Kỳ vọng cải thiện tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2020

09:43 | 24/09/2020
(LĐTĐ) Theo Ngân hàng Nhà nước, trong quý 3/2020 Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường.Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt. Đến ngày 15/9/2020, tổng phương tiện thanh toán 7,58% so với cuối năm 2019.
Quý 3/2020: Tín dụng tăng chậm do tác động của dịch Covid-19
Quyết liệt phòng ngừa “tín dụng đen”

Trong bối cảnh dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, Chính phủ và Ngân hàng trung ương nhiều nước cắt giảm lãi suất điều hành và thực thi nhiều giải pháp kích thích kinh tế, hỗ trợ tài khóa với quy mô lớn. Trong nước, thị trường được kiểm soát ổn định, lạm phát mục tiêu có khả năng kiểm soát, tuy nhiên tăng trưởng bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.

Kỳ vọng cải thiện tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm 2020
Với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các ngân hàng thương mại triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng.

Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh giảm 02 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế, nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu trước tác động của dịch Covid-19 nên tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ 2019, đến ngày 16/9/2020, tín dụng tăng 4,81% so với cuối năm 2019.
Liên quan đến hoạt động tín dụng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, bám sát diễn biến dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.

Với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, các ngân hàng thương mại triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng. Đặc biệt, tính đến 14/9/2020, thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay với lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.

Trong hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. Các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng; đồng thời, từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực. Hoạt động thanh toán dịch vụ công tiếp tục được mở rộng triển khai rộng rãi.Đồng thời với việc triển khai các chính sách đồng bộ về thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các chương trình giáo dục tài chính nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thanh toán những tháng đầu năm 2020 vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước cả về số lượng và giá trị giao dịch, thể hiện ở giao dịch thanh toán qua thẻ, qua internet và điện thoại di động. Trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; qua Internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của tổ chức tín dụng hợp lý để ổn định thị trường. Đồng thời, điều hành công cụ tái cấp vốn linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô, tiền tệ, nhu cầu vốn của tổ chức tín dụng và chủ trương của Chính phủ hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng.Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ./.

Phương Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này