Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Tăng điều tốt giảm cái xấu

09:12 | 22/09/2020
(LĐTĐ) Thời gian qua, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có chiều sâu.Nhiều cuộc vận động, nhiều mô hình được triển khai gắn liền với phong trào này đã được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh.
Hiệu quả từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Thắm tình người, dệt yêu thương
Chuyển biến tích cực trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Nhiều mô hình, cách làm hay

Tại quận Thanh Xuân, mô hình tổ dân phố văn hóa “5 không” ra đời trong bối cảnh tổng kết đánh giá 18 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó đến nay, mô hình này đã được triển khai tại nhiều tổ dân phố trên địa bàn quận, giúp diện mạo đô thị ngày càng xanh, sạch đẹp. Ông Trần Thanh Ca - Bí thư Chi bộ, Tổ dân phố số 4, phường Khương Trung cho biết, mô hình Tổ dân phố “5 không” là không rác, không tệ nạn, không hộ nghèo, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường, không vi phạm trật tự xây dựng. Từ tháng 2/2019, tổ dân phố số 4 được chọn làm đơn vị tổ chức điểm phong trào Tổ dân phố “5 không”.

Tăng điều tốt giảm cái xấu
Hiệu quả của mô tình Tổ dân phố “5 không” tại quận Thanh Xuân.

Theo ông Ca, tổ dân phố số 4 hiện có 175 số nhà. Với đặc điểm các hộ dân đều là cán bộ, công chức có trình độ dân trí cao nên phong trào xây dựng “Tổ dân phố 5 không” được các gia đình chung tay thực hiện. Các đồng chí tổ trưởng, tổ phó, bí thư tổ dân phố đã thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các gia đình có ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, không vi phạm trật tự xây dựng. Với những người đến thuê trọ, tổ dân phố kết hợp với ban công tác mặt trận, cảnh sát khu vực nhắc nhở, tuyên truyền để họ tự giác thực hiện các quy định chung.

“Trong “5 không” khó nhất vẫn là làm thế nào để đạt tiêu chí “không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường” và “không rác thải”, bao gồm cả rác sinh hoạt và quảng cáo rao vặt dán bừa bãi trên tường”, ông Trần Thanh Ca chia sẻ. Để phong trào đi vào thực chất, tổ dân phố đã vận động một số hộ dân có camera hỗ trợ giám sát, cung cấp hình ảnh những ai đổ rác không đúng quy định. Sau khi nhắc nhở, nếu còn tái phạm, hình ảnh vi phạm được in và dán lên bản tin khu dân cư.

Bên cạnh đó, tổ dân phố còn phối hợp với lực lượng công an khu vực, dân phòng vừa kiểm tra hành chính, vừa tuyên truyền tới các hộ gia đình có phòng cho thuê trọ. Kết quả là 100% các gia đình đã ký cam kết thực hiện “5 không”. Từ tuyên truyền đến áp dụng các biện pháp “mạnh”, đường, ngõ trong khu dân cư đã sạch, đẹp.

Ngoài việc xây dựng danh hiệu “Tổ dân phố văn hoá”, “Gia đình văn hoá”… việc thực hiện nếp sống văn hoá, kỷ cương pháp luật cũng được nâng cao. Tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, chính quyền và đoàn thể đã nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn phường.

Phú Đô từ xã lên phường từ năm 2014, đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao. Những năm trước đây, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ở phường còn nhiều các hủ tục lạc hậu, khi gia đình có việc cưới, việc tang đều tổ chức ăn uống linh đình, nhiều ngày, kèm theo nhiều hủ tục lạc hậu gây tốn kém, lãng phí thời gian và tiền bạc. Những tác động tiêu cực đã làm ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa thanh lịch của cộng đồng xã hội, không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Ông Lê Văn Chư – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Mặt trận Tổ quốc phường Phú Đô cho biết, nhận thức ý nghĩa sâu sắc đó, Mặt trận Tổ quốc phường đã chỉ đạo các tổ dân phố trên địa bàn phường Phú Đô đưa các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội vào quy ước của tổ dân phố và Nghị quyết hội nghị đại biểu nhân dân hằng năm tạo nên sự chuyển biến tích cực. Đến nay, việc tổ chức đám cưới dài ngày, cưới linh đình, phô trương, lãng phí đã giảm. Các nghi lễ trong đám cưới cũng được đơn giản hóa, không dùng thuốc lá mời khách, không có tệ nạn cờ bạc. Hầu hết, các đám cưới được tổ chức trang trọng, tiết kiệm.

