Ngại đến viện vì sợ Covid-19:

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đối mặt với tử thần

09:27 | 27/08/2020
(LĐTĐ) Lo lắng trước sự lây nhiễm của dịch bệnh Covid-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị, hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid- 19… Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay trước nguy cơ “dịch chồng dịch” của Covid-19 và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.
Tăng cường kiểm soát, phòng chống sốt xuất huyết
Hà Nội phun hóa chất diện rộng phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Tử vong vì truyền dịch chữa sốt xuất huyết tại nhà

Vừa qua, Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 1 ca sốt xuất huyết là một thanh niên trẻ tuổi bị ngừng tim do sốc khi truyền dịch tại nhà. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết nhưng đã tự truyền dịch tại nhà, không vào viện điều trị. Khi đưa đến Khoa Cấp cứu, bệnh nhân đã bị ngừng tim 30 phút, được tiến hành cấp cứu, ép tim và tim đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2. Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và tiến hành đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.

4001 1 nhan vien y ty phun thuyc phong chyng syt xuyt huyyt
Cán bộ y tế phun hóa chất phòng ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hay một trường hợp khác là ca sốt xuất huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai mà ban đầu các nhân viên y tế nhầm lẫn với Covid-19. Đây là một thanh niên 27 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội. Ngày 16/8, bệnh nhân xuất hiện sốt cao liên tục 39 - 40 độ, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân có yếu tố dịch tễ là đi công tác Đà Nẵng từ ngày 30/7 đến 7/8 nên ban đầu cả bệnh nhân và bác sĩ đều nghĩ ngay đến Covid-19, tuy nhiên làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 đã cho kết quả âm tính.

Trong khi đó, xét nghiệm công thức máu cho bệnh nhân thấy tiểu cầu hạ, kèm da xung huyết đỏ, lúc này xét nghiệm test Dengue NS1 dương tính. Bệnh nhân được kết luận mắc sốt xuất huyết, được điều trị theo phác đồ sốt xuất huyết đó là truyền dịch, hạ sốt. Sau 4 ngày điều trị theo đúng phác đồ của bệnh, hiện tình trạng của bệnh nhân đã ổn định.

Chia sẻ về hai trường hợp trên Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trên đây là hai sai lầm đáng tiếc mà người dân và nhân viên y tế dễ mắc phải trong việc chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Lo lắng trước sự lây nhiễm của Covid-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19.

Theo Phó Giáo sư Đỗ Duy Cường, từ đầu năm đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như: Phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính,… Riêng tại Hà Nội, từ đầu hè tới nay các ca sốt xuất huyết ban đầu xuất hiện ở ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thường Tín… đã lan dần vào các khu vực trung tâm Thành phố như Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Đánh giá đúng tình trạng bệnh để điều trị phù hợp

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai Đỗ Duy Cường phân tích, sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc Covid-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc Covid-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, ngạt mũi… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với Covid-19 như sốt, đau mỏi cơ.Bởi vậy, khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà. Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Cũng liên quan tới tình hình dịch sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, theo thống kê từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 1422 trường hợp mắc phải căn bệnh nguy hiểm này. Số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng đã có trường hợp tử vong liên quan đến sốt xuất huyết. Trước tình hình trên, ngày 24/8, Sở Y tế Hà Nội có văn bản khẩn 293/SYT-NVY yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh.

Sở Y tế Hà Nội nhận định, dịch bệnh sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, điều trị cho người bệnh sốt xuất huyết.

4003 02

Cụ thể, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố giám sát chặt chẽ chỉ số bọ gậy, muỗi và tình hình bệnh nhân để cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết. Hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch sốt xuất huyết cho các trung tâm y tế và hỗ trợ các đơn vị này triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ theo chỉ định. Rà soát cơ số phòng chống dịch của ngành, đảm bảo cung ứng đủ hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch.

Sở Y tế cũng chỉ đạo các trung tâm y tế thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn về phòng chống dịch. Tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch cần tổ chức họp tổ dân phố, cụm dân cư để tuyên truyền trực tiếp cho người dân về tình hình dịch tại khu vực đang sinh sống và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch để người dân chủ động phòng chống. Củng cố, tăng cường đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch; rà soát và có kế hoạch bổ sung đầy đủ nhân lực cũng như trang thiết bị, hóa chất để đáp ứng hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Riêng đối với các cơ sở khám chữa bệnh cần rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh; đánh giá đúng tình trạng người bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp. Tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn người bệnh và người nhà biết cách chăm sóc, theo dõi diễn biến người bệnh để có thể xử trí kịp thời. Tích cực theo dõi người bệnh, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ, chuyển tuyến kịp thời những ca bệnh nặng, vượt quá khả năng. Đồng thời, tại mỗi đơn vị cần đáp ứng đủ nhân lực, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, hạn chế tử vong do dịch bệnh sốt xuất huyết./.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này