Kinh phí công đoàn

Nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, người lao động

09:43 | 25/08/2020
(LĐTĐ) Từ nguồn kinh phí công đoàn 2% được trích lại, các công đoàn cơ sở có nguồn tài chính để duy trì hoạt động, đồng thời tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Vì vậy, việc duy trì khoản thu kinh phí công đoàn 2% được các công đoàn cơ sở thống nhất cao.
Duy trì khoản thu kinh phí công đoàn 2% để chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động
Nỗ lực chăm lo đời sống đoàn viên, người lao động

2% kinh phí công đoàn: Nguồn chính duy trì các hoạt động

Tại Hội thảo “Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn năm 2012, chuyên đề tài chính công đoàn” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn ra cuối tuần qua, bày tỏ sự đồng tình với việc duy trì khoản thu kinh phí công đoàn 2%, ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (doanh nghiệp FDI 100% vốn Nhật Bản, đóng tại Khu công nghiệp - Thạch Thất Quốc Oai Hà Nội) cho biết: Với số tiền từ kinh phí công đoàn và đoàn phí được giữ lại, Công đoàn công ty thực hiện chăm lo cho đoàn viên, tổ chức các hoạt động thăm hỏi, các hoạt động phong trào thể dục thể thao, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn...

Ông Hải cho biết, Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam được thành lập từ 2006, đến năm 2009, công ty đi vào hoạt động và thành lập tổ chức Công đoàn. Sau hơn 11 năm hoạt động, với hơn 3.300 đoàn viên, tại đây chưa xảy ra bất kỳ cuộc đình công nào, mối quan hệ giữa doanh nghiệp - người lao động và tổ chức Công đoàn luôn ổn định, hài hòa.

3310 tai chinh cong yoan
Ông Phan Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo. Ảnh: B.D

Theo ông Hải, để duy trì quan hệ lao động hài hòa, hai bên (chủ sử dụng lao động - người lao động) cùng có lợi, tất cả hoạt động của tổ chức Công đoàn, cũng như chăm lo cho người lao động đều thông qua nguồn kinh phí công đoàn 2% - đây là nguồn tài chính quyết định duy trì, đảm bảo cho các hoạt động.

“Từ 2%, chúng tôi trích nộp lên Công đoàn cấp trên 30% và giữ lại 70%. Chúng tôi có quy chế chi tiêu cụ thể bằng văn bản, hằng năm, 6 tháng thực hiện quyết toán và công khai thu - chi trên 8 bảng tin tại các phân xưởng của nhà máy. Người lao động và các cấp lãnh đạo có thể dễ dàng nắm được các khoản chi tiêu tài chính công đoàn. Điều này tạo ra niềm tin đối với người lao động, cũng như đoàn viên vào tổ chức Công đoàn”, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam cho biết.

Cũng theo ông Hải, ngoài việc thực hiện công khai tài chính tại cơ sở, Ủy ban kiểm tra Công đoàn đồng cấp thực hiện kiểm tra 6 tháng/1 lần. Bên cạnh đó, dự toán, quyết toán tài chính công đoàn cũng được gửi lên Công đoàn cấp trên, có sự kiểm tra thường xuyên, nên hơn 11 năm qua, tài chính tại Công đoàn công ty luôn đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy tắc.

Đồng tình và nhất trí cao với việc tiếp tục duy trì khoản thu kinh phí công đoàn 2%, từ góc độ của người sử dụng lao động, ông Yamazaki Takayuki - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Showa Việt Nam (doanh nghiệp FDI vốn Nhật Bản đóng tại Khu công nghiệp Thăng Long - Hà Nội) cho biết: Hằng năm, vào đầu năm, Công đoàn và công ty đều tổ chức cuộc họp về dự toán kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn. Khi nghe đến các hoạt động của tổ chức Công đoàn, lãnh đạo doanh nghiệp rất ủng hộ.

