Ký ức của nghệ sĩ chụp ảnh Bác

11:05 | 03/09/2020
(LĐTĐ) Là một trong những phóng viên ảnh đầu tiên của Báo Nhân Dân, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải đã may mắn được chụp ảnh Bác Hồ trong những dịp Bác tiếp khách trong nước, quốc tế và cho đến nay đó đều là những tư liệu quý giá được lưu giữ tại một số bảo tàng.
Cận cảnh ngôi nhà 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ soạn thảo "Tuyên ngôn Độc lập"
Sắt son những lời dạy của Bác Hồ

Vinh dự được đi theo chụp ảnh Bác

Đối với mỗi người Việt Nam được gặp và trò chuyện với Bác Hồ đã là một may mắn lớn trong cuộc đời. Vậy nhưng với Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải không những được tiếp cận mà còn được đi theo chụp ảnh Bác thì quả là một vinh dự không hề nhỏ. Đây là công việc không hề đơn giản đòi hỏi mỗi tấm ảnh chụp phải toát lên được phong thái, tầm vóc của vị lãnh tụ dân tộc. Cũng chính những lần được gần Bác, Nghệ sĩ Trịnh Hải lại càng cảm nhận sâu sắc hơn về con người, tính cách, lối sống, cả những bài học mà Người dạy dỗ, chỉ bảo và ông luôn ghi nhớ suốt gần 90 năm cuộc đời, 70 năm làm nghề ảnh chuyên nghiệp của mình.

3712 nsna trinh hai
Chân dung Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải kể, một lần đang công tác ở Vinh, ông được đi theo Bác thăm quê nhà Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) và đã chụp được bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ về thăm quê”. Đây là thời điểm cuối năm 1961, là lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng trong đời, Người được về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Từ căn nhà tuổi ấu thơ ở làng Sen (Kim Liên), khi Bác bước sang nhà bên thì dân làng kéo đến rất đông. Xúc động với tình cảm bà con dành cho mình, Bác dặn dò mọi người đoàn kết, ra sức tăng gia, sản xuất.

Cũng trong dịp Bác về Nghệ An, Tỉnh ủy tổ chức một cuộc họp mặt để các vị lão thành cách mạng được gặp Bác, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải cầm máy ảnh đứng trên bục sau lưng Bác nên quan sát hết toàn bộ hội trường lúc đó đã chật kín.

Bỗng Bác chỉ vào một cán bộ trẻ ngồi hàng ghế đầu nói: “Chú này có thấy ông già đứng thập thò mãi ở cửa không? Chú còn trẻ phải ra xin lỗi rồi mời cụ ấy vào”. Thế là những cán bộ còn trẻ ngồi hai hàng ghế đầu lặng lẽ đi ra ngoài để các cụ được mời lên ghế trên ngồi. Bác giáo dục giới trẻ thật là đơn giản và sâu sắc về đạo lý tôn trọng người cao tuổi. Bác nói chuyện và làm thỏa mãn một số ý kiến thắc mắc của các cụ đến một giờ đồng hồ mới kết thúc.

Vị lãnh tụ thiên tài nhưng rất đỗi bình dị

Nhìn những bức ảnh mà Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Trịnh Hải chụp Bác trong một thần thái xuất thần, toát lên một vị lãnh tụ thiên tài nhưng lại rất đỗi bình dị. Tôi mạnh dạn hỏi ông: “Bác Hồ có khi nào khen những bức hình này?”. Nghệ sĩ Trịnh Hải đáp: “Bác vốn dĩ là người suy nghĩ rất thấu đáo, Bác không bao giờ khen như thế. Như hồi tôi còn công tác, nếu có ý kiến về ảnh đăng báo thì Bác thường trao đổi với Tổng Biên tập.

Ngày ấy Báo Nhân Dân mới từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội được in bằng máy in Trung Quốc, với lợi thế tự gấp, tự xén nhưng lại có nhược điểm là chỉ in rõ chữ thôi còn ảnh thì không chất lượng. Một lần, khi tôi đang làm việc ở phòng bí thư (nay là ban thư ký biên tập) thấy Bác gửi trả lại Tổng Biên tập Hoàng Tùng một tờ Báo Nhân Dân có bức ảnh không nhìn thấy gì, chỉ có một màu tối đen. Bác dùng bút bi đánh dấu hỏi bên rìa ảnh kèm câu: “Cái zì đây?” (Bình thường, Bác hay viết chữ z thay cho d, gi; f thay cho ph).

