Công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe

20:57 | 17/09/2020
(LĐTĐ) Năm nay, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) đối với nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ đại học ở tất cả các ngành đều cao hơn 1 điểm so với năm 2019. Trong đó, ngành cao nhất là 22 điểm, ngành thấp nhất là 19 điểm.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 đợt 2 đã đáp ứng được mục tiêu kép
Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng từ ngày 19/9
Kết quả đối sánh giữa điểm trung bình học bạ và trung bình điểm thi là khá tốt

Sáng 17/9, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, Hội đồng tư vấn xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trình độ đại học đối với các ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề năm 2020 đã thảo luận, phân tích dữ liệu, xác định và thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.

Sau cuộc họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định về việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ đại học năm 2020. Theo đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông để tuyển sinh nhóm ngành sức khỏe có chứng chỉ, hành nghề trình độ đại học năm 2020 đối với thí sinh ở khu vực 3 có mức điểm tối thiểu (không nhân hệ số) của tất cả các tổ hợp gồm 3 bài thi/môn thi như sau:

Công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe

Đánh giá về ngưỡng điểm sàn sức khỏe năm 2020, ông Tạ Thành Văn (Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội) cho rằng, việc tăng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của khối ngành sức khỏe so với năm ngoái là hợp lý, đảm bảo mặt bằng chung tuyển sinh giữa các trường đại học nhóm công lập và nhóm ngoài công lập.

Theo ông Tạ Thành Văn, ngưỡng điểm sàn không có quá nhiều ý nghĩa với Đại học Y Hà Nội bởi năm nào điểm trúng tuyển vào trường cũng cao hơn nhiều so với mức điểm sàn. Tuy nhiên với các trường khác, nhất là khối dân lập đây là việc quan trọng, quyết định số lượng thí sinh trúng tuyển và quyết định sự phát triển của các trường. Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cũng nhấn mạnh, đầu vào chỉ là một bước, quá trình đào tạo mới quan trọng, sản phẩm bác sỹ, nhân viên y tế sẽ do quá trình đào tạo quyết định.

Đồng tình với phương án điểm sàn được Hội đồng thống nhất, ông Phạm Văn Tác (Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế) nhìn nhận, quyết định của Hội đồng về mức điểm sàn khối sức khỏe là phù hợp. Mỗi nhóm tăng thêm một điểm so với năm ngoái là phù hợp với thực tế của năm nay.

Ông Phạm Văn Tác phân tích thêm, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ngành Giáo dục đã gặp nhiều khó khăn, nhưng ngành đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. Kết quả điểm thi cao hơn so với năm ngoái, vì vậy, khối sức khỏe tăng một điểm là hợp lý. Với mức điểm này, những trường tốp dưới không khó khăn hay lo lắng trong tuyển sinh vì nguồn tuyển lớn.

Cũng theo ông Phạm Văn Tác, tới đây, các trường tốp dưới sẽ phải cố gắng vì sẽ có hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực. Nếu học xong không được cấp chứng chỉ sẽ không được hành nghề. “Cho nên quá trình đào tạo mới là yếu tố quan trọng và quyết định” - ông Phạm Văn Tác khẳng định.

Cho rằng Hội đồng đã tính toán hết sức chỉn chu, khoa học để đưa ra mức điểm sàn hợp lý, ông Trần Công Luận (Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Đô) đánh giá, mức điểm sàn cao hơn năm ngoái là để bảo đảm chất lượng nhưng muốn hay không thì đầu ra mới là quan trọng. Đầu ra để đủ tư cách hành nghề sẽ còn phải trải qua quá trình sát hạch với nhiều điều kiện quan trọng.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này