Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực

13:34 | 18/09/2020
(LĐTĐ) Sự kiện Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm nay được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số nhằm xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển Chính phủ số và chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực.
Bảy điểm khác biệt giữa Chính phủ điện tử và Chính phủ số
Xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu
Hạ tầng số của Viettel sẵn sàng để phát triển Chính phủ số

Ngày 17/9/2020, Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tại Việt Nam (IDG Việt Nam), Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính – Văn phòng Chính phủ, Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 15.

Năm 2020 cũng là thời điểm đánh dấu cột mốc tròn 15 năm sự kiện Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử được tổ chức tại Việt Nam. Cũng như các sự kiện tổ chức trước đây, sự kiện được quan tâm, tham gia của hàng trăm chuyên gia, lãnh đạo cấp cao đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng lãnh đạo một số tỉnh, thành phố.

Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực
Các chuyện gia thảo luận tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 15.

Các nỗ lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử của nước ta trong thời gian qua đã được ghi nhận tích cực, Việt Nam tăng hạng 13 bậc từ năm 2016 theo Báo cáo xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hiệp Quốc. Năm 2020 Việt Nam tăng hạng 02 bậc, xếp thứ 86/193 quốc gia, trong khu vực Châu Á xếp thứ 23/47, trong khu vực ASEAN xếp thứ 6/11 quốc gia.

Trong đó, chỉ số hạ tầng viễn thông tăng 31 bậc, chỉ số dịch vụ công trực tuyến giảm đáng kể (22 bậc), tuy nhiên, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến địa phương được Liên Hiệp Quốc ghi nhận, Việt Nam có thành phố Hồ Chí Minh là địa phương duy nhất, xếp hạng thứ 42/100 thành phố.

Đối với cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong nước, tính đến tháng 9 năm 2020, toàn quốc có 19,10% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (mục tiêu Chính phủ đặt ra năm 2020 tối thiểu 30%), trong đó, 9 bộ, ngành trung ương và 15 tỉnh, thành phố đã cung cấp trên 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Để đạt mục tiêu Chính phủ đặt ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực, đổi mới cách làm, đổi mới mô hình triển khai làm sao để làm nhanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tại Hội thảo, Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có bài tham luận chia sẻ về định hướng và lộ trình phát triển Chính phủ số giai đoạn 5 năm tới, cũng như chia sẻ kinh nghiệm làm sao cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhanh dựa trên các nền tảng và đổi mới cách làm từ thực tiễn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế (02 cơ quan cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Để định hướng phát triển Chính phủ số của quốc gia, thời gian qua Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số chủ trương, định hướng phát triển như tại Nghị quyết 52-NQ/CP ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Cụ thể hóa các chủ trương trên, hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Nhằm chuyển đổi số xây dựng Chính phủ số thời gian tới được đồng bộ, hiệu quả, trong thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, phiên bản 2.0 nền tảng cho xây dựng Kiến trúc tổng thể quốc gia, đồng thời hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kiến trúc tại các bộ, ngành, địa phương.

Tham gia sự kiện, lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh/thành phố có điều kiện chia sẻ định hướng, kinh nghiệm và lộ trình phát triển Chính phủ số, chuyển đổi số ngành, lĩnh vực. Tại Hội thảo lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã nghe các chuyên gia trong nước, quốc tế tư vấn, góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp làm sao phát triển Chính phủ số, Chuyển đổi số hiệu quả và cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhanh, hiệu quả đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra.

Các chuyên gia phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số có điều kiện cập nhật các công nghệ mới nhất, quy trình và kinh nghiệm ứng dụng công nghệ tại các quốc gia tiên tiến. Các doanh nghiệp công nghệ ngoài việc có điều kiện tìm hiểu lộ trình, định hướng phát triển Chính phủ số thời gian tới còn có cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mới nhất tiêu biểu nhất.

Hội thảo đã tập trung giới thiệu định hướng, lộ trình phát triển Chính phủ số và các giải pháp để thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhanh. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cũng chia sẻ một số kinh nghiệm cũng như thách thức trong chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số thời gian tới.

Phương Bùi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này