Năm học mới vẫn những câu chuyện cũ!

11:12 | 27/08/2020
(LĐTĐ) Năm học mới 2020-2021 lại sắp đến, hàng triệu học sinh, sinh viên trên cả nước chuẩn bị nô nức cho lễ khai giảng vào ngày 5/9 tới đây. Bên cạnh niềm hân hoan, phấn khởi, đặc biệt của các cháu học sinh bắt đầu vào lớp một là nỗi lo “tứ bề” của các bậc phụ huynh!
Đồ dùng học tập, sách giáo khoa: Hàng Việt “hút khách”
Hà Nội đảm bảo giao thông dịp khai giảng năm học mới 2020-2021 trong điều kiện diễn biến mới của dịch Covid-19
Nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng tân sinh viên và năm học mới
4909 5946 40828221 1653863294725482 4617494742651895808 n
Ảnh minh họa.

Vợ chồng anh Tư đều là viên chức làm việc tại Hà Nội, vì một số lý do nên vợ chồng anh sinh thưa. Cháu đầu năm nay thi vào lớp 10, cháu út lên lớp 1, nên từ đầu năm cả gia đình đã “mướt” mồ hôi lo “đầu vào” cho 2 con. Nay mọi việc đã xong, cháu lớn đã thi đậu vào lớp 10 gần nhà, cháu nhỏ cũng chuẩn bị nhập học lớp 1, gia đình anh chị lại “viết tiếp” nỗi lo cái sự học cho con!

Anh Tư cho hay: “Cả hai con đều học trường công, tính cả chi phí sữa học đường cho bé lớp 1, tổng tiền học phí cũng không đáng là bao. Cái lo là chuyện học thêm cho hai con, vừa tốn kém tiền bạc, vừa tốn kém cả thời gian”. Theo anh Tư, ngoài học ở trường, cô lớp 10 nhà anh phải học thêm tiếng Anh, Toán, Văn… còn cậu lớp 1 ít nhất tuần phải học thêm nhà cô giáo chủ nhiệm 1-2 buổi. Tính ra tiền học thêm cho hai con cũng lên tới 3-4 triệu đồng/tháng. Học liên miên con trẻ chẳng có thời gian để chơi!

Câu chuyện nhà anh Tư thực ra cũng là nổi khổ chung của tất cả các bậc phụ huynh hiện nay, đặc biệt đối với những gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp. Chi phí việc học cho con cũng chiếm đến 30-40% quỹ lương, thu nhập của bố mẹ! Thực lòng mà nói, bất kỳ phụ huynh nào cũng mong con mình học giỏi, song các phụ huynh cũng lại muốn con mình có thời gian chơi, thời gian dành cho tư duy và không bị áp lực bởi việc học hành.

Tuy nhiên, áp lực đầu vào, áp lực kiến thức và sự “tế nhị” đối với các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các môn quan trọng như toán, văn, lý, hóa và cả áp lực ngoại ngữ khiến nhiều bậc phụ huynh phải chấp nhận “dè xẻn” chi tiêu để lo chuyện học thêm cho con. Nếu không học thêm, khả năng việc học tập của con sẽ kém xa các bạn cùng lớp.

Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý của các con, “độ sáng” của học bạ khi xét tuyển, thi đầu vào lên cấp 2, 3 cũng như điểm thành tích chung của lớp. Vì thế, biết là tốn kém, biết là con chẳng có mấy thời gian chơi nhưng các bậc phụ huynh cứ phải “bấm lòng” chấp nhận.

Điều cần phải nói thêm, câu chuyện dạy thêm, học thêm năm nào ngành Giáo dục- Đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố cũng ban hành quyết định cấm. Song bằng cách này, cách kia việc dạy thêm vẫn cứ diễn ra. Năm nào người đứng đầu ngành Giáo dục- Đào tạo cũng nói đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục gắn với cải cách giáo dục, nhưng thực tế lượng kiến thức mà học sinh đang phải học quá nhiều.

Ví như học sinh cấp một, kiến thức không chỉ khó (môn Toán là ví dụ), mà các môn học khá nhiều, dẫn tới thực trạng mỗi em học sinh đến lớp phải “oằn vai” khoác chiếc ba lô gần bằng trọng lượng cơ thể. Đấy là chưa kể một số nội dung trong sách giáo khoa vẫn chậm được đổi mới, thậm chí không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Kiến thức nhiều, toán và các môn tự nhiên khó (so với cấp học, lứa tuổi) cũng chính là lý do một số người tâm sự: Học sinh lớp 7 ở một số nước có khi khó lòng giải nổi toán lớp 5 của Việt Nam!

Về vấn đề này, người viết từng đề cập, não bộ học sinh từ lớp 1 đến cấp 2 như làn da non, chỉ cần một vết chạm là da khó lành. Vì thế, để não bộ học sinh phát triển bình thường, có thời gian, dung lượng để hình thành tư duy, nên chăng những nhà hoạch định giáo dục cần mời thêm cả các nhà y khoa, nhà tâm lý “ngồi lại” với nhau để tính chuyện kiến thức trong sách giáo khoa.

Còn không cứ để ngành Giáo dục- Đào tạo loay hoay với cụm từ “đổi mới giáo dục” nhưng mãi chẳng thấy đâu. Chỉ thấy mỗi năm khi mùa khai giảng đến, áp lực học tập lại đè nặng lên vai của các em học sinh lẫn cả phụ huynh!

L.Hà

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này