Cơ chế nào tháo gỡ vướng mắc cải tạo chung cư cũ

18:46 | 03/09/2020
(LĐTĐ) Cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư cũ xuống cấp là chủ trương lớn của thành phố Hà Nội. Hiện thành phố đã giao 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiết 1/500 để thực hiện cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn phố, tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn rất chậm trễ, do vướng nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách.
Cải tạo chung cư cũ xin đừng đến rồi đi!
Hà Nội: Tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư dự án lập quy hoạch khu tập thể Nam Thành Công
Khi các tập đoàn lớn tham gia cải tạo chung cư cũ

Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.500 tòa chung cư cũ được xây dựng trong giai đoạn 1960 - 1980. Ðến nay, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức kiểm định được 344 nhà chung cư, trong đó có 200 nhà cấp C, 137 nhà cấp B và bảy nhà cấp D, thuộc diện nguy hiểm.

Ðến cuối năm 2019, thành phố Hà Nội đã giao cho 19 chủ đầu tư tự bỏ kinh phí, triển khai nghiên cứu, lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 28 khu chung cư cũ trên địa bàn; đồng thời có giao bổ sung hai khu, nâng tổng số lên 30 khu. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai cải tạo, xây lại chung cư, tập thể cũ vẫn gần như dậm châm tại chỗ do còn nhiều vướng mắc.

co che nao nham thao go vuong mac cai tao chung cu cu
Tiến độ các dự án cải tạo chung cư cũ vẫn chậm do nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, theo định của pháp luật về trình tự, thủ tục trong cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư yêu cầu phải có phương án bồi thường trước khi được lựa chọn chủ đầu tư, trong khi đó, phải được lựa chọn làm chủ đầu tư thì chủ đầu tư mới lập quy hoạch 1/500 và căn cứ vào đó để xây dựng được phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Đặc biệt, hầu hết hộ gia đình trong quá trình sử dụng đều cơi nới, khiến cho việc xác định diện tích bồi thường gặp khó khăn. Nhiều khu nhà nằm ở vị trí đất "vàng" nên chủ sở hữu đòi mức bồi thường giải phóng mặt bằng rất cao so với quy định cũng là một khó khăn hiện hữu...

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng, nhằm tối đa hóa "lợi ích”, các chủ đầu tư đều muốn nâng chiều cao xây dựng. Tuy nhiên, vấn đề này bị hạn chế bởi Luật Quy hoạch, Luật Thủ đô... Trong khi đó, việc điều chỉnh quy hoạch lại thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ...

Trước sự chậm chễ trong quá trình cải tạo chung cư cũ, năm 2019, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập một tổ công tác để hoàn thiện đề án về cải tạo, xây dựng mới các nhà chung cư trên địa bàn. Vừa qua, đề án này đã được hoàn thiện, chuyển Bộ Xây dựng cho ý kiến.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, từ nay đến cuối năm 2020, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ tháo gỡ ngay những vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách; xây dựng dự thảo sửa đổi một số quy định tại Nghị định 101/2015/NÐ-CP để phù hợp với điều kiện thực tế từ đó giúp các địa phương, nhất là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhà tập thể cũ trên địa bàn.

Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này