự phát tán, phần do những người đi đường nhìn thấy nên quay lại và tung lên mạng cho mọi người “cùng xem”. Một hành động tưởng chừng đơn giản nhưng lại kéo theo nhiều hệ luỵ với những người có liên quan.

Tung clip đánh ghen trên mạng xã hội: Lợi bất cập hại
Vụ đánh ghen diễn ra vào ngày 15/9 trên phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Đơn cử vào hồi giữa tháng 8, vụ đánh ghen của một cô gái được cho là giảng viên Đại học với chồng cũ khiến mạng xã hội ầm ĩ thời gian dài. Clip được chính nữ giảng viên đăng tải lên trang cá nhân của mình với nội dung “tố cáo” chồng có hành vi ngoại tình với một phụ nữ khác. Sau khi công khai chuyện đánh ghen trên facebook, lập tức cuộc sống đời tư của những người liên quan đều trở nên xáo trộn vì bị cộng đồng mạng đào xới.

Ít lâu sau vào ngày 15/9, một vụ đánh ghen khác xảy ra tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng làm xôn xao cộng đồng mạng. Theo đoạn clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, người vợ sau khi phát hiện chồng mình lái xe Lexus LX570 chở một cô gái trẻ được cho là nhân tình tỏ ra vô cùng tức giận. Người vợ đã giật cửa xe để lôi cô gái trẻ xuống đường, liên tục chửi bới, giật tóc và đánh đập mạnh tay.Cô gái mặc váy đen bị người vợ hành hung nhưng không thể phản kháng, chỉ biết khóc lóc và la hét giữa đường. Chứng kiến cảnh xô xát, người chồng đã xông vào giữ chặt lấy tay vợ, thậm chí còn đấm và thúc cùi chỏ nhiều lần vào mặt vợ để nhân tình của mình có thể chạy thoát. Nhiều người xung quanh chứng kiến tỏ ra rất bất bình vì hành động của người chồng.Sau sự việc ầm ỹ này, Công an phường Cửa Đông đã vào cuộc điều tra làm rõ.

Khi vụ đánh ghen ở trên phố Lý Nam Đế vẫn chưa hết ồn ào thì mới đây, Công an xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã triệu tập ít nhất 3 người phụ nữ liên quan đến vụ đánh ghen, lột đồ một cô gái trẻ, xảy ra tại quán cà phê Bến Thủy (xã Cẩm Lĩnh) vào tối 16/9, để làm rõ sự việc. Nguyên nhân do trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh 3 - 4 người phụ nữ lao vào đánh túi bụi cô gái trẻ trong quán cà phê vì đã “phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác”. Ngoài việc hành hung, chửi bới, những người phụ nữ này còn cố gắng lột đồ cô gái, mặc sự can ngăn của mọi người.

Nhiều hệ lụy

Có thể thấy, từ trước tới nay chuyện đánh ghen vẫn diễn ra, tuy nhiên với tốc độ phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay, hình thức đánh ghen đã có nhiều thay đổi và hệ lụy kèm theo cũng nhiều hơn. Cụ thể, thay vì việc đánh ghen chỉ có 3 người biết hoặc một nhóm người biết với nhau như trước đây thì trong thời đại công nghệ số, câu chuyện đánh ghen có lẽ đã trở thành câu chuyện mà cả thiên hạ đều biết đến.

Xét về khía cạnh hôn nhân gia đình theo chuyên gia tâm lý Hoàng Hải Vân, khi tận mắt chứng kiến chồng hoặc vợ ngoại tình, tâm lý người trong cuộc thường thiếu sự kiểm soát và xuất hiện các cảm xúc tiêu cực như phẫn nộ, tức giận dẫn đến tâm lý chung là muốn làm cho rõ ngọn ngành sự việc. Để đạt được mục đích của mình, một số người dùng cách quay lại clip để tố giác lỗi lầm của đối phương, số khác còn mang tâm lý muốn làm nhục kẻ phản bội và con “giáp thứ 13”.

Tuy nhiên khi đánh ghen, người trong cuộc chỉ nghĩ tới việc làm sao để giải tỏa được nỗi uất ức trong lòng mà không lường tới những hệ lụy về sau. Bởi, một khi các clip đánh ghen đã được phát tán trên mạng xã hội, nguy cơ cuộc sống đời tư của tất cả những người liên quan bị cộng đồng mạng đào xới là rất lớn. Chưa xét đến việc đánh ghen là đúng hay sai, nhưng với cách hành xử như vậy, gia đình, con cái của cả người tham gia đánh ghen hoặc bị đánh ghen đều chịu ảnh hưởng không nhỏ. Có nhiều trường hợp con xấu hổ không dám đi học, có cháu bỏ nhà, có cháu bị trầm cảm, ảnh hưởng đến tinh thần, học hành sa sút… hận cha hoặc mẹ đã làm xấu hổ, thì hậu quả không thể lường trước được.

Bên cạnh đó, các clip đánh ghen còn gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến nhiều người nhất là trẻ nhỏ vô tình xem các video này sẽ bắt chước các hành vi xấu, lời nói thiếu văn hóa. Các video trên có thể là tác nhân gây ra nạn bạo lực trong gia đình, bạo lực xã hội, bạo lực học đường. Đây là những nội dung mà các quy định của pháp luật đang điều chỉnh để bảo vệ.

Cùng với các hệ lụy về mặt gia đình và xã hội, đánh ghen trên mạng xã hội còn đẩy người đánh ghen vào thế vi phạm pháp luật, bị cơ quan chức năng xử lý hình sự.Theo Luật sư Nguyễn Thị Loan, Đoàn luật sư Hà Nội, việc một số người vợ hoặc chồng chọn cách đánh ghen để bảo vệ hạnh phúc gia đình, tình yêu là điều không nên. Vì chỉ sau một phút đánh ghen hả hê để hạ nhục tình địch đã biến họ từ nạn nhân trở thành kẻ phạm tội. Thực tế có rất nhiều vụ đánh ghen, người đi đánh ghen đã bị cơ quan chức năng truy tố, xét xử trước pháp luật về các tội như: Cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối trật tự công cộng…

Cũng theo Luật sư Loan, việc đánh ghen lột quần áo, cắt tóc làm nhục người khác… dù không gây thương tích nhưng hành vi lột quần áo trên đã là vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Cụ thể theo Điều 5 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ thì mức xử phạt hành chính đối với các hành vi trên là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. Ngoài ra việc đánh ghen dù không gây thương tích cho nạn nhân nhưng việc lột quần áo, cắt tóc, đánh đập làm nhục người khác ở nơi công cộng, có đông người chứng kiến có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội làm nhục người khác. Còn theo quy định tại Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

“Riêng đối với việc đánh ghen gây thương tích thì căn cứ vào kết quả giám định, mức độ tổn hại, tỷ lệ thương tật có thể bị truy cứu thêm tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” – Luật sư Loan chia sẻ./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này