Bên cạnh đó, việc tang trên địa bàn phường đã có những chuyển biến rõ rệt, nhiều hủ tục lạc hậu đã dần loại bỏ như: Lăn đường, dải tiền Việt Nam đồng, hạn chế việc dải vàng mã. Các hình thức phúng viếng được gọn nhẹ, trang nghiêm, không tổ chức dài ngày, không để thi hài người quá cố trong nhà quá 36 tiếng, không mở loa đài to và quá thời gian quy định.

Hầu hết, các gia đình không tổ chức làm cỗ mời khách trong đám tang, không tổ chức ăn 3 ngày như trước, một số hộ gia đình khi tổ chức cúng tuần 49 không lấy tiền đặt lễ của khách và không mời hết đầu viếng, không nhận tiền đặt lễ của các cụ từ 70 tuổi trở lên, vận động, khuyến khích người dân thực hiện hỏa táng. Việc tổ chức lễ hội cũng được đưa vào quy ước và thống nhất 5 năm tổ chức một lần vào dịp đầu năm mới. Lễ hội diễn ra đảm bảo tính truyền thống trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, đúng quy định của pháp luật, không có các hoạt động mê tín dị đoan; phần lễ và phần hội được kết hợp hài hòa, phát huy tốt đẹp giá trị truyền thống của quê hương Phú Đô.

Sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị

Tại quận Hai Bà Trưng, với sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã thực sự trở thành cuộc vận động văn hóa lớn, nhận được sự hưởng ứng và tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Đó là sự đoàn kết, vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc quận, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên cùng phối hợp để thực hiện có hiệu quả phong trào này.

Cụ thể, Hội Phụ nữ quận duy trì và nhân rộng mô hình hiệu quả về an toàn giao thông, vệ sinh môi trường như: 20 đội phụ nữ tự quản, 40 tuyến đường “Xanh - Sạch - Đẹp”. Nhờ đó, từ điểm nóng về vứt rác bữa bãi tại ngõ 622/12 Minh Khai và ngõ 92 Lương Yên, giờ đây thành điểm trồng hoa, cây cảnh và cử lực lượng hội viên thường xuyên trực, nhắc nhở người dân.

Hội Phụ nữ quận cũng phối hợp với Hội Cựu Chiến binh và Đoàn Thanh niên quận duy trì mô hình đội tự quản “Đảm bảo trật tự và văn minh đô thị” (gọi tắt là Đội tự quản 3+) với trên 1.000 thành viên thường xuyên ra quân, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, tuyên truyền nhắc nhở hội viên và nhân dân thực hiện các quy định về trật tự văn minh đô thị.

Mô hình xây dựng tuyến phố Bà Triệu trên địa bàn phường Nguyễn Du, Lê Đại Hành thành tuyến phố “Hai không”: Không rác, không quảng cáo rao vặt cũng được thực hiện hiệu quả. Mô hình đã được nhân rộng tại các phường Cầu Dền, Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy.

Các hội, đoàn thể cũng tham gia tuyên truyền, vận động được trên 200 hộ gia đình có phụ nữ trong diện giải phóng mặt bằng đường vành đai 2 trên tuyến phố Minh Khai thuộc phường Đồng Tâm, Trương Định, Minh Khai đồng thuận nhận chính sách đền bù, bàn giao mặt bằng, không để xảy ra điểm nóng, khiếu kiện phức tạp, không phải tổ chức cưỡng chế.

Bằng những nỗ lực của chính quyền các cấp, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn Thủ đô đã thật sự đi vào thực chất, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục dân tộc, tạo nên những giá trị chuẩn mực về văn hoá, đạo đức trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân./.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này