Mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội để chiếm đoạt tài sản

Cần cảnh giác cao độ

14:16 | 17/09/2020
(LĐTĐ) Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị, đặc biệt có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19. Ghi nhận 8 tháng đầu năm nổi lên một số hành vi đáng lo ngại như: Giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ, mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...
Quỹ bảo hiểm xã hội thực chất chỉ giữ tiền hộ người lao động
Xử lý dứt điểm khoản nợ của ngân sách nhà nước đối với Quỹ bảo hiểm xã hội
Tìm cách cân bằng quỹ bảo hiểm xã hội
Cần cảnh giác cao độ
Bộ phận Giám sát - kiểm soát Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội sẽ kịp thời phát hiện những chi phí bất thường, thanh toán sai quy định. Ảnh: B.D

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 8 tháng đầu năm, ngành Bảo hiểm xã hội đã đạt được một số kết quả. Cụ thể: Toàn quốc có 15,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt 31,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; 12,81 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ khoảng 26% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế là 86,42 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89,2% dân số. Tổng số thu 8 tháng đầu năm đạt 60,34% so với kế hoạch.

Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 7 và tháng 8 năm 2020, toàn quốc giải quyết mới cho 74 doanh nghiệp với 9.505 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 56 tỷ đồng; 643 doanh nghiệp đang tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất báo tăng 61.067 lao động và kết thúc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 205 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2020 còn 954 doanh nghiệp, với 79.522 lao động và số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền 362,6 tỷ đồng.

Đến nay, toàn ngành làm việc trực tiếp, nắm bắt tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với 5.091 đơn vị, trong đó: 1.793 đơn vị với 113.265 lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3.064 đơn vị với 161.625 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động; 234 đơn vị với 13.914 lao động ngừng việc nhưng vẫn hưởng tiền lương theo thỏa thuận. Đồng thời làm việc, đôn đốc thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với 71.726 doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thu hồi 4.350 tỷ đồng..

Đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ đọng còn cao. Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị, đặc biệt có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid-19, như: Giả mạo chứng từ, mua bán, cấp khống giấy tờ, khai khống hồ sơ hưởng chế độ, thu gom mua bán sổ bảo hiểm xã hội để trục lợi.

Đáng chú ý, những ngày gần đây, hotline của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc họ nhận được các cuộc điện thoại của người lạ có các đầu số: 0555..., 8009... tự xưng là người của cơ quan Bảo hiểm xã hội, yêu cầu người dân cung cấp về nhân thân và nộp một khoản tiền để thanh toán chi phí đã khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc hoàn trả tiền đã trục lợi từ quỹ bảo hiểm y tế.

Cụ thể, các đối tượng này thông báo cho người dân việc họ đã đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, nhưng chưa thanh toán tiền khám chữa bệnh hoặc thông báo người dân đã trục lợi tiền khám chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế… Sau đó, yêu cầu người dân cung cấp về nhân thân và nộp một khoản tiền (thông qua tài khoản) để thanh toán chi phí đã khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hoặc hoàn trả tiền đã trục lợi từ quỹ bảo hiểm y tế, nếu không cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ báo công an vào cuộc điều tra, trừ tiền có trong tài khoản ngân hàng của người dân, cắt quyền sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người dân...

Trước sự việc trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo: Việc đối tượng tự xưng là người của cơ quan Bảo hiểm xã hội gọi điện cho người dân để thông báo các nội dung trên là lừa đảo. Hiện nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội không triển khai bất kỳ hình thức điện thoại trực tiếp nào cho người dân thông báo việc họ đã đi khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế hoặc nói họ đã trục lợi tiền của quỹ bảo hiểm y tế như thông tin một số người dân phản ánh ở trên.

Hiện, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang tập hợp các số điện thoại tự nhận là người của cơ quan Bảo hiểm xã hội có hành vi lừa đảo nêu trên theo phản ánh của người dân để chuyển Bộ Công an và đề nghị Bộ Công an phối hợp vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị: Người dân cần nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc điện thoại lạ, tự xưng là người của cơ quan Bảo hiểm xã hội; tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của các đối tượng, nhất là không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Trong trường hợp nhận được các cuộc gọi như trên, cần báo ngay cho cơ quan công an để xử lý, hoặc thông báo đến số hotline của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này