Để người dân “mặn mà” với thanh toán online

11:34 | 08/09/2020
(LĐTĐ) Những năm gần đây, mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến và nhận được nhiều sự quan tâm của người tiêu dùng, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thời điểm dịch bệnh xảy ra đã giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống chuyển sang tiêu dùng online nhiều hơn. Thế nhưng, do nền tảng thương mại điện tử còn kém, người tiêu dùng chưa yên tâm thanh toán online dẫn đến việc thanh toán điện tử còn chậm…
Giao dịch online, nhận nhiều ưu đãi từ HDBank
Dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng

Thanh toán trực tuyến ngày càng “bùng nổ”

Ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh cho biết, tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân. Với gần 45 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến, Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025 có 55% dân số mua sắm trực tuyến và doanh số khoảng 35 tỷ USD. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.

4025 img 7375
Người tiêu dùng chưa “mặn mà” với thanh toán online (ảnh Đ.Đ)

Cũng theo ông Thành, việc thanh toán trực tuyến cũng đang là xu hướng hiện hữu khắp nới trên thế giới, khẳng định người tiêu dùng thông minh chỉ cần một chiếc điện thoại là tích hợp mọi thứ từ mua sắm đến tiêu dùng và làm giảm chi phí đi rất nhiều. Thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển, đặc biệt tạo sự minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho người dùng.

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đưa ra tại Diễn đàn “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online” cho thấy, 5 năm gần đây, thương mại điện tử của Việt Nam tăng trưởng nhanh với tốc độ 25 - 30%/năm với 80% khách hàng đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, đồ điện tử, mỹ phẩm. Khảo sát mua sắm trực tuyến năm 2019 cho thấy, mua sắm quần áo 24%; mua hàng cá nhân 21%; mua hàng điện tử 18%; mua vé máy bay, xem phim 17%; mua nội dung online là 19%.

Từ số liệu trên cho thấy, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đã giúp người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn. Cùng với việc thay đổi thói quen tiêu dùng, sự bùng nổ của các sàn giao dịch thương mại điện tử ở Việt Nam cũng cho thấy, tiêu dùng trực tuyến đang là một trong những lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, thì làm gì để tốc độ tiêu dùng và thanh toán trên môi trường điện tử tỷ lệ thuận với sự lành mạnh luôn là “câu chuyện đau đầu” cho các cơ quan quản lý.

Cùng chung quan điểm trên các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng hiện nay đã nhìn nhận được thế mạnh, lợi ích khi mua sắm online, song không ít người tỏ ra lo ngại khi tiếp cận loại hình tiêu dùng này. Thực tế cho thấy, nhiều người cảm thấy nghi ngại về các sản phẩm được bán trực tuyến, những sản phẩm mà họ được xem, họ trả tiền…đến khi nhận được liệu có đúng như quảng cáo hay không.

Thậm chí, không ít người lo ngại về việc liệu tài khoản có bị hack không? Chất lượng sản phẩm có đảm bảo không?...Do đó, theo các chuyên gia kinh tế để phát triển được mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng online, thanh toán không dùng tiền mặt thì cần phải đẩy mạnh phát triển việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Đồng thời, cần có một quy trình quản lý chất lượng bảo đảm, đặc biệt giữ được chữ tín đối với người tiêu dùng.

Để người tiêu dùng “mặn mà” với thanh toán online

Nhận định về tương lai số của ngành bán lẻ Việt Nam, theo đánh giá của các chuyên gia, đây là thời đại bùng nổ về Internet và thương mại điện tử; đặc biệt, trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã đặt các doanh nghiệp vào một cuộc đua mới đó là cuộc đua “sinh tử”. Quan trọng và phát triển mạnh mẽ là vậy, tuy nhiên, số liệu đưa ra từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho thấy, mặc dù các sàn thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhưng việc thanh toán không dùng tiền mặt vẫn chưa thật sự tương xứng do người tiêu dùng chưa quen, thậm chí là chưa thật sự tin tưởng với giao dịch điện tử.

Chị Ngọc Anh ở Trung Văn (Hà Nội) cho biết, kể từ khi thương mại điện tử phát triển, việc thanh toán tiền online cũng giúp cho người tiêu dùng tiện lợi hơn trong việc mua sắm. Tuy nhiên, vì chất lượng và uy tín của các sàn thương mại điện tử không lớn, xuất hiện tình trạng hàng giả, hàng nhái nhiều, do đó chị Ngọc Anh tỏ ra lo lắng khi thanh toán qua hình thức online. “Chỉ khi mua sắm qua một số sàn thương mại lớn, hoặc mua bán qua hệ thống uy tín thì tôi mới sử dụng dịch vụ thanh toán tiền online. Còn lại hầu hết là tôi đặt hàng online nhưng thanh toán trực tiếp; khi thanh toán mình còn kiểm tra chất lượng sản phẩm, ưng mới thanh toán, còn không thì trả lại, bởi nhiều người đã mua phải hàng giả, hàng nhái trên mạng với giá thành như hàng hiệu”, chị Ngọc Anh cho hay.

Thanh toán trực tuyến cũng đang là xu hướng hiện hữu khắp nơi trên thế giới, khẳng định người tiêu dùng thông minh chỉ cần một chiếc điện thoại là tích hợp mọi thứ từ mua sắm đến tiêu dùng và làm giảm chi phí đi rất nhiều. Thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển, đặc biệt tạo sự minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho người dùng.

Không chỉ có chị Ngọc Anh, mà đề cập đến vấn đề thanh toán online và mua sắm online nhiều người tiêu dùng cũng tỏ ra lo ngại và cho rằng, họ chưa thật sự tin tưởng vào các sàn thương mại điện tử, bởi trên các sàn vẫn cho phép đăng bán sản phẩm nhái nhãn mác, xuất xứ trên các sàn thương mại điện tử…Do đó, khi thanh toán online xong sẽ khó bảo vệ được quyền lợi của mình. Trước những ý kiến trên, để người tiêu dùng thật sự “mặn mà” với việc thanh toán online, thanh toán không dùng tiền mặt, theo các chuyên gia thì cần phải xây dựng một định hướng về “Phát triển của nền tảng tín nhiệm” tại Việt Nam đối với thương mại, trong đó sẽ đánh giá các chủ thể kinh doanh, thậm chí là các cá nhân để công bố rộng rãi để người tiêu dùng có thể nắm bắt.

Song song với đó, cần có các chính sách liên kết trong việc thanh toán, an toàn bảo mật thông tin dữ liệu của người dùng. Đồng thời, siết chặt các quy định bảo vệ người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử cần có biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp thương mại điện tử tuân thủ pháp luật…Và để người tiêu dùng thật sự yên tâm với việc thanh toán online, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh Võ Trí Thành, thời gian tới, cơ quan chức năng cần kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần phải xây dựng chế tài cụ thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng trên sàn thương mại điện tử, bảo vệ các doanh nghiệp thương mại điện tử tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, các ngân hàng, cổng thanh toán và nhà mạng cần tạo điều kiện và có chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online; tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và bảo đảm tính tuân thủ pháp luật. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp thương mại điện tử tiếp cận nguồn vốn để tham gia chuỗi giá trị liên kết hàng Việt bán trên sàn thương mại điện tử của người Việt./.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này