Những người “giữ hồn” Trung thu cho trẻ

21:34 | 19/09/2020
(LĐTĐ) Nhiều năm trở lại đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đang ngày càng thất thế vì sức hút của nó không còn được như xưa, so với những món đồ chơi bắt mắt, hiện đại hơn. Tuy nhiên, giữa nhịp sống gấp gáp, vẫn còn đó những người nghệ nhân đang miệt mài giữ nghề làm đồ chơi truyền thốn, giữ lại nét đẹp mỗi dịp Trung thu về.
Tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”
Siết chặt an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu

Mặt nạ giấy bồi, đèn lồng, tò he, tàu thủy sắt tây, đèn kéo quân Cao Viên, ông tiến sĩ giấy, thiên nga bông... từng là thứ đồ chơi gắn bó với biết bao thế hệ người Việt mỗi mùa "trăng Rằm". Tuy nhiên, trước sự phát triển của xã hội, những món đồ chơi truyền thống này mất dần đi. Nhu cầu thị trường ngày càng ít, người làm cũng dần bỏ nghề, những người nghệ nhân còn gắn bó với đồ chơi truyền thống chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Trong đó có thể kể đến làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) vốn nổi tiếng là làng làm đồ chơi Trung thu. Nhưng nay, cả làng chỉ còn duy nhất bà Nguyễn Thị Tuyến còn theo nghề. Gia đình bà Tuyến có truyền thống 4 đời làm đồ chơi Trung thu. Bà cũng đã có khoảng 50 năm gắn bó với giấy màu, chiếc nan, hồ dán - những vật liệu thủ công làm nên ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao.

Những người “giữ hồn” Trung thu cho trẻ
Những người nghệ nhân đâu đáu giữ nghề làm đồ chơi Trung thu cho trẻ.

Chia sẻ về lý do còn gắn bó với nghề, bà Tuyến tâm sự: Mỗi năm, ngày Rằm Trung thu chỉ có một lần, nghĩ đến việc bọn trẻ háo hức với các trò chơi truyền thống khiến bà muốn làm nghề hơn. Có thể những đồ chơi này không còn sức hút như xưa nhưng nó vẫn có sức hấp dẫn riêng mà các loại đồ chơi khác không bao giờ có được. Chính vì vậy, bà nhận thấy rằng mình cần có trách nhiệm giữ lại những nét đẹp dân gian đó cho thế hệ sau.

Nhiều năm bám nghề của cha ông, chứng kiến sự lấn át của đồ chơi hiện đại nhập khẩu, bà Tuyến càng quyết tâm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ khách. Trên khung nền cũ, bà cải tiến mẫu mã, sáng tạo thêm những loại đèn mới như đèn con cá, đèn con hươu, con tôm, con rồng... để con trẻ có thêm lựa chọn làm cho mâm cỗ trông trăng thêm sinh động. Những món đồ chơi truyền thống như ông tiến sĩ, đèn ông sao thấm đẫm màu sắc dân tộc do bà làm ra dần được người dân địa phương và các em nhỏ chào đón mỗi dịp Trung thu.

Nói đến đồ chơi Trung Thu truyền thống, không thể không nhắc đến mặt nạ giấy bồi, một trong những món đồ chơi từng khiến biết bao đứa trẻ phải mê mẩn khi được cầm trên tay. Trong căn gác nhỏ ở ngõ 73 phố Hàng Than, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan hằng ngày vẫn cần mẫn với công việc làm mặt nạ giấy bồi. Kể từ khi các loại mặt nạ bằng nhựa cùng với những loại đồ chơi công nghệ mới lên ngôi, họ là những nghệ nhân cuối cùng ở phố cổ còn lưu giữ nghề truyền thống.

Những người “giữ hồn” Trung thu cho trẻ
Mặt nạ giấy bồi từng gắn bó với biết bao thế hệ người Việt mỗi mùa Trung thu.