3715 bac hy chia kyo
Bác Hồ phát kẹo cho con em Báo Nhân Dân tại trụ sở 71 Hàng Trống (Nghệ sĩ Trịnh Hải đeo cà-vạt đứng cạnh Bác). (Ảnh: Nguyễn Kim Côn)

Thế nhưng, trong đời Nghệ sĩ Trịnh Hải cũng đã được Bác Hồ khen một lần nhưng không phải vì những bức ảnh đẹp mà là cách ăn mặc gọn gàng. Năm ấy là 1960, nhân Ngày Quốc khánh 2/9, Bác mời cơm các gia đình có công với cách mạng từ miền Trung trở ra đến Việt Bắc. Hôm ấy, Bác mặc bộ quần áo nâu. Bác đi chạm ly tất cả các mâm nhưng không uống.

Đến bàn dành cho các Bộ trưởng và các nhà báo, thấy một người mặc bộ com lê thắt cà-vạt nhàu quá, Bác dừng chân bảo người ấy: “Chú mặc thế này mà đón khách à? Chú xem các gia đình đến đây toàn nông dân, bình thường người ta ăn mặc xuềnh xoàng có gì mặc nấy nhưng hôm nay đến đây họ mặc quần áo tươm tất còn chú mặc thế này thì gần người ta sao được”. Rồi Bác quay sang Nghệ sĩ Trịnh Hải (khi ấy ông mặc áo sơ mi trắng, quần kaki xanh, đi giầy da): “Đây này, mặc như chú này thì được”.

Nghệ sĩ Trịnh Hải nhớ lại, ngày 1/5/1968, khi Bác Hồ dự lễ mít tinh ở Quảng trường Ba Đình, do sức khỏe của Bác đã có phần giảm sút nên cảnh vệ không cho các nhà báo (cả trong nước và quốc tế) tiếp cận Đoàn Chủ tịch. Thấy cánh nhà báo nhốn nháo không ai làm việc được, Bác đứng lên nói bằng tiếng Pháp: “Photographes” (các nhà nhiếp ảnh). Thế là mọi người ùa lên, không bị cản trở nữa. Bác rút hoa bày trên mặt bàn tặng mỗi người một bông. Lúc ấy, Nghệ sĩ Trịnh Hải vì mải miết chụp ảnh Bác Hồ nên đến lượt mình thì không còn bông hoa nào.

Nhưng điều đó không làm ông buồn bởi ông đã may mắn hơn các đồng nghiệp khác khi chụp được bức ảnh Bác tặng hoa nữ nhà báo Madeleine Riffaud, phóng viên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp (người đã xin được nhận làm con nuôi Bác Hồ và đã viết nhiều bài báo về Bác cũng như về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta). Đây là bức ảnh lịch sử mà theo đề nghị của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ông đã hiến tặng để các nhà báo và những người quan tâm đến nền báo chí cách mạng nước nhà thấy được tình cảm của Bác với các nhà báo.

Là người chụp ảnh Bác nhưng Nghệ sĩ Trịnh Hải cũng đã có vinh dự được có mặt chung trong một tấm hình duy nhất với Bác. Đó là bức ảnh của ông Nguyễn Kim Côn (phóng viên ở Phủ Chủ tịch) chụp Bác đến thăm Báo Nhân Dân ngày 18/1/1957. Đó là khoảnh khắc Bác phát kẹo cho con cán bộ Báo Nhân Dân vẫn theo bố mẹ đến cơ quan, còn Nghệ sĩ Trịnh Hải đứng cạnh Bác. Hôm ấy ông thắt cà-vạt nhân nhà có đám cưới. Bức ảnh quý này hiện đang lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và ông cũng đã đến tận nơi nhờ phóng từ phim gốc để treo trong phòng làm việc bé nhỏ của mình…

Có thể nói cuộc đời cầm máy đã giành được không ít giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế về nhiều mảng đề tài khác nhau nhưng được chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu là “phần thưởng” lớn nhất trong cuộc đời của người nghệ sĩ quê lụa Trịnh Hải. Chính trong khoảng thời gian được gần gũi Người, ông đã học được nhiều đức tính quý báu của Bác để rồi ông luôn nhắc nhở bản thân luôn phải cố gắng rèn rũa, kiên trì và bền bỉ với công việc./.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này