Phân tích thêm một số hoạt động tại cơ sở, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Showa Việt Nam cho biết, hiện nguồn kinh phí được giữ lại nhiều khi chưa đủ cho các hoạt động tại doanh nghiệp. “Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với việc duy trì khoản thu 2% kinh phí công đoàn”, ông Yamazaki Takayuki khẳng định.

Nguồn kinh phí phân bổ cho công đoàn cơ sở ngày một tăng

Tại Hội thảo, đại diện Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam và Công ty TNHH Showa Việt Nam đều bày tỏ nguyện vọng được giảm bớt % số tiền đóng lên Công đoàn cấp trên, tăng tỷ lệ % để lại cho công đoàn cấp dưới để cơ sở có thêm nguồn lực chăm lo tốt hơn phúc lợi cho đoàn viên, người lao động.

Không thể bỏ được khoản thu 2% kinh phí công đoàn

Bày tỏ quan điểm tại Hội thảo, với tư cách là người đồng chủ trì, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Khoản thu 2% kinh phí công đoàn chủ yếu để xây dựng phúc lợi xã hội, chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động, kể cả người lao động tại doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, chứ không phải để duy trì cho hoạt động của hệ thống tổ chức Công đoàn. Chúng ta phải hiểu bản chất như vậy, chứ không phải như nhiều người nghĩ là đóng kinh phí công đoàn để nuôi bộ máy cán bộ công đoàn”.

Khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội quan trọng, đóng vai trò rất lớn trong quá trình phát triển của đất nước, cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh thêm: "Dứt khoát không thể bỏ được khoản thu 2% kinh phí công đoàn".

Trao đổi thêm về công tác tài chính công đoàn thời gian qua, ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Luật Công đoàn 2012 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau 7 năm triển khai thực hiện, công tác tài chính công đoàn có nhiều chuyển biến tích cực, tập trung thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác tài chính công đoàn, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả. Thực thi Luật Công đoàn năm 2012, việc quản lý, phân phối nguồn tài chính công đoàn từng bước được công khai, minh bạch và công bằng theo hướng tăng dần cho công đoàn cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở.

Về chi tiêu tài chính công đoàn, ông Phan Văn Anh cho biết, thực tế hiện nay cho thấy các công đoàn cơ sở chủ yếu chi trực tiếp cho phúc lợi đoàn viên và người lao động. Cụ thể, năm 2019, nội dung chi thăm hỏi, phúc lợi đoàn viên chiếm 51,93%; chi bảo vệ, tuyên truyền là 17,31%; chi huấn luyện, đào tạo chiếm 1,15%; chi cho khen thưởng chiếm 1,5%; chi hỗ trợ du lịch là 1,84%. Qua rà soát tài chính công đoàn, các công đoàn cơ sở đều đảm bảo chi đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, theo đúng hướng dẫn của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Về mức chi bình quân, ông Phan Văn Anh cho biết, năm 2019, mức chi bình quân cho 1 đoàn viên công đoàn là 1.200.000 đồng/người/năm và mức chi cho người lao động là 1.017.000 đồng/năm; trong đó chi cho đoàn viên cao hơn người lao động là do một số mục chi tại công đoàn cơ sở quy định chỉ chi cho đoàn viên công đoàn, ví dụ chi cho sinh nhật, việc hỷ…

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, thực hiện mục tiêu hướng về cơ sở, vì lợi ích đoàn viên, tỷ lệ tài chính phân bổ lại cho công đoàn cơ sở tăng đều qua các năm, từ đó các công đoàn cơ sở có điều kiện chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn được sử dụng cho công đoàn cơ sở là 60%; năm 2013 tăng lên 65%; và từ năm 2016 thực hiện Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác tài chính công đoàn trong tình hình mới, mỗi năm tăng thêm 1% cho công đoàn cơ sở (mục tiêu của Nghị quyết tăng tỷ lệ kinh phí công đoàn được sử dụng tại cơ sở lên 70%, đến năm 2025 đạt 75%./.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này