Bà Lan tâm sự, từ năm lên 10 tuổi, bà đã được bố mẹ truyền nghề. Mỗi lần đi dọc con phố cổ Hà Nội lúc bấy giờ, các loại mặt nạ chú Tễu, ông Địa, Thị Nở… là thứ các cửa hàng làm ra nhiều đến đâu cũng không kịp bán. Không phải là thứ đồ chơi lấp lánh, nhưng với trẻ con lúc ấy, niềm ao ước là được bố mẹ mua cho mặt nạ giấy bồi và đèn kéo quân để đi chơi đêm trăng rằm. Từ khi gắn bó với nghề đến nay đã được 40 năm, ông bà vẫn giữ cách làm truyền thống như cha ông để lại. Hiện nay, gia đình ông Hòa đang có gần 30 khuôn mặt nạ khác nhau gồm cả những mặt nạ hình truyền thống và hiện đại như mặt nạ hình ông Địa, chú Tễu, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, siêu nhân… phù hợp với thị hiếu.

Đã có lúc tưởng chừng phải dừng lại vì sự xâm lấn của đồ chơi Trung Quốc, trẻ em thờ ơ với đồ chơi truyền thống. Cũng có lúc gia đình ông bà phải đề phòng những người đến tìm hiểu với ý định làm giả, làm nhái các mẫu mã của mình. Nhưng bằng lòng say mê, vợ chồng ông bà vẫn bám trụ lấy nghề. Điều mà ông Hòa, bà Lan băn khoăn nhất hiện nay đó chính là nguy cơ mai một của nghề vì ông bà đã là những người thợ cuối cùng làm nghề ở Hà Nội.

Người nghệ nhân nữa vẫn luôn đau đáu giữ nghề truyền thống là ông Nguyễn Văn Quyền (làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai). Ông là một trong những nghệ nhân làm đèn kéo quân nổi tiếng xứ Đoài với hơn 60 năm kinh nghiệm.

Những người “giữ hồn” Trung thu cho trẻ
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội), một trong những nghệ nhân làm đèn kéo quân nổi tiếng xứ Đoài dạy làm đèn tại phố bích họa Phùng Hưng.

Nghề làm đèn kéo quân ở Đàn Viên đã có hơn 100 năm, nhưng nay chẳng có mấy ai còn làm nghề. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông Quyền vẫn gắng sức giữ lại những món đồ chơi giản dị, đam mê đèn kéo quân và lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian cho trẻ em.

Trước đây, đèn kéo quân cho trẻ em ngoài mục đích như một món đồ chơi, thì nó còn mang ý nghĩa truyền dạy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Chính vì thế, những hình dán lên các thân mặt của đèn kéo quân thường nói về việc lễ, hiếu, trung, nghĩa và đặc biệt là hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận. Sau này các hình vẽ được dán lên đèn phong phú hơn, như hình các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, hình chú Tễu, chú Cuội, chị Hằng Nga…

Mỗi dịp Trung thu, ông lại tỉ mẩn vót nan tre làm đèn kéo quân bán đi khắp tỉnh thành. Để làm ra một chiếc kéo quân vô cùng tỉ mỉ, với hơn 10 khâu đoạn chế tạo. Trong đó, điều quan trọng nhất của người làm đèn kéo quân là phải biết tính toán đến đối lưu không khí bên trong chiếc đèn kéo quân sao cho thật cân bằng.

Cần mẫn gìn giữ cái nghề “chẳng đủ ăn” này như một thú vui khó bỏ, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền vẫn cố giữ lấy nghề. Không đành lòng khi để món đồ chơi gắn với tuổi thơ của bao thế hệ trôi vào dĩ vãng, ông luôn cố gắng đưa nghề đến gần với tất cả mọi người. Mặc dù tuổi đã cao nhưng mỗi năm, ông Quyền luôn cố gắng tham gia sự kiện, giới thiệu nghề làm đèn kéo quân cho lớp trẻ. Với ông, đó là niềm tự hào khi đang cố gắng gìn giữ một nghề truyền thống, một nét văn hóa Việt.

P.